Phát triển công nghiệp văn hóa - cần cơ chế ưu đãi chuyên biệt

Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:35

Những năm gần đây, công nghiệp văn hóa có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế nói chung và ngành văn hóa nói riêng. Được đánh giá là tiềm năng và ngành mũi nhọn để phát triển nhưng các doanh nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều khó khăn do những vướng mắc vì thiếu cơ chế ưu đãi chuyên biệt.

Còn nhiều "điểm nghẽn"

Ngày nay khi mà sức mạnh kinh tế không còn là yếu tố tiên quyết chi phối quyền lực quốc gia, "quyền lực mềm" gắn với sức mạnh văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia. Trong những thập niên gần đây, những thuật ngữ "công nghiệp văn hóa", "truyền thống", "đương đại", "thể nghiệm" đã trở thành những từ khóa phổ biến mang tính thời thượng, được nhiều người quan tâm, nhắc đến trong cuộc sống và các phương tiện truyền thông.

những loại hình nghệ thuật đặc biệt cần có cơ chế để phát triển.jpg -1
Những loại hình nghệ thuật đặc biệt cần có cơ chế để phát triển.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Từ đó đến nay, công nghiệp văn hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có đóng góp không nhỏ vào GDP của cả nước, tạo ra những hệ sinh thái mới mẻ, thu hút nhiều nguồn đầu tư. Công nghiệp văn hóa đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội mà Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, đó là một "giấc mơ" có thật. Điều đó chứng tỏ nỗ lực của những người làm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Đây là một dấu ấn cho thấy sự quan tâm và đặc biệt coi trọng công nghiệp văn hóa trong sự phát triển toàn diện của đất nước. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay ở nước ta, các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư", trong lĩnh vực văn hóa, phạm vi được đặc biệt ưu đãi đầu tư đó là: "Đầu tư kinh doanh bảo tàng cấp quốc gia, nhà văn hóa dân tộc; đoàn ca, múa, nhạc dân tộc; rạp hát, trường quay, cơ sở sản xuất phim, in tráng phim; nhà triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh; sản xuất, chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc; duy tu, bảo tồn bảo tàng, nhà văn hóa dân tộc và các trường văn hóa nghệ thuật; cơ sở, làng nghề giới thiệu và phát triển các ngành, nghề truyền thống; đầu tư kinh doanh các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thư viện có vai trò quan trọng".

Nhìn vào danh mục này, có thể thấy chính sách ưu đãi đầu tư chủ yếu là muốn thu hút nguồn lực tư nhân để bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và thực hiện các dịch vụ công phi lợi nhuận. Tuy nhiên, theo bà Trương Uyên Ly, Giám đốc của Ha Noi Gravite, từ chính sách đến thực thi ở Việt Nam vẫn còn là một khoảng cách khá xa.

Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn từ góc nhìn của nhà quản lý cho rằng, có nhiều vướng mắc, điểm nghẽn trong cơ chế để phát triển công nghiệp văn hóa. Ông nói, có 4 vấn đề cần tháo gỡ, từ góc độ luật, hiện tại mới chỉ có điện ảnh chuyển theo hướng công nghiệp văn hóa còn 12 lĩnh vực khác vẫn đi theo lối tư duy cũ. Các lĩnh vực gián tiếp có liên quan như đất, thuế, quản lý tài sản hay hợp tác công - tư cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa có 12 lĩnh vực nhưng chỉ có 5 lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, còn 7 lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác. Các lĩnh vực này có sự liên thông, quan hệ qua lại với nhau, nếu không tạo hành lang để kết nối, nó cũng sẽ cản trở công nghiệp văn hóa phát triển.

 Một vấn đề nữa là nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa gặp nhiều khó khăn, cả khối nhà nước và tư nhân chưa có một quỹ đầu tư nào cho lĩnh vực này phát triển. Các không gian sáng tạo của chúng ta cũng chịu nhiều thiệt thòi vì địa điểm, các di sản công nghiệp như nhà máy cũ hay các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát cũng chưa tương thích với công nghiệp văn hóa. Cuối cùng, vấn đề mấu chốt là con người. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, quan trọng là yếu tố con người. Nguồn nhân lực của chúng ta có nhưng chưa mạnh, vẫn thiếu những sáng tạo mang tính đột phá.

Doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ

 Nhạc sĩ Quốc Trung trong Hội thảo về Công nghiệp văn hóa đã thẳng thắn cho rằng: "Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển công nghiệp văn hóa vì làm văn hóa không thể ngay được vì phải có quá trình đầu tư. Bởi vậy cần có kế hoạch, chính sách lâu dài để hỗ trợ họ. Chúng ta bỏ phí nhiều thiết chế văn hóa do nhà nước đầu tư nhưng lại hoạt động thiếu hiệu quả".

một đêm nhạc thu hút giới trẻ.jpg -0
Một đêm nhạc thu hút giới trẻ.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, sáng lập nhóm Lên Ngàn - một đơn vị tư nhân cũng cho rằng, từ góc độ của những người thực hành nghệ thuật, anh khẳng định, yếu tố con người là mối quan tâm hàng đầu, đó là những người trực tiếp đóng góp, sáng tạo, có tinh thần đột phá. Vì thế, nhà nước cần tạo cơ chế tốt hơn trong tiền kiểm, hậu kiểm để các nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Từ phía doanh nghiệp, nghệ sĩ Hoàng Anh đề nghị có sự hỗ trợ, bảo trợ của nhà nước cho sáng tạo mới liên quan đến những mô hình kinh doanh có tính đột phá, "lai ghép" để cho doanh nghiệp tồn tại.

"Sự bảo trợ, bao dung không chỉ từ địa phương mà còn từ các cấp quản lý cao hơn, có một cái khung tương đối để cho các mô hình doanh nghiệp tư nhân nhân rộng lên. Các nhóm nghệ sĩ độc lập, các nhóm sáng tạo cần sự đồng hành, khi họ sống được thì chúng ta mới nói đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu nên chưa hoàn thiện về khung thể chế. Vì thế, nhiều doanh nghiệp tự phát khởi nghiệp thất bại, nên cần sự hỗ trợ, mà cụ thể như hỗ trợ qua các quỹ như quỹ đầu tư mạo hiểm... Đầu tư cho công nghiệp văn hóa thu hồi vốn chậm, không dễ dàng, thu hồi vốn từ bán vé thì rất lâu nhưng nếu xét tính lan tỏa của nó mới thấy hết giá trị", nghệ sĩ Hoàng Anh khẳng định.

Bà Trương Uyên Ly chia sẻ: "Khu vực tư nhân là một lực đẩy làm cho công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, nên cần một cơ chế cho khối tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp, hoặc trong hoạt động thường ngày nên có mức thuế phù hợp hơn như 5 năm đầu có thể miễn, giảm thuế. Hiện nay đã có những bước tiến trong quan hệ công - tư nhưng không biết khi nào nhà nước hiện thực hóa được những vấn đề thuế, hạn mức, định mức thanh toán, thời hạn thanh toán… Những vấn đề đó có tác động rất lớn đến doanh nghiệp".

Ngoài ra, phát triển công nghiệp văn hóa sẽ còn những vấn đề cần giải quyết trong tương lai như: hạn chế cơ chế xin cho trong các ngành văn hóa nghệ thuật, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng (để các chủ thể có năng lực phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo), chính sách bảo vệ sản phẩm văn hóa nội địa, giảm thuế cho cá nhân/doanh nghiệp có các nguồn thu từ các sáng tác, thiết kế được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy mô hình giáo dục với nghệ thuật thể nghiệm cho đào tạo nhân lực (giải phóng những hạn chế đối với khả năng phong phú của người học), hợp tác liên ngành giữa nhà trường và doanh nghiệp...

"Cách tiếp cận thay đổi của Chính phủ sẽ khuyến khích các hợp phần trong khu vực văn hóa nghệ thuật - sáng tạo; chủ động hơn trong việc mở rộng mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy những thay đổi tích cực trong nền kinh tế. Điều này cũng sẽ mang tới môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra các cơ hội về phát triển thương mại và hợp tác quốc tế thông qua văn hóa", nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh khẳng định.

Mỹ Trân
.
.