Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Những tấm gương bình dị mà cao quý

Thứ Năm, 28/07/2022, 07:29

Ông Vũ Gia Nhưng là một thương binh đã khắc phục khó khăn để làm kinh tế giỏi. Tại quê hương Phú Thọ, ông thành lập doanh nghiệp và trực tiếp điều hành, mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước từ 2-3 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động với mức thu nhập cao. Ông Vũ Gia Nhưng còn là người tích cực tham gia phong trào "Nghĩa tình đồng đội", đóng góp xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo và người có công với cách mạng…

Được mời tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và cuộc gặp mặt 450 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND TP Hà Nội tổ chức hôm 24/5/2022, ông Vũ Gia Nhưng và những đại biểu khác thêm một lần nữa cho tất cả chúng ta cảm phục hơn về tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống, cho chúng ta thêm tự hào vì có những tấm gương thương binh "tàn mà không phế", vẫn luôn tỏa sáng tinh thần vượt khó vươn lên trong mọi hoàn cảnh để góp phần công sức của mình vào công cuộc hưng thịnh của Tổ quốc. Họ không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn thực sự là chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.

Những tấm gương bình dị mà cao quý -0

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đất nước đang trong bối cảnh "cơn bão" COVID-19 để lại những di chứng nặng nề với đời sống xã hội. Cả nước đã một lần nữa đồng lòng, đoàn kết cùng tiến hành cuộc đấu tranh, chiến đấu với dịch bệnh. Qua "cuộc chiến" này, nhiều tấm gương quân dân đã nêu bật tinh thần của những người lính trong thời bình. Ý chí tự lực tự cường của nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công trở thành những tấm gương vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nỗ lực sản xuất, công tác, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Đó là những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh 2 tiếng Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế trân trọng, ghi nhận.

75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số liệu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cho biết, hiện toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng; trình Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Công tác chăm sóc người có công với cách mạng được triển khai với nhiều giải pháp và rất đáng mừng là chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đã đạt 98,6%.

Tuy nhiên, dù đã rất nhiều nỗ lực nhưng những tồn đọng trong giải quyết hậu quả chiến tranh vẫn còn lớn và quá trình giải quyết, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời… Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tiếp tục nỗ lực hơn nữa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: "Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội".

Để triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất hơn nữa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước chú trọng chăm lo người có công, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công; coi công tác này là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.

Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là thực hiện theo lời căn dặn của Bác Hồ về đạo lý, về giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Theo Người, ý nghĩa sâu sắc của "đền ơn đáp nghĩa" là sự trân trọng, biết ơn những người có công với độc lập, tự do của Tổ quốc chứ không phải là sự "gia ơn, làm phúc", vì vậy "bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ".

Lương Duy Cường
.
.