"Ông bố" thu phục hàng trăm "đứa con" lầm lỡ

Thứ Bảy, 15/07/2023, 17:49

Đọc nhiều quảng cáo đăng tuyển lao động đều có nội dung "không tuyển dụng đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc người nghiện ma túy", người đàn ông đã đi quá nửa đời người với những thăng trầm cuộc sống đã trăn trở rất nhiều. Chân tình dìu dắt từng ước mơ của người lầm lỡ, ông đã giúp cả trăm người tìm về nẻo thiện.

Đó là ông Kiều Thanh Tâm (SN 1957), chủ cơ sở xã hội Ánh Hồng, có địa chỉ tại 95/97, đường 30/4, khu phố 3, phường An Hội, thành phố Bến Tre. Gặp ông trong buổi lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến trong phòng chống ma túy do Bộ Công an tổ chức, người đàn ông miền Tây ấm áp, hào sảng đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện xúc động.

Đừng tuyệt vọng

Theo thông tin của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, ông Kiều Thanh Tâm là chủ cơ sở Ánh Hồng - chuyên sản xuất nước lọc đóng chai, nước đá, thời gian qua đã phối hợp rất tốt với UBND phường 3 (nay là phường An Hội), thành phố Bến Tre trong việc thực hiện mô hình "Tiếp nhận, tạo việc làm cho những đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng".

Trong số hơn 70 người lầm lỡ được ông nhận vào làm việc tại cơ sở, có 40 đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và người sau cai nghiện. Thu nhập bình quân của mỗi lao động tại cơ sở là 6,8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có nhiều thanh niên là người nghiện ma túy sau khi làm việc tại cơ sở đã tái hòa nhập cộng đồng thành công, trở thành những chủ cơ sở kinh doanh, công dân tốt trên địa bàn.

Ngoài ra, cơ sở Ánh Hồng đã phối hợp thành lập một đội tình nguyện xung kích giúp đỡ quần chúng nhân dân trong thiên tai, bão lụt… Không những thế, ông Tâm còn là "Mạnh Thường Quân" của phường An Hội trong quyên góp thực hiện nhiều công tác xã hội khác như: giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ người bán vé số nghèo trong đợt dịch COVID - 19….

unnamed.jpg -0
Ông Kiều Thanh Tâm.

Gặp ông Kiều Thanh Tâm tại lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến trong phòng chống ma tuý nhân Tháng hành động phòng chống ma tuý (tháng 6/2023) do Bộ Công an tổ chức, ông chia sẻ, đọc trên các quảng cáo tuyển dụng lao động thì ông thấy hầu hết đều có nội dung "không tuyển dụng đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc người nghiện ma túy", nên ông rất trăn trở.

Ông Tâm kể, cuộc đời ông cũng "lên voi xuống chó" nhiều lần, từng từ một người có xe hơi, nhà lầu thành kẻ trắng tay chỉ trong thời gian ngắn, phải bán nhà trả nợ, vợ chồng dắt díu nhau thuê nhà ở trọ nên hiểu rõ giá trị của một lời an ủi hay sự giúp đỡ của người khác trong lúc khó khăn. Rồi khi gặp được "quới nhân" giúp gầy dựng lại sự nghiệp từ xưởng sản xuất nước đá, nước uống đóng chai, gượng dậy sau mấy chục năm khốn đốn, ông nghĩ ngay đến những người kém may mắn hơn mình.

"Tôi thấy những người có tiền án, tiền sự thường bị kì thị, ít cơ quan, doanh nghiệp tuyển họ vào làm việc. Cũng vì vậy mà họ rất dễ bị lôi kéo trở lại đường cũ. Tôi muốn giúp họ, như là một cách trả ơn cuộc đời" - ông Tâm giải thích.

Ông cũng nghĩ, nhiều người cứ hỏi sao những người lầm lỡ không đi làm kiếm sống, sao cứ quay lại con đường cũ, nhưng thực tế là họ có muốn đi làm cũng không ai nhận. Hầu hết mọi người đều không muốn "dây" đến những con nghiện, đến người từng "có vết", từng đi tù về. Nhưng ông quan niệm, những người mới ra tù chính là người có nhiều khao khát, ước vọng nhất. Họ ước mơ được làm lại cuộc đời, mong được gia đình, người thân, bạn bè, cộng đồng xã hội cho họ thêm cơ hội. "Người ta hoàn lương rồi, đừng để những khát vọng đó thành tuyệt vọng" - ông nói.

Vậy là ông nhận họ. Thời gian này, cả gia đình, bạn bè đều phản đối kịch liệt bởi họ không tin những người nghiện. "Tôi phải thuyết phục gia đình, mình thử đặt vào hoàn cảnh của người ta mà xem, họ cần giúp đỡ đến thế nào. Thuyết phục mãi thì gia đình cũng xuôi" - ông Tâm chia sẻ. Sau đó, ông làm văn bản gửi các ban ngành, đoàn thể tỉnh Bến Tre, đề nghị, "nếu em nào ra tù hoặc mới cai nghiện không có việc làm, tôi sẽ nhận hết". Thiện ý của ông đã được chính quyền tỉnh Bến Tre rất quan tâm, tạo điều kiện.

