Nỗ lực để trẻ được đến trường

Thứ Năm, 24/02/2022, 13:34

Mùa xuân này, nếu được chọn một hình ảnh đáng yêu nhất, tôi sẽ chọn những giọt nước mắt của tháng giêng. Đó là hình ảnh của em bé tiểu học với gương mặt phụng phịu, bật khóc và rụt rè. Những giọt nước mắt hồn nhiên mà chúng ta mong lắm, thèm lắm sau rất nhiều gian nan và thử thách.

Chao ôi! hôm nay tôi đã nghe lại không biết bao lần bài hát "Ngày đầu tiên đi học" của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, dẫu biết giờ đã là kì II của năm học: "Ngày đầu tiên đi học/ Em mắt ướt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi/ Chao ôi! Sao thiết tha". Trong cuộc đời, người ta có thể khóc vì khổ đau vì hạnh phúc và cả sự bỡ ngỡ. Mỗi mùa thu, chúng ta lại được ngắm những giọt ngọc long lanh của các cô bé, cậu bé tạm biệt tuổi thơ. Những tưởng đó là chuyện "đến hẹn lại lên" nhưng năm học này, các bé lại có thêm một lần "mắt ướt nhạt nhòa" sau nhiều tháng học online tại nhà. 14/2 không chỉ là ngày của những người đang yêu mà còn là một kỉ niệm đáng nhớ với thầy, cô, phụ huynh và chính các bé. Nếu trước đây, 5/9 là ngày chúng ta được đưa con em đến trường thì 14/2 năm nay là ngày chúng ta dám đối đầu với những khó khăn. Đằng sau bước chân của một em bé là nỗ lực của biết bao người với những kế hoạch, phương án…

bộ trưởng bộ gd&đt nguyễn kim sơn khảo sát thực tế tại trường tiểu học minh tân, hải phòng - ảnh vgp-nhật nam.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Hải Phòng - Ảnh Nhật Nam.

Mấy ngày gần đây, khi trẻ em đến trường, xuất phát từ một tấm ảnh trên mạng xã hội "Chào mừng các con học sinh trở lại trường học" (Trường THCS Giảng Võ - Hà Nội) làm dấy lên cuộc tranh luận về cách xưng hô giữa trò và thầy, cách gọi danh xưng nhà giáo.

Có ý kiến cho rằng, nếu người học cứ xưng "con" với người dạy là "cướp công sinh thành của người khác", thiết nghĩ cũng rất có lí. Khi thông tin càng bùng nổ, chúng ta càng chú ý hơn đến những quyền cá nhân. Từ tên tuổi, thông tin cá nhân của một người nhiễm COVID-19 cần được giấu kín đến danh tính của những em bé là nạn nhân trong các ý đồ, tội ác của người lớn… cho thấy trong việc phát ngôn, chia sẻ thông tin trên xã hội hôm nay cần nhạy cảm hơn, kín kẽ hơn. Liệu các bậc làm cha, làm mẹ có chạnh lòng khi nghe con mình xưng "con" với thầy cô, khi nhà trường lại mang không khí gia đình? Liệu điều đó có cản trở xu thế hội nhập và đồng bộ trong khoa học giáo dục?

Có thể, trong thời gian trẻ không được đến trường, chúng ta đã nghĩ lại các giá trị của giáo dục. Người viết cho rằng đằng sau mong muốn cần chuẩn chỉ việc xưng hô là mong muốn một sự tương tác trong dạy và học, thoát ra khỏi tư duy lễ giáo, ngôi thứ, tạo lập chính kiến trên hành trình phát triển của học sinh. Nhưng trong thực tế, việc xưng "con" còn là câu chuyện của văn hoá, của những vấn vương với nề nếp giáo dục trong quá khứ, với truyền thống coi thầy cô như người cha, người mẹ của mình.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ chia sẻ: "Việc dạy học, và giúp học sinh không trở nên thụ động, hẳn nhiên không phụ thuộc vào cách xưng hô. Cách xưng "con", xưng "em" với thầy cô giáo chỉ thể hiện tình cảm, sự trân trọng của người học sinh dành cho những ai dưỡng dục mình". Bản thân người viết cũng đã từng được các thầy cưu mang, giúp đỡ về mặt vật chất trong những năm tháng đi học. Đồng tiền ít ỏi mà người thầy dành cho trò giữa năm tháng sinh viên thiếu thốn ấm áp vô cùng. Từ xưa đến nay, cũng không ít người học trò nghèo được các thầy cô nâng đỡ để rồi họ đã thành danh, đóng góp tài năng cho đất nước. Hẳn sâu thẳm trong lòng họ cũng muốn được xưng con với thầy, cô.

