Phấn đấu xây dựng nhiều “Trường học hạnh phúc”

Thứ Năm, 17/11/2022, 07:15

Trước ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ngành Giáo dục đón nhận nhiều tin vui. Trường Đại học Việt Đức (trường công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức với các giảng viên của hai nước cùng tham gia giảng dạy) đã được khánh thành tại thị xã Bến Cát, Bình Dương. Đây là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.

Với khuôn viên rộng hơn 50ha và nhiều hạng mục đẳng cấp quốc tế, chương trình đào tạo tiên tiến, Trường Đại học Việt Đức đang mở ra cơ hội "du học tại chỗ" cho sinh viên Việt Nam và cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.

11 chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nhận được chứng nhận kiểm định chất lượng quốc tế ACBSP, Mỹ. Trường Đại học trở thành thành viên của ACBSP vào năm 2017 và triển khai kiểm định chất lượng 11 chương trình đào tạo. Như vậy, hiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có tới 18 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng, trong đó có 1 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng của tổ chức CPA (Australia), 11 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của ACBSP (Mỹ), 6 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn được ban hành tại Thông tư 04/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

image001.jpg -0
Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là trường công lập đầu tiên và là trường đại học duy nhất trong khối ngành kinh tế có chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế ACBSP nhiều nhất ở Việt Nam. Trước đó, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) cũng trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam có tất cả các chương trình đào tạo về dầu khí được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET (Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật -công nghệ, Mỹ). Đích thân Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về quan hệ công chúng và truyền thông (Global Alliance) - ông Justin  Green đã đến tận UEH trao chứng nhận UEH là thành viên Global Alliance trong lĩnh vực giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam.

Bảng xếp hạng top 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2022 do nhóm Metrics của các giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PLoS Biology tiếp tục có tên 2 nhà giáo là PGS-TS Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và GS. TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hai nhà giáo này đã có 4 năm liên tiếp từ 2019 đến 2022 lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.

Một vài thông tin như vậy để cùng nhau nhận ra một điều: Đúng là ngành giáo dục của chúng ta đang có nhiều vấn đề chưa được như mong muốn nên cần tiếp tục đổi mới, mạnh mẽ đổi mới, nhưng ngay từ bây giờ đã có những điều rất đáng tự hào, rất đáng ghi nhận cả về sự phát triển cơ sở vật chất lẫn chất lượng của đội ngũ thầy cô giáo, ở tất cả các cấp học. Tất cả phụ huynh vì sự kỳ vọng vào tương lai nên đều mong muốn con em mình được học trong trường học tốt, môi trường tốt và đặc biệt là có đội ngũ những nhà giáo tiêu biểu về phẩm chất, trách nhiệm và năng lực. Khái niệm “Ngôi trường hạnh phúc” cũng xuất phát từ đó mà xuất hiện. Với tiêu chí của năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới thì trong sự đổi mới đó, việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” trở thành nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục.

Một “Ngôi trường hạnh phúc” thì không chỉ học sinh cảm nhận hạnh phúc mà chính đội ngũ thầy cô giáo - những người trực tiếp thực hiện sứ mạng lớn lao là GIÁO DỤC cũng phải cảm nhận được điều đó. Không cảm nhận được hạnh phúc thì sẽ không có niềm đam mê để cống hiến, để vượt qua những chuyện thực tiễn khác. Niềm hạnh phúc của đội ngũ thầy cô giáo chính là khi được xã hội trân trọng.

Chúng ta đã có “Ngôi trường hạnh phúc” nào chưa? Có nhưng còn ít. Vậy thì cần phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng.

Trong bức thư đăng trên Báo Nhân dân số 600 (ngày 24/10/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.

Kế thừa các văn kiện quan trọng của Đảng trong các giai đoạn trước đây, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo đều nhất quán quan điểm, định hướng về phát triển giáo dục: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”. Những quan điểm và định hướng này đã thể hiện Đảng ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược xuyên suốt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và luôn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong sự đổi mới toàn diện ấy, việc xây dựng những “Trường học hạnh phúc” sẽ là mục tiêu căn bản để phấn đấu. Và điều này thì không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, của Chính phủ mà là sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, trách nhiệm của mỗi cá nhân là rất quan trọng.

Lương Duy Cường
.
.