Nồng ấm tình thân, “tri âm tri kỷ”

Thứ Năm, 25/07/2024, 19:19

Sinh thời, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi từng có một vinh dự  đặc biệt là được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tham dự lễ tôn vinh nhân dịp ông tròn 100 tuổi, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tối 26/9/2012.

Học Phi là người đã đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Những đóng góp của ông được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996) và Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

Được nhận hoa và quà từ tay Tổng Bí thư, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi bày tỏ đây là nguồn động viên to lớn đối với ông và giới văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, vì thế khi còn sức lực thì sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ. Mặc dù rất bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho gia đình và bản thân, nhưng ông vẫn rất quan tâm đội ngũ những người làm công tác văn hóa nói chung, lực lượng sáng tác nói riêng.

t%3fng bí thu nguy%3fn phú tr%3fng v%3fi các van ngh%3f si và d%3fi bi%3fu t%3fi h%3fi ngh%3f van hoá toàn qu%3fc nam 2021..jpg -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các văn nghệ sĩ và đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Trước khi có học hàm chuyên ngành Xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã học ở Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi nhiều năm làm báo và trưởng thành, được tín nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Cơ quan Lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều thú vị là trong những bài viết, bài phát biểu lẽ ra sẽ rất nặng về chính trị, phải dùng văn phong chính luận, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn cực kỳ tinh tế khi vận dụng vốn quý của văn hóa dân gian để làm “mềm hóa” nội dung, giúp người nghe, người đọc dễ tiếp cận hơn với nội dung cần truyền tải.

Nhà báo Hồng Thanh có một nghiên cứu công phu, thể hiện trong loạt bài “Giá trị của văn, thơ, tục ngữ, ca dao để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" đoạt Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023.

Theo nghiên cứu này, “Tổng Bí thư luôn đưa vào các bài viết, bài phát biểu của mình những đoạn văn, câu thơ, nhất là tục ngữ, ca dao Việt Nam. Bởi thế, cho dù những vấn đề Tổng Bí thư đề cập tới cực kỳ lớn lao, rất sâu sắc, trí tuệ, liên quan tới chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đến xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đối ngoại..., nhưng lại vô cùng gần gũi, mộc mạc, giản dị. Nhiều ý kiến cho rằng, chính những câu văn, thơ, ca dao, tục ngữ được đồng chí Tổng Bí thư vận dụng nhuần nhuyễn không chỉ nâng tầm các bài viết mà còn là cách truyền đạt, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách sinh động, hấp dẫn, mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe, người xem, người đọc”.

Chẳng hạn, viết về xây dựng Đảng, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất khó, “vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, thì như Macxim Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng, con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Nhìn người khác thấy khuyết điểm thì rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó; nhìn mình bao giờ cũng thấy hay hơn, giỏi hơn người khác, nhưng lại bị thiệt hơn người khác; còn người khác thì kém mình mà lại được hưởng hơn mình, cho nên mới có những tâm tư này khác, mặc dù cũng có tâm tư chính đáng, nguyện vọng chính đáng”. Với việc làm báo, trong loạt bài “Những nhà báo - nhà lãnh đạo lớn của đất nước”, Báo Quân đội nhân dân ghi lời kể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích lũy kiến thức. Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc". Từ đó, cùng với việc làm tư liệu, tích lũy thêm kiến thức, đồng chí còn đặt cho mình nhiệm vụ tập viết báo. “Viết xong cũng chưa dám gửi, đọc đi, đọc lại, sửa chữa mãi, vài tháng sau mới hoàn thành tác phẩm đầu tiên, đó là bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968”.

Nói thế để thấy sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với văn nghệ sĩ và báo chí là tấm lòng của một người từng trải, hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người cầm bút. Điều này rất dễ nhận ra qua những bài phát biểu trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, trong thư gửi Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, trong dịp kỷ niệm thành lập Viện Văn học,  mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã kể lại trong bài viết “Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa: Từ tư tưởng, lý luận đến hành động” đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8/7/2024.

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều đồng môn của thời ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như giới văn nghệ sĩ, báo chí đã chia sẻ trên trang cá nhân những dòng trạng thái bày tỏ tình cảm trân trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi biết tin ông từ trần. Tình cảm ấy không chỉ là để dành cho một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, được nhân dân kính trọng, mà còn cho một người Anh, người Bạn, một “tri âm tri kỷ” của đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm báo.

Lương Duy Cường
.
.