Phát huy giá trị bảo vật quốc gia
Sau 10 đợt công nhận, hiện nay cả nước có 238 bảo vật quốc gia. Tất cả bảo vật quốc gia được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Song để phát huy những giá trị của bảo vật, giúp cho nhiều người biết đến các giá trị ấy, đồng thời bảo vệ, bảo tồn được bảo vật khỏi mất cắp hoặc hư hỏng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Đa dạng và nhiều giá trị
Các khu di tích lịch sử xứ Thanh đang từng ngày thu hút khách. Đặc biệt, thăm Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) - nơi có giá trị đặc biệt cả về lịch sử, văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật, khoa học; chiêm ngưỡng hệ thống kiến trúc độc đáo, uy nghiêm và linh thiêng gồm lăng tẩm, bia ký, đền đài, sân rồng, cầu Bạch... du khách được hòa mình vào không gian cổ kính, tĩnh lặng và cũng có thể hình dung về lịch sử dân tộc.
Trong hệ thống kiến trúc, các bia ký có một “đời sống” và giá trị. Giá trị ấy được thể hiện bằng việc, các bia đã được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh Tông), bia Vĩnh Lăng (bia Lê Thái Tổ), bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến Tông) và bia Kính Lăng (bia Lê Túc Tông).
Trong đó, nổi bật nhất là bia Vĩnh Lăng được dựng vào năm Thuận Thiên thứ 6, tháng 10-1433 (Quý Sửu), lưu lại thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Vua Lê Thái Tổ. Các nhà sử học cho rằng, bia không chỉ là tác phẩm có giá trị nghệ thuật và văn hóa, mà còn là pho sử liệu sống động, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học.
Hiện nay tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày 3 bảo vật quốc gia là kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I và vạc đồng Cẩm Thủy. Những năm qua, công tác bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia luôn được bảo tàng quan tâm. Theo đó, các bảo vật được trưng bày trong không gian trang trọng (kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I), nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan. Với bảo vật có kích thước lớn như vạc đồng Cẩm Thủy, bảo tàng cũng đã dành vị trí phù hợp để trưng bày, bảo quản. Việc trưng bày, giới thiệu các bảo vật quốc gia không chỉ góp phần làm phong phú, đa dạng các hiện vật tại bảo tàng mà qua đó còn tích cực quảng bá vẻ đẹp vùng đất và con người xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đến với du khách trong và ngoài nước. Từ đó khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, đặc biệt với thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc. Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa cho biết: “Vạc là biểu tượng quyền lực của nhà vua, chỉ có vua, chúa mới được phép cho đúc, nhưng chiếc vạc lớn này lại của Quận công, quan Khâm sai ở huyện Cẩm Thủy. Đó là một hiện tượng khá đặc biệt về lai lịch của chiếc vạc này”.
Bảo tàng thành phố Cần Thơ hiện lưu giữ tượng Linga-Yoni, niên đại Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ V. Đây là một di vật tiêu biểu, quý hiếm không chỉ phản ánh được diện mạo đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là trong tôn giáo, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo trong lịch sử mà còn là một cứ liệu quan trọng minh chứng cho một giai đoạn phát triển, giao lưu và tiếp biến văn hóa của cư dân cổ ở vùng đất Nam bộ nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung.
Ở miền Bắc, tỉnh Bắc Giang cũng là địa phương sở hữu nhiều bảo vật quý. Trong các di sản cổ tiêu biểu ở làng Thổ Hà, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, đình làng chính là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật đại diện cho nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Riêng bức cửa võng đình Thổ Hà đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.
Với chức năng để ngăn cách không gian tâm linh, đồng thời tạo điểm nhấn trang trọng, linh thiêng ở vị trí trung tâm trước tòa hậu cung của ngôi đình, cửa võng đình Thổ Hà được tạo tác vô cùng tinh tế, với sự kết hợp của chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, tạo thành nhiều lớp trên một khối gỗ, trong một tác phẩm. Cửa võng được sơn son, thếp vàng rực rỡ, chia làm 3 tầng.
