Phim lịch sử có kén khán giả?
43 triệu, đó là doanh thu của phim "Huyền sử vua Đinh". Bộ phim sau vài ngày công chiếu và không tạo được bất kỳ dấu ấn nào đã buộc phải rút lui khỏi các cụm rạp. Biện minh cho thất bại ấy có rất nhiều lý do và một trong những nguyên nhân "ưa dùng" chính là "phim lịch sử kén khán giả". Thực tế, phim lịch sử có kén khán giả đến thế hay không? Đây là một câu hỏi thú vị thật sự.
Nếu nhìn vào rất nhiều bộ phim lịch sử, phim dã sử, phim cổ trang của điện ảnh Việt Nam suốt nhiều năm qua, chúng ta có thể dễ nhận thấy một điểm chung là dòng phim này rất khó thành công về mặt doanh thu. Khi một bộ phim không thành công về doanh thu, chắc chắn là khán giả không hề mặn mòi với nó, thậm chí khán giả còn không biết tới sự tồn tại của phim ấy. Nhưng điều đó có đủ để nhận định rằng khán giả thờ ơ với phim lịch sử hay không? Cái này thì chưa chắc.
Nếu kiếm tìm trên mạng xã hội, chúng ta sẽ không khó có thể nhận thấy thế hệ trẻ rất say mê với các diễn đàn lịch sử. Dù môn lịch sử trong trường học đang bị xem là khô khan và khiến học sinh xa rời nó nhưng ở thực tế đời sống, người trẻ rất ham tìm tòi các sử liệu. Sự khác nhau nằm ở chỗ sử liệu ngoài đời, cùng với cách kể, cách viết của các chuyên gia, có sức hấp dẫn hơn hẳn sử liệu học đường. Cái gì hấp dẫn hơn tất thu hút được nhiều công chúng hơn. Phim lịch sử cũng vậy thôi. Chưa hấp dẫn thì chưa tạo ra được công chúng. Cái chưa hấp dẫn ấy tới từ cách làm phim chứ không phải nội tại của phim lịch sử là không hấp dẫn và dẫn tới sự thờ ơ của khán giả.
Hãy thử đầu tư thời gian để xem lại một loạt các phim lịch sử gần đây của điện ảnh Việt, chúng ta sẽ thấy rất rõ sự thiếu hấp dẫn của từng bộ phim nằm ở điểm nào. Ngay cả một phim được xem là cực chỉn chu như "Long thành cầm giả ca" cũng vậy. Quá chỉn chu nhưng dường như đạo diễn chú tâm làm phim cho bản thân mình hơn là làm phim cho khán giả. Không xác định được khán giả mục tiêu của mình là những ai, lớp khán giả mục tiêu ấy muốn xem những gì chính là nhược điểm của rất nhiều đạo diễn hiện nay. Họ thiếu sự rạch ròi giữa làm nghệ thuật với làm thương mại. Mà điện ảnh lại bao gồm cả 2 yếu tố tưởng như xung đột với nhau ấy. Người đạo diễn cần dung hòa, vừa thực hành nghệ thuật nhưng cũng phải vừa đáp ứng được nhu cầu của khán giả để mong phim mang lại doanh thu tốt. Đáng buồn là việc định lượng nhu cầu của khán giả lại không rõ ràng, nhất là trong cách làm phim lịch sử. Từ đó, sự nhợt nhạt của các nội dung phim lịch sử đã khiến chúng không kéo được công chúng vào rạp. Và kết cục, những nhà làm phim lại quay lại bản cũ là đổ lỗi cho khán giả với biện minh "phim kén khán giả".
Quay lại với "Huyền sử vua Đinh", chúng ta sẽ nhận ra có quá nhiều chi tiết lỗi trong phim, thậm chí nhiều người khắt khe còn cho rằng phim làm cẩu thả. Về mặt biên kịch, phim này cũng không chặt chẽ. Và một khi câu chuyện lịch sử được kể theo cách thiếu thu hút như thế, làm sao nó có thể chinh phục được những người trẻ mê lịch sử và có am hiểu khá sâu sắc về lịch sử.
Làm phim lịch sử không dễ bởi đầu tư rất lớn và đòi hỏi những nghiên cứu rất kỹ lưỡng về bối cảnh, con người, sự kiện lịch sử đồng thời đòi hỏi luôn cả khả năng tổng hợp, phân tích, nhận định. Chính những cái khó ấy mới là thứ mà những nhà làm phim lịch sử cần chinh phục trước rồi mới nghĩ tới chinh phục khán giả. Nghệ thuật không chỉ là câu chuyện mà là cách kể chuyện. Và cách kể chuyện của những người làm phim lịch sử hôm nay thì rất có vấn đề, thậm chí nhiều khi còn dở hơn cả sử liệu học đường.