Ông kể, ông Phan Văn Mãi thời còn làm lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Tết năm nào cũng đến cơ sở thăm hỏi, tặng quà, số tiền tuy không nhiều nhưng rất ấm áp, cảm động. Khi ông Mãi lên làm lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, dù rất bận nhưng mỗi lần về quê, ông cũng vẫn thỉnh thoảng ghé qua cơ sở thăm hỏi sức khoẻ, công việc làm ăn, động viên mọi người. Hay bà Nguyễn Thị Ngọc Thôi, Chủ tịch Hội Phụ nữ TP Bến Tre (nay là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bến Tre) cũng tìm những người lầm lỡ giới thiệu vào làm việc ở cơ sở Ánh Hồng của ông Tâm…

Thu phục nhân tâm

Người đầu tiên ông Tâm nhận vào làm việc tại xưởng nước đá tên là Nghĩa (ngụ huyện Châu Thành, Bến Tre). Ông kể, khi Nghĩa đến gặp ông, cậu thanh niên ngang tàng này nói thẳng mình là một "đại ca" khét tiếng ở Bến Lở. Nghĩa còn kêu ông xuống đó hỏi thì chắc chắn giang hồ ai cũng biết, nhưng giờ cậu muốn từ bỏ con đường sai trái đó. Ông Tâm nói ngay: "Chú không cần biết ở ngoài con là ai. Nếu con vào đây làm việc thì phải nghe lời chú. Ở đây chú mới là "đại ca" hiểu không". Nghĩa cúi mặt nhìn xuống đất, lí nhí: "Dạ, con biết rồi".

Ông Tâm cho Nghĩa ăn ở luôn tại nhà để gần gũi khuyên nhủ, dạy bảo thêm. Suốt hai năm ròng, Nghĩa làm việc cần mẫn mà không hề hé răng hỏi đến tiền lương. Ông Tâm cũng không nói gì chuyện lương bổng, nhưng đã bàn với vợ tiền lương của Nghĩa để riêng ra, khi nào cậu ta cần thì đưa đủ một lần.

"Chỉ sau một thời gian thì Nghĩa tiến bộ rất rõ. Nó không còn giao du với bạn xấu, không nói tục, chửi thề mà rất lễ phép. Vợ chồng tôi coi nó như con. Nó cũng gọi tôi là "ba Tâm". Khi Nghĩa cưới vợ, tôi đứng ra lo hết, vàng vòng, lễ lộc đàng hoàng. Giờ hai vợ chồng nó về quê ngoại ở Long An lập nghiệp, có xe tải, có tiệm tạp hóa. Nghỉ lễ hay tết, hai vợ chồng nó đều chạy về thăm, tôi hạnh phúc lắm" - ông Tâm kể.

cơ sở xã hội ánh hồng 1 copy.jpg -0
Cơ sở xã hội Ánh Hồng.

Một hôm, Công an phường 4, TP Bến Tre gọi ông lên hỏi: "Chú có dám nhận thằng này không. Nó tên Đợi, 16 tuổi, 12 lần ăn trộm, không cha, không mẹ, quê ở Bình Đại". Nhìn thằng bé nhỏ thó, đen nhẻm đang đứng gần đó run rẩy, ông Tâm trả lời cương quyết: "Nhận chứ sao không. Cỡ này nhằm nhò gì. Ở nhà có một thằng đại ca giang hồ kìa". Ông Tâm cho Đợi ăn ở luôn tại nhà. Cũng như Nghĩa, Đợi không hề nhắc chuyện lương bổng. 2 năm sau, thấy Đợi hết nghiện, ông Tâm khuyên nên đi học một cái nghề để có thể tự lập sau này. Ông đưa đủ tiền lương suốt hai năm làm việc ở xưởng nước đá để Đợi lên Sài Gòn học nghề làm cửa sắt, cửa nhôm và trở thành một thợ giỏi, được trả lương 20 triệu đồng/tháng.

Hay như trường hợp anh T (ngụ phường 7, TP Bến Tre), vốn là con nghiện, xăm trổ kín người, đi tù 17-18 năm, ra tù vô khám liên tục, không ai nhận vào làm việc, được Công an phường 7, TP Bến Tre giới thiệu vào làm tại cơ sở Ánh Hồng, sau 7 năm không những cai nghiện thành công, anh còn về mở được cơ sở sản xuất nước đá riêng, có 5-7 chiếc xe tải.

 "Hàng trăm em trong suốt 12-13 năm nay từng đến làm với tôi, tôi chỉ thất bại có 1 em tái nghiện, còn lại đều thành công" - ông Tâm khoe. Hiện tại cơ sở Ánh Hồng cũng còn 6 người nghiện đang tham gia lao động. Ông Tâm cho biết, cả 6 người họ đều có ý thức chấp hành giờ giấc rất nghiêm chỉnh, không quậy phá, đi thu tiền hàng đều giao nộp đầy đủ. Kể về quy trình theo dõi, giúp họ cai nghiện thành công, ông Tâm cho biết, phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chủ cơ sở sản xuất và gia đình trong quản lý, giáo dục.

"Giúp người nghiện trở lại cuộc sống bình thường không khó, chỉ có con người có chịu khó hay không mà thôi" - ông Tâm quả quyết. Theo ông, cộng đồng xã hội nên mở rộng vòng tay với họ, cho họ một cơ hội, có như thế xã hội mới bớt gánh nặng. Nói về dự định tương lai, ông Tâm cho biết, giờ đã ở tuổi "cổ lai hi", 2 cô con gái ông đều kêu ông về nghỉ ngơi, yên hưởng tuổi già. Nhưng ông vẫn lấy công việc làm vui, còn tâm nguyện được mở rộng cơ sở sản xuất để có thể tiếp nhận, giúp đỡ được nhiều hơn cho những người lầm lỡ.

Mới đây, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã đi tham quan thực tế mô hình tại cơ sở xã hội Ánh Hồng và đề nghị UBND tỉnh Bến Tre nghiên cứu nhân rộng.

PV
.
.