Những tranh luận này cho thấy giáo dục đang được quan tâm nhiều hơn là mục đích tìm ra những chuẩn mực trong xưng hô. Xuất phát từ một nhu cầu nhận thức lại các giá trị cũ trong thời đại mới, việc chúng ta đứng từ quan điểm định danh nào cũng đều hướng tới mục đích tốt đẹp nhất. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng ghi nhận: "Những thành quả đáng ghi nhận trong năm học vừa qua có được là sự nỗ lực của từng học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và trong một năm khó khăn của giáo dục nói riêng. Những nỗ lực, hỗ trợ, đồng hành này là rất đáng trân trọng".

untitled-1.jpg -0
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Bàu Sen (quận 5, TP Hồ Chí Minh) được chào đón khi đến trường - Ảnh: Như Hùng

Một nhà giáo về hưu nói với tôi, ông rất buồn khi lên mạng đọc được những tin tức làm tim ông thắt lại, mà gần đây nhất là vụ cha ruột ném con gái 5 tuổi xuống sông ở Quảng Nam. Là một người từng đứng trên bục giảng nhiều năm, nếu người cha nhẫn tâm đó là học trò cũ của mình, quả thật ông thấy xấu hổ. Tôi nói với ông rằng: Cái ác, cái xấu luôn nương náu, rình rập trong bóng tối, trong từng con người. Nhưng nếu có sự hướng thiện, phần sáng sẽ chiếu rọi, xua tan. Chừng nào một em bé đến trường có bao con mắt dõi theo thì khi đó mầm thiện, cái tốt đẹp đã được lan toả trong chính chúng ta. Bản thân mỗi con người trong xã hội cũng cần tự thanh lọc, tự nâng cao phẩm giá của mình khi đứng trước một đứa trẻ. Nếu sự trân trọng, nâng niu những mầm sống bé nhỏ đi vào tiềm thức sẽ khiến con người ta còn lương tâm kể cả khi nóng giận, phẫn uất…

Nếu đặt một câu hỏi: Thử thách lớn nhất với chúng ta trong năm qua là gì? Ai cũng có thể trả lời: Đó là đại dịch, là phải giãn cách xã hội, phải gác lại các hoạt động, là cuộc sống biến động… Nhưng không chỉ có vậy, trong năm qua chúng ta còn phải đối diện với những điều mà bấy lâu rất ngại ngần: Phải làm thầy giáo dạy con, phải đối diện với bữa ăn sáng tại nhà, phải lo nghĩ nhiều hơn là việc đi xe trên đường hay miệt mài tại công sở, đàn đúm với bạn bè như trước đây.

Vì thế, khi trẻ được trở lại trường, có người phụ huynh vui mừng, họ từng gọi đùa đó là ngày "giải phóng phụ huynh". Có người đưa con lên xe đưa đón rồi quay vào đóng cửa lại và hét to lên vui sướng. Có người vừa đưa con đến cổng trường đã vội vã gọi bạn hẹn điểm ngồi uống café sáng. Đó là sự giải toả, nghỉ ngơi xứng đáng sau những nỗ lực hết mình. Nhưng chẳng lẽ chúng ta chỉ có một cảm xúc mừng vui khi trút bỏ được gánh nặng thôi ư? Tôi tin rằng, trong lần trở lại trường đặc biệt này, nếu ai thật sự quan tâm đến con em mình sẽ phải suy ngẫm: Hoá ra, các em từng phải gánh nặng như thế, thầy cô từng nhọc nhằn đến thế. Giáo dục đâu chỉ đơn giản là có dịch thì nghỉ, hết dịch lại đi học.

Người viết cho rằng: Khi hơn 1 triệu học sinh trở lại trường trong mùa xuân này, rất cần đến sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội hơn bất kì một năm nào trước đây. Khi đọc những dòng chia sẻ của một phụ huynh và học sinh ở TP Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ thấu hiểu: "Từ ngày tôi mua đồng phục cho con, cháu rất hào hứng và hỏi mẹ vậy là con trở thành học sinh lớp 1 thực sự rồi hả mẹ? Con được đi học thật rồi hả mẹ? Trưa 14/2, khi tôi đón con ở trường về, bé cứ luôn miệng kể chuyện là trường con hôm nay vui lắm, con được đón lên sân khấu rồi chụp ảnh, con còn được tặng quà nữa. Tôi cũng vui lây với niềm vui của con". Sau nụ cười hào hứng của con trẻ là muôn vàn khó khăn của chương trình, của kĩ năng cần đạt, là việc khởi động lại thói quen hỗ trợ đưa đón con tới trường…

Những mái trường trở lại rộn rã, cũng là sự thôi thúc mỗi chúng ta phải nỗ lực. Nếu lâu nay, phụ huynh chỉ cần lo những chi phí học tập, sách vở, đồ dùng… cho con thì lúc này sự lo toan ấy đã gấp nhiều lần. Mỗi người phụ huynh phải nỗ lực giữ gìn sức khoẻ, sinh hoạt lành mạnh để tránh lây nhiễm sang con, sang ngôi trường của con. Nếu trước đây trong việc dạy học, những phần việc mà giáo viên không thể thực hiện khi dạy trực tuyến thì phụ huynh đã cố gắng hỗ trợ thì giờ đây giáo viên lại đang gắng sức khắc phục những hạn chế sau nhiều tháng trẻ học online tại nhà. Không chỉ có những lỗ hổng về kiến thức, về nề nếp sinh hoạt mà cả những tật xấu khó tránh khỏi trong mỗi chúng ta đã ít nhiều ảnh hưởng sang trẻ.

Trẻ em đến trường là một niềm vui nhưng cũng là một sự thôi thúc mỗi chúng ta nỗ lực…

Lương Việt
.
.