Tầng thứ nhất có hai lớp diềm ngang đặt chồng lên nhau, chạm thủng họa tiết vân mây cách điệu xen kẽ nhau trong bố cục hình học. Tiếp đến, phần giữa chia làm 5 khoang, các khoang ngăn cách nhau bởi hàng cột chạm lộng hình rồng cuốn cột, đầu quay hướng lên trên chầu qua cửa khám với các nét chạm căng tròn, nổi khối. Các diềm dọc hai bên mỗi khoang lại chạm hình rồng trong tư thế vươn mình, đầu hướng lên chầu vào trung tâm.
Tầng thứ hai là một cấu thể chạm khắc gồm nhiều đồ án đan xen nhau, chia thành ba lớp chạm, đề tài“lưỡng long chầu nhật”với mình rồng uốn nhiều khúc. Kế tiếp các bức chạm rồng bên trên là các đường gờ bo quanh khám chạm nổi hình cánh sen và vân mây hình chiếc khánh. Có thể thấy vẫn là hình rồng trên nhiều vị trí ở cửa võng, song người xem không hề bắt gặp sự trùng lặp, đơn điệu mà vô cùng sống động. Xen kẽ những bức chạm rồng là 4 bức đố chạm nổi đề tài tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), tạo nên một bố cục cân đối, chặt chẽ, rất nổi bật.
Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, trong đó có 20 bảo vật quốc gia có giá trị. Cụ thể như Chuông Nhật Tảo có niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Quả chuông này khá độc đáo với dáng chuông thon thả, nhỏ nhắn (cao 31cm, đường kính miệng 18,7cm, cân nặng 5,4kg). Đỉnh chuông phẳng, miệng hơi loe vát. Trên thân chuông có nhiều đường chỉ đúc nổi và nám tròn nổi. Giữa thân chuông có năm đường chỉ ngang chia thân chuông làm hai phần. Dọc thân chuông, mỗi bên có năm đường chỉ khác chia tiếp thân chuông thành 8 ô (4 ô dưới để trơn, 4 ô trên khắc đầy chữ Hán).
82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tượng Trấn Vũ - đền Quán Thánh, bộ tượng 18 vị la hán ở chùa Tây Phương; tượng Phật Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Thánh Ân. Tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25-12-2021, Hà Nội có thêm 2 hiện vật, nhóm hiện vật (lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long; hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long) được đưa vào danh mục.
Bảo vệ và phát huy
Luật Di sản văn hóa quy định: “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Bởi vậy, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia là gìn giữ di sản cha ông. Song những năm qua xảy ra hiện tượng cổ vật, bảo vật bị lấy trộm. Tại Hà Nội, tình trạng trộm cắp cổ vật, đồ thờ tự tại các điểm di tích diễn ra với mật độ ngày càng tăng, số lượng cổ vật bị mất ngày càng nhiều. Theo ngành văn hóa Hà Nội, hiện Thủ đô có gần 6 nghìn di tích, trong đó có 1 di tích được công nhận là Di sản Thế giới, 18 Di tích Quốc gia đặc biệt, và có một thống kê khiến mọi người không khỏi giật mình là từ năm 2009 đến nay, đã có 20 di tích trên địa bàn 7 quận, huyện đã bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý.
Tình trạng “chảy máu” cổ vật cũng diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Thọ và nhiều địa phương khác. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, hơn 15 năm qua, trên địa bàn đã xảy ra 62 vụ đạo chích “viếng thăm” di tích, hàng trăm cổ vật như tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương... đã bị kẻ gian lấy đi. Ngoài thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều tỷ đồng, những tổn thất giá trị tinh thần, nghệ thuật khó có thể đo đếm bởi hầu hết cổ vật đều là linh vật đối với mỗi di tích, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao... Gần đây, một vụ trộm cắp cổ vật xảy ra ở Đền Quốc Tế thuộc xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
GS,TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay: “Hiện tượng trộm cắp cổ vật đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, thể hiện sự manh động và bất chấp của một số thành phần xấu, nhưng chế tài xử phạt rất nhẹ so với các hình phạt khác. Chúng ta quá nương nhẹ trong các vụ án mà đã được phát hiện trong lĩnh vực Di sản văn hóa”.
Còn theo PGS,TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, các địa phương cần thực hiện báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vật, kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường của di sản; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động riêng; đồng thời, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật. Cùng với đó, ngành Văn hóa Hà Nội cần đề xuất với Thành phố sớm có những quy định cụ thể về cơ chế, chính sách dành riêng cho công tác bảo tồn bảo vật để giá trị của bảo vật được phát huy trọn vẹn trong đời sống.