Quản lý chặt trên không gian mạng
Phải gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo sản phẩm sữa giả. Đây là thông điệp mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố, thông qua 2 văn bản là công văn số 907/PTTH&TTĐT (gửi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới) và công văn số 908/PTTH&TTĐT (gửi các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước).
Theo đó, căn cứ danh sách 84 sản phẩm sữa (do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất) vừa bị Bộ Công an và Bộ Y tế công bố thu hồi và khuyến cáo không sử dụng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành các văn bản nói trên gửi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (như Meta, Google, TikTok Pte. Ltd...) và các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước phải triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật, nhân sự để rà quét, phát hiện và ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo có nội dung liên quan đến các sản phẩm sữa thuộc danh sách bị thu hồi và khuyến cáo không sử dụng của Bộ Công an, Bộ Y tế, với mục đích bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khỏe cho người dân.
Cùng với đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng yêu cầu các nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội do mình quản lý; phối hợp ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm trên mạng, kịp thời gỡ bỏ quảng cáo vi phạm khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền; thông báo đến người sử dụng về việc cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ nội dung quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng, nhất là quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quảng cáo và phản ánh với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện nội dung quảng cáo có dấu hiệu vi phạm.
Đối với 84 sản phẩm sữa bị yêu cầu thu hồi và khuyến cáo không sử dụng này, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay người dân có thể tra cứu danh sách tại: Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Ngoài ra, khi phát hiện nội dung quảng cáo vi phạm trên mạng, người dân có thể phản ánh tới website của Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam: https://tingia.gov.vn/ hoặc trực tiếp tới Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (tầng 9, số 115 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Những động thái nói trên cho thấy sự kiên quyết của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành, nhằm giải quyết một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận. Và, cũng thông qua những động thái này, công chúng sẽ nâng cao hơn nữa về nhận thức và thái độ hành xử đúng đắn hơn trước các thông tin thuộc dạng “xấu, độc” xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội và các trang thông tin điện tử tổng hợp.
Không chỉ là vấn đề quảng cáo thông qua công nghệ của các nền tảng xã hội, mà từ vụ 84 sản phẩm sữa này cũng cho thấy, mặc dù luật pháp đã có rất nhiều chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nhưng thực tiễn vẫn đang đòi hỏi cơ quan chức năng sớm ban hành thêm những quy tắc ứng xử, đặc biệt trong việc tham gia quảng cáo của những cá nhân có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội mà chúng ta vẫn quen gọi là “người công chúng”.
Mới đây, một trong những văn bản loại này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, đó là: Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa, nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực, làm biến dạng, sai lệch và có nguy cơ mai một, hủy hoại di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Theo quy tắc này, những người làm công tác di sản văn hóa, khi sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin cần chính xác, tin cậy; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội...
Những bộ quy tắc tương tự như thế cũng rất cần thiết đối với các đối tượng khác đang tham gia trong các mảng khác của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Và, đó không chỉ là chuẩn mực để các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh áp dụng, mà còn là căn cứ để cơ quan chức năng dễ dàng xử lý khi có các hành vi vi phạm phát sinh.