Nuôi dưỡng tâm hồn Việt: Vai trò của văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên 4.0
Ngày 30/4/1975 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam - ngày đất nước thống nhất sau bao năm chia cắt. Chiến thắng ấy không chỉ là kết tinh của lòng yêu nước mà còn mở ra kỷ nguyên mới, nơi giáo dục và văn học nghệ thuật (VHNT) trở thành hai trụ cột song hành, kiến tạo nền tảng phát triển bền vững.
Để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, trước hết phải tăng cường công tác giáo dục và phát triển con người, tức là phải đầu tư mạnh vào giáo dục và khoa học. Khẩn trương xây dựng hệ thống đại học chuẩn quốc tế, hướng tới đào tạo đa ngành, liên kết với các trường danh tiếng thế giới; Khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong y học, năng lượng tái tạo và tự động hóa; Phát triển giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), kết hợp với tư duy sáng tạo và kỹ năng mềm, tạo ra thế hệ công dân toàn cầu.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục STEM đang trở thành xu hướng quan trọng trong đổi mới giáo dục. Giáo dục STEM giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức lý thuyết mà còn biết cách ứng dụng vào thực tiễn thông qua các dự án nghiên cứu, thí nghiệm, và mô hình sáng tạo; Học sinh được rèn luyện tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm; Ứng dụng công nghệ hiện đại để đẩy mạnh giảng dạy lập trình, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu và robot trong giáo dục, trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để hội nhập toàn cầu; Góp phần đào tạo nhân lực cho các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, kỹ thuật, tự động hóa, giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới; Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, đưa sinh viên, nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập và thu hút nhân tài trở về đóng góp cho đất nước.
Văn học nghệ thuật với vai trò dẫn dắt tinh thần của dân tộc, có nhiệm vụ khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Ngày nay, VHNT tiếp tục phát huy vai trò định hướng tư tưởng, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, đồng thời phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới của đất nước.
Đảng ta khuyến khích sáng tạo trên cơ sở giữ vững bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam. Bởi lẽ, VHNT không chỉ là tấm gương phản chiếu đời sống mà còn là nguồn động viên, khơi dậy khát vọng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để phát huy vai trò dẫn dắt tinh thần ấy, văn học nghệ thuật cần tập trung vào những định hướng then chốt sau:
- Tiếp tục đổi mới tư duy sáng tác: Khuyến khích đa dạng hóa đề tài, cần nhấn mạnh yếu tố đa văn hóa và góc nhìn giới tính (ví dụ các tác phẩm về cộng đồng LGBT, người di cư, hoặc giao thoa văn hóa Việt - ASEAN); Mở rộng góc nhìn về đời sống đương đại, hội nhập quốc tế, biến đổi văn hóa; Phát huy tính phản biện xã hội trong văn học, khắc họa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Nhà nước cần có chính sách và chiến lược đầu tư, hỗ trợ cho các tác giả viết, sáng tác tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Để thực hiện được điều này, cần có tiêu chí lựa chọn (ví dụ: Ưu tiên tác phẩm có giá trị nhân văn, tính dự báo xã hội hoặc đổi mới nghệ thuật), quy trình lựa chọn và hội đồng thẩm định có chuyên môn và am hiểu về văn học.
- Tổ chức hiệu quả các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác cho các nhà văn nhà thơ bằng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ và nguồn kinh phí xã hội hóa. Có thể kết hợp với doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận để đa dạng hóa nguồn kinh phí. Việc này Hội Nhà văn Việt Nam trong những năm qua làm chưa được nhiều. Trong thời gian tới, Hội Nhà văn cần có chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nhiều hội viên được tham gia các hoạt động chuyên môn này để đội ngũ sáng tác văn học của nước nhà có thể nâng cao số lượng và chất lượng các tác phẩm.
- Nhà nước cần hỗ trợ tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học để phát hiện và khuyến khích tài năng. Đồng thời, các hội VHNT và các hội nhà văn ở các địa phương cũng cần chủ động tổ chức các cuộc thi văn chương từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Cần minh bạch hóa tiêu chí chấm giải và tăng tính tương tác với công chúng (bình chọn online, đối thoại tác giả - độc giả).
Về việc này, trong những năm gần đây Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện khá sáng tạo, hiệu quả và đã tạo nên sinh khí mới cho văn chương phương Nam và góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác và phát triển văn học trong cả nước nói chung. Những cuộc thi văn chương do địa phương này tổ chức không chỉ đơn thuần là những sân chơi thơ ca mà còn là nơi tôn vinh tinh thần nghĩa hiệp, lòng yêu nước và sự kiên cường của con người phương Nam.
- Hỗ trợ xuất bản và phát hành quốc tế: Tăng cường hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế, tham gia các hội chợ sách lớn để đưa văn học đến với độc giả thế giới. Thành lập quỹ dịch thuật tác phẩm Việt sang ngôn ngữ phổ biến (Anh, Pháp, Trung). Bên cạnh dịch thuật thì chiến lược quảng bá cũng rất quan trọng. Ta cần học hỏi từ các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi văn học được đẩy mạnh qua các sự kiện văn hóa quốc tế, hội sách lớn và đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức xuất bản.
Thúc đẩy xuất bản điện tử, tận dụng nền tảng số (Ebook, Podcast, Audiobook) để đưa văn học đến gần hơn với công chúng; Thử nghiệm AI trong sáng tác (ví dụ: phần mềm hỗ trợ viết lách, chatbot phỏng vấn nhân vật văn học); Sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ để hỗ trợ dịch thuật nhằm quảng bá, giới thiệu tác phẩm rộng rãi hơn. Chính nhờ chiến lược dịch thuật và quảng bá văn học của Hàn Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc giúp nữ văn sĩ Han Kang đoạt giải Nobel Văn học 2024.
- Phát triển không gian sáng tạo: Tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ có môi trường giao lưu, trao đổi sáng tác với các nền văn học khác trên thế giới. Mở các không gian làm việc chung (co-working space) cho nhà văn trẻ, kết nối với trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay là niềm hy vọng lớn, hiện nay ở Việt Nam không ít những tác giả trẻ tài năng. Họ dám nghĩ, dám viết và không ngại thử nghiệm các phong cách mới. Điều quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ họ có không gian sáng tạo, đồng thời định hướng để họ hiểu rằng sáng tác không chỉ là việc kể câu chuyện của riêng mình, mà còn là mang văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
- Giữ gìn bản sắc dân tộc trong sáng tạo văn học: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, lịch sử qua các tác phẩm văn học; Tiếp tục sáng tác về những giá trị truyền thống, gắn kết lịch sử và hiện đại; Tránh sa vào tuyên truyền đơn thuần; nên khai thác chất liệu dân gian bằng góc nhìn hiện đại (ví dụ: truyện cổ tích viết lại từ góc độ nữ quyền).
Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Nếu giáo dục giữ vai trò then chốt trong việc kiến tạo một thế hệ trẻ có trách nhiệm, sáng tạo và bản lĩnh, thì văn học - nghệ thuật chính là ngọn lửa nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng vươn lên, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên của sự bứt phá, phát triển bền vững và thịnh vượng, đóng góp tích cực vào hòa bình và hợp tác toàn cầu.
Trong kỷ nguyên ấy, cần phát huy hơn nữa sức mạnh mềm văn hóa, biến văn học - nghệ thuật thành nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới, theo tinh thần: “Văn học không chỉ là nghệ thuật - đó là tấm gương phản chiếu khát vọng vươn tầm của cả dân tộc”.