Phát ngôn và chính sách

Thứ Năm, 31/03/2022, 15:17

Sự kiện Nga - Ukraine thu hút quá nhiều sự quan tâm của dư luận. Số lượng bài viết trên các trang mạng xã hội gắn liền với sự kiện này áp đảo mọi sự kiện nóng khác. Và nó tạo ra rất nhiều luồng quan điểm khác nhau. Nhưng những tranh luận thì ít ỏi, những cãi vã thì quá dư thừa.

Trong đó, có nhiều quan điểm khá cực đoan, được thể hiện bởi chính những nhân vật có uy tín trong xã hội, những người đang công tác tại các cơ quan ngôn luận và truyền thông, những người được xem là nhân sỹ.

Có một điều mà những nhân vật tạm gọi là có khả năng dẫn dắt công chúng kia thường quên, và đó là một cái quên rất nguy hiểm. Họ đơn giản suy nghĩ rằng "trang cá nhân của tôi, tôi muốn thể hiện gì là quyền của tôi, quyền tự do ngôn luận". Họ quên rằng việc thực hiện cái quyền ấy nhiều khi đi ngược lại lợi ích quốc gia và họ không thể hiểu được rằng, một chính sách ngoại giao khôn ngoan là chính sách mang lại ổn định, bình yên cho quốc dân, cho xã hội chứ không phải một chính sách chỉ để "giải quyết khâu oai".

Chia sẻ của phu nhân một cán bộ ngoại giao Việt Nam đang hoạt động ở Liên hợp quốc gần đây có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ. Bà kể với bạn bè đại ý rằng công việc của chồng mình lúc này vô cùng vất vả, hôm nào cũng thấy ông trở về nhà mệt nhoài. Trạng thái thường xuyên của ông là nhìn ra ngoài cửa sổ, suy nghĩ rất nhiều. Và đó mới chỉ là một cán bộ ngoại giao đơn thuần chứ chưa phải một quan chức ngoại giao có vị trí cao cấp. Qua câu chuyện chia sẻ này, chúng ta nên hiểu, để có từng động thái, từng phát ngôn, từng câu từng chữ, ngành ngoại giao Việt Nam đã phải vắt óc đến mức độ nào.

Vậy thì, khi chúng ta cầm cái quyền tự do ngôn luận trong tay, chúng ta không được phép sử dụng nó không đồng hành cùng chính sách chung. Cơ bản, khi có bất kỳ biến động nào xảy ra, ở tư cách của những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội, các phát ngôn của chúng ta dễ bị nước ngoài diễn dịch là một quan điểm chung của người Việt Nam. Cách dẫn dụ này thực tế không mới mẻ gì. Nó chính là một chiêu thức đối ngoại mà nhiều quốc gia vẫn sử dụng để áp đặt các quốc gia nhỏ hơn mình. Khi ấy, chính những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ hiểu được rằng trách nhiệm phát ngôn của mình lớn đến nhường nào.

Sống trong bất kỳ quốc gia nào, việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật quốc gia ấy là chuyện đương nhiên. Nhưng có một đương nhiên khác là phải có trách nhiệm nắm bắt và đồng hành với các chính sách lớn của Nhà nước. Đó chính là nghĩa vụ mà mỗi công dân cần thực hiện, đặc biệt là những công dân đặc biệt hơn những người khác nhờ vào vị thế, uy tín và khả năng của mình.

Văn Ðoàn
.
.