Nỗi ám ảnh khôn khuây
Khi theo dõi vụ việc cháy quán karaoke chiều ngày 1 tháng 8 năm 2022 ở số 231 phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội khiến ba chiến sĩ công an hy sinh, tôi vừa tiếc thương vừa vô cùng căm giận những sai sót không đáng có từ loại hình kinh doanh hốt bạc nhưng cũng đầy bất trắc này.
Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân; Trung úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc là quả cảm và đã cứu được tám người ra khỏi lưỡi hái tử thần. Sự hy sinh đó cho thấy phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cũng chính là sự xả thân dũng cảm vì tính mạng của nhân dân, đã dùng chính mạng sống của mình đem về mạng sống cho người khác, không phải ai cũng làm được. Các anh ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người thân ruột thịt, đồng đội, đồng chí, đồng bào nhưng cũng thật nghẹn ngào, tức tưởi.
Kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhưng những điều kiện đó nhiều khi đã bị thao túng, bị bất chấp bởi một số cá nhân. Kinh hãi hơn nữa, qua tìm hiểu chúng tôi được biết chính TP Hà Nội đang bỏ ngỏ quy hoạch hoạt động karaoke.
Về vấn đề buông bỏ cũng là bỏ ngỏ nhiệm vụ quy hoạch hoạt động karaoke, một vị từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trả lời trên báo rằng: “Hà Nội từng triển khai quy hoạch karaoke. Trước đây lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội từng giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lập và trình quy hoạch karaoke. Tuy nhiên, khi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang thực hiện thì Luật Quy hoạch được ban hành (2017) không cho phép có thêm các quy hoạch chuyên ngành nên Sở đã phải dừng lại. Tuy vậy, thành phố sau đó đều có các văn bản chỉ đạo quản lý Nhà nước các hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường”. Nói như thế tức là loại hình karaoke chỉ cần dăm văn bản tùy lúc, tùy nơi mà cứ thế xông ra kinh doanh hốt bạc.
Nhớ lại vụ cháy quán karaoke khiến mười ba người thiệt mạng năm 2016 tại 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội càng khiến dân tình bi ai không biết trông cậy vào đâu để xa lánh những tụ điểm này. Chẳng nhẽ động tí bán nhà bỏ đi vùng đất khác để giữ yên bình cho bản thân? Chẳng nhẽ cứ mãi “sống trong sợ hãi”. Những vấn nạn trên, cơ quan chức năng và lãnh đạo TP Hà Nội có biết chăng? Quay trở lại vụ ba chiến sĩ hy sinh, tôi luôn có cảm giác tức tưởi, ám ảnh và căm giận. Thậm chí có lúc như đứng trước sự hoang lạnh của kiếp người. Mãi cộm lên câu hỏi, rất nhiều lần cháy quán karaoke gây chết người - trách nhiệm này thuộc về ai? Có lẽ nào không một ai chịu trách nhiệm?
Nhìn vào ánh mắt thất thần của những người thân trong gia đình ba liệt sĩ; đo đếm sự căm phẫn của quần chúng nhân dân trước sự mọc lên như nấm của các nhà hàng, quán, tụ điểm kinh doanh karaoke, chúng tôi không thể nào ngồi yên được mà kiến nghị các cấp có thẩm quyền hãy mau chóng xác lập hành lang từ pháp luật tới quản lý nhà nước thật thỏa đáng và nghiêm khắc với loại hình kinh doanh này. Mong muốn ý kiến của chúng tôi một lần nữa không rơi vào im lặng.