Nỗi khổ mang tên “sách giáo khoa”

Thứ Sáu, 30/09/2022, 14:33

Năm học mới đã bắt đầu được 1 tháng nhưng hiện tượng thiếu sách giáo khoa vẫn thực sự ám ảnh phụ huynh học sinh.

Những ngày gần đây, nếu chịu khó đảo qua một số nhà sách, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy số lượng không nhỏ những bậc phụ huynh lùng mua vài đầu sách hiếm. Điển hình là sách tiếng Anh thuộc bộ Family & Friends, bản sách giáo khoa và bài tập lớp 4 thuộc ấn bản đặc biệt (Special Edition) và sách Tin học lớp 4. Tất cả các nhà sách ở TP Hồ Chí Minh đều báo hết hàng. Thậm chí, có nơi còn cho biết "sách tiếng Anh có thể không nhập về nữa" và phụ huynh nên mượn để photo cho con mình sử dụng.

Nếu lên các trang thương mại điện tử để kiếm tìm sách giáo khoa tiếng Anh bậc tiểu học giáo trình Family & Friends, phụ huynh chắc chắn sẽ ngỡ ngàng vì có quá nhiều ấn bản như thiên la địa võng. Nào là phiên bản American; nào là phiên bản đặc biệt (Special Edition). Ngay cả phiên bản đặc biệt cũng có 2 kiểu sách khác nhau, một bìa xanh, một bìa đỏ và nếu không có chỉ dẫn từ chính giáo viên, phụ huynh học sinh hoàn toàn có thể mua nhầm.

Trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa như vậy, nếu chịu khó lục tìm lại các dữ kiện cũ, chúng ta sẽ nhận ra rằng tình trạng khan hiếm không phải là cục bộ ở một năm nào đó mà đã trở thành hiện tượng quá bình thường trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Cách đây khoảng 4 năm, báo chí cũng từng lên tiếng về chuyện khan hiếm sách giáo khoa và coi đó là sự bất thường. Nhưng điều đó đã không còn là bất thường nữa khi năm nào tình trạng ấy cũng tái diễn, và câu trả lời từng được đăng tải trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo là "do các công ty sách sợ tồn kho nên đặt kế hoạch thấp".

Thực chất, câu trả lời này là quá đủ đầy cho những ai muốn kiếm tìm nguyên nhân của nỗi khổ thiếu sách. Nó đủ đầy ở chỗ đã phản ánh quá đúng về thị trường sách giáo khoa, một thị trường béo bở và vận động hoàn toàn theo quy luật cung cầu chứ không còn mang thêm trọng trách phục vụ thế hệ tương lai nữa. Thêm vào đó, nỗi lo thay đổi nội dung sách giáo khoa từng năm cũng là rào cản để các công ty sách và thiết bị trường học không dám mạnh dạn ấn hành số lượng lớn bởi họ không dám chắc lượng tồn kho năm nay có thể tiêu thụ ở năm kế tiếp hay không. Và nguyên nhân bao trùm tất cả có thể chính là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch hàng năm. Liệu rằng có đang tồn tại một sự thiếu thống nhất về kế hoạch hàng năm với các tham số như tính ổn định của nội dung sách giáo khoa; số lượng học sinh dự kiến tính ở từng địa phương (để xác định lượng cầu); phương án phát hành, phân phối vv và vv?

Chỉ biết, phụ huynh học sinh và các em nhỏ là thiệt thòi nhất khi nhập học cả tháng rồi nhưng vẫn có những em không có sách để học. Dường như thị trường sách giáo khoa đang bị thả nổi thực sự khi các nhà phân phối thì không biết kế hoạch phát hành ra sao, trong khi những nhà phát hành thì chỉ nghĩ đến nguyên tắc đảm bảo an toàn doanh thu, lợi nhuận cho mình mà thôi.

Bao giờ thì hết khổ với sách giáo khoa? Câu hỏi về việc khan hiếm sách giáo khoa có lẽ không chỉ còn là câu hỏi ngắn hạn của một năm học này nữa rồi. Nó đã và đang trở thành câu hỏi kéo dài nhiều năm với một ngành mà năm nào cũng có chuyện để thở dài.

Văn Đoàn
.
.