Nỗi lo tăng học phí!

Thứ Năm, 26/05/2022, 09:20

Dự kiến học phí có thể tăng gấp đôi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm học tới và tăng thêm 20-40% mỗi năm tiếp theo đã thu hút  sự quan tâm của hàng chục triệu gia đình có con đang đi học.

Liệu sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì các tỉnh, thành trong cả nước có tăng học phí hay không? Đó là câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tăng học phí, theo lập luận của ngành giáo dục là vì học phí hiện nay quá thấp, không phù hợp với giá cả thực tế, không bù đắp đủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Tăng học phí sẽ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, xác lập một cơ chế công bằng hơn trong dạy và học...

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đời sống của nhân dân, khó khăn chồng khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao đã kéo các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cũng tăng theo. Phần lớn các gia đình đã phải dùng đến khoản tiền tích góp trước đó để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều người cho rằng, việc học phí tăng gấp đôi như vậy, cho dù "không lớn" nhưng chẳng khác gì bồi thêm những áp lực vào cơ thể người dân đang ốm yếu sau đại dịch.

tăng học phí cần phải tính toán thật kỹ.jpg -0
Việc tăng học phí thời điểm này cần phải tính toán thật kỹ.

Sau mỗi đợt bùng phát dịch COVID - 19, Quốc hội và Chính phủ đều kịp thời đưa ra những quyết sách rất hợp lòng dân, đó là giảm một số khoản thuế cho doanh nghiệp, đưa ra các gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, giảm phí, lệ phí, giảm tiền điện… để dãn sức dân, kích thích lao động, phục hồi kinh tế. Vậy tại sao, trong thời điểm này, chúng ta không dồn một ít tiền vào để điều hòa phúc lợi giáo dục trong khi chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư một cách rất lãng phí, không thiết thực vào một số loại công trình, dự án và các loại đối tượng khác ngoài giáo dục?

Huy động người dân đóng góp một phần chi phí cho đào tạo là một chủ trương đúng. Nếu như tăng học phí để hỗ trợ các con học tập tốt hơn thì có lẽ người dân sẽ hoàn toàn đồng ý. Thật ra, học phí có tăng gấp đôi hay gấp ba thì cũng không làm phụ huynh lo lắng bằng những bất cập đang tồn tại trong giáo dục bao năm nay mà chưa được giải quyết dứt điểm, như nạn “học giả, bằng thật”, “dạy thêm, học thêm”, “gian lận trong thi cử”… và nhiều gạch đầu dòng liên tiếp liệt kê các khoản đóng góp tự nguyện trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới... Bởi người Việt Nam không bao giờ tiếc khi đầu tư cho con cái học hành. Song đóng góp đến đâu và quản lý, minh bạch hóa trong chi tiêu những khoản gì vẫn là ẩn số lớn nhất của ngành Giáo dục - Đào tạo và là con số thách thức đối với quốc gia. Xin nhắc lại những trăn trở của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Giáo dục nước ta chưa phải là tốt. Đừng nghĩ mình ít tiền, ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm. Nếu ít tiền mà làm hỏng, thì nhiều tiền càng hỏng hơn". Như vậy, khi hệ thống quản lý giáo dục, chương trình và sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học… không được nghiên cứu và chấn chỉnh lại, thì tiền đóng góp của cha mẹ, đầu tư của Nhà nước dù có tăng lên, nhưng hiệu quả chưa chắc đã tăng theo, mà có khi còn ngược lại.

Việt Nam mới thoát nghèo được vài năm nay, đầu tư cho giáo dục của ta so với các nước phát triển thì không bằng, nhưng Nhà nước có chính sách tạo ra hành lang pháp luật kích thích cạnh tranh với mục tiêu để tăng chất lượng, giảm học phí, mang mối lợi cho người dân và giảm gánh nặng cho Nhà nước; giúp đỡ để các em học sinh, sinh viên nghèo học giỏi được đến trường.Con nhà nghèo được học đến bậc cao là xuất phát từ bản chất ưu việt của chế độ ta.

Bởi vậy, bất kỳ một quyết định thiếu thận trọng, không chuẩn xác nào đều sẽ ảnh hưởng tới mỗi học sinh, sinh viên và tới gia đình các em. Tăng  học phí đến một mức nào đó sẽ lại mâu thuẫn với việc tạo cơ hội học tập của một bộ phận con em dân nghèo sống ở nông thôn, miền núi, ven biển có thu nhập thấp.Vậy có nên tiếp tục tăng học phí nữa không, nếu có tăng thì vào thời điểm nào cho phù hợp? Đó là điều mà chúng ta cần phải tính toán thật kỹ.

Mong rằng tới đây, khi xem xét vấn đề tăng học phí, các tỉnh, thành cùng các cơ quan liên quan cũng sẽ đưa ra quyết định sáng suốt. Xin đừng vì cái lợi trước mắt mà gây hại lâu dài cho sự nghiệp "trồng người", xin đừng "tham bát, bỏ mâm".

Cù Tất Dũng
.
.