Phát triển đất nước từ "sức mạnh mềm" văn hóa

Thứ Bảy, 23/09/2023, 06:40

Ngay sau vụ cháy xảy ra vào ngày 12/9/2023 tại chung cư mini 9 tầng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, những ngày qua nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân đã thông qua các hoạt động thiết thực để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ nạn nhân và thân nhân của những người gặp nạn.

Câu chuyện nghĩa tình, nhân ái, "lá lành đùm lá rách" từng thể hiện sinh động qua những lần thiên tai, địch họa… nay lần nữa lại được khơi dậy. Đó là một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam.

z4703378037954_e6b3a9ffeb23e7475948f78d49720bc7.jpg -0
Nhiều người dân không phân biệt công việc, tuổi tác đã đến phường Khương Đình để mong đóng góp phần nhỏ bé san sẻ bớt mất mát khó khăn với người gặp nạn.

Là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, Việt Nam chúng ta đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo đất nước, trong xây dựng văn hóa, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bám sát mục tiêu trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Việc phát triển văn hóa, con người đã được Đảng ta đề cập ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, năm 1930. Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của các kỳ đại hội trước về văn hóa, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như văn kiện của Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển đất nước thời kỳ mới.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".

Đây chính là niềm tin và khát vọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; là tiền đề tạo ra "sức mạnh mềm" - một thuật ngữ khá mới lạ khi đề cập đến văn hóa Việt Nam.

Thuật ngữ "sức mạnh mềm" về văn hóa lần đầu tiên được xuất hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, khi đề cập đến việc "phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam", văn kiện khẳng định các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Làm rõ hơn về nội hàm của thuật ngữ này, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tổ chức tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ".

Bàn về văn hóa, không thể không nói đến tính đa dạng của văn hóa, nhất là trong thực tiễn của một quốc gia là cộng đồng 54 dân tộc anh em như Việt Nam chúng ta.

Rất thú vị là ngay trong Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, do Quốc hội Việt Nam đăng cai, diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/9/2023, tại Thủ đô Hà Nội, việc "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững" đã được chọn là một trong những chuyên đề chính để thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, PGS.TS, đại biểu Quốc hội Việt Nam Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết tại Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo. Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt "lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững".

Trong thực tiễn, Việt Nam luôn xem việc phát huy giá trị văn hóa là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam. Bởi lẽ, sức mạnh văn hóa (bao gồm cả sức mạnh vật chất và tinh thần của con người Việt Nam được tích lũy hơn 4.000 năm lịch sử), nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người Việt Nam sẽ được gia tăng thêm năng lực, phẩm chất, trình độ để vượt qua những khó khăn, thử thách; vươn đến những mục tiêu lớn hơn, khát vọng cao đẹp hơn.

Lương Duy Cường
.
.