Những ngôi nhà và tấm lòng trong thiên hạ

Thứ Năm, 22/09/2022, 09:18

Trong xã hội xưa, uy tín, cái nghĩa tình trong thiên hạ thật đáng khâm phục và để đời sau học tập. Nhiều học trò, bậc túc nho, tướng lĩnh vì nghĩa mà xây dựng nhà, từ đường tặng thầy, tặng bạn. Nhiều nếp nhà xưa, những câu chuyện xúc động, vẫn được thế hệ sau bảo lưu, tiếp nối đến hôm nay.

Truyền thuyết ngôi nhà làm trong một đêm

Đó là ngôi nhà đã 346 tuổi ở làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức-Hà Nội), hiện do ông Nguyễn Viết Vi gìn giữ. Ngôi nhà gắn với một câu chuyện xúc động trong lịch sử. Năm 1675, dưới triều vua Lê Hy Tông, làng Đông Lao, phủ Hoài Đức đang cần xây dựng các đình chùa. Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều đã mượn con voi của triều đình về kéo nguyên vật liệu phục vụ xây dựng. Chẳng may con voi bị cảm, chết.

Những ngôi nhà và tấm lòng trong thiên hạ -0
Ngôi nhà làm trong một đêm hiện do ông Nguyễn Viết Vi gìn giữ.

Theo luật của triều đình, người làm chết voi phải đúc con voi bằng bạc nặng bằng con voi đã chết, hoặc bị chém đầu. Nhưng ông vét hết gia tài cũng chỉ đúc được 4 cái chân voi bạc và chỉ còn chờ ngày bị hành hình. Người xét xử vụ này lại là vị quan thanh liêm Nguyễn Viết Thứ (1644-1692), đã suy nghĩ biết bao ngày. Cuối cùng ông cũng nghĩ ra cách.

Khi ngồi uống trà với nhà vua, ông kể chuyện một anh tá điền nghèo đi cày thuê cho địa chủ, giữa trưa nắng, vừa cày xong thì trâu chết. Địa chủ bắt tá điền lên quan đòi đền... Nhà vua tức giận: Con trâu chết vì ngã nắng, đấy là tại trời chứ anh ta có đánh chết đâu. Anh tá điền không có tội. Nhân cơ hội đó, quan Tham tụng liền bẩm tấu vụ chết voi của Đô đốc Nguyễn Công Triều. Nhà vua chợt nghĩ ra, khen viên quan tài trí và đã xóa tội cho Nguyễn Công Triều.

Vốn là bạn đồng hương, nay lại có ơn cứu mạng, Đô đốc Nguyễn Công Triều nghĩ đến chuyện đền đáp. Nhưng Nguyễn Viết Thứ chối từ. Nguyễn Công Triều suy đi tính lại, cuối cùng tìm được một cách để trả ơn bạn. Trong buổi uống trà, ông có chen khéo vào câu chuyện làm con mà để cha mẹ khổ là chưa làm tròn đạo hiếu. Trong khi đó song thân của quan Tham tụng Nguyễn Viết Thứ lại đang sống trong cảnh bần hàn.

Nguyễn Công Triều nói rằng: “Song thân của người cũng là của ta. Vậy ta sẽ dựng một ngôi nhà để song thân sống yên bình trong những năm cuối đời, và đó cũng là nơi thờ tự”. Bạn đã nói vậy, dù lòng đã phục nhưng còn thách thức: “Ta hiểu lòng của người, nhưng ta sẽ chỉ nhận ngôi nhà làm trong một đêm”. Thì đó cũng là một cách thoái thác món quà.

Vào khoảng tháng 2/1676, Nguyễn Công Triều đã cho khoảng 300 người cùng voi, ngựa kéo nguyên vật liệu nhằm hướng làng Sơn Đồng, đến ngôi nhà mà cha mẹ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ sống, cả khu đất rộng gần 600 mét vuông. Đô đốc bước vào nhà, thi lễ với song thân bạn và mời hai cụ sang hàng xóm nghỉ tạm, còn mình cho quân khởi dựng.

Sớm tinh sương, bà con đổ đến xem tình hình ngôi nhà thì thật kỳ lạ. Mới chiều qua, nơi đây còn gồ ghề, với mái nhà tranh bé tẻo teo, nay được thay thế bằng ngôi nhà mới 5 gian, 2 chái dài hơn 18 mét. Nguyễn Viết Thứ mừng đến rơi lệ, xem như chuyện thần tiên. Hai người bạn vong niên ôm chặt lấy nhau, chứa chan lệ. Đô đốc nói: “Ta đã thực hiện được lời hứa của mình, người còn gì không phục?”. “Ta cảm ơn tấm thịnh tình của người, ta rất nể, rất nể”.

Theo lời ông Nguyễn Viết Vi, ngôi nhà này vượng khí lắm. Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, chúng đã phá dỡ bao ngôi nhà, cả đền chùa, nhưng ngôi nhà này không dám động đến, chỉ ngăn làm đôi để phục vụ cho ý đồ của chúng. Ông già tóc bạc chỉ lên bức hoành phi với ba chữ vàng "Đức giã viễn", nói: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu ăn ở có đức có tâm, đức độ như hai người bạn tâm giao là cha ông chúng tôi Nguyễn Viết Thứ và Nguyễn Công Triều”.

Thấm thía cái tình

Làng Kim Lũ, còn có tên là làng Lủ thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) được mệnh là làng “sinh quan đẻ trạng” có nhiều nhà thờ danh nhân, trong đó có nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Công Thái (1684-1758). Ông đỗ khoa Ất Mùi 1715, đời vua Lê Dụ Tông. Nguyễn Công Thái là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm - một vị chúa tài ba và có công đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa.

Không chỉ trải nhiều chức quan, làm Tế tửu Quốc Tử Giám, ông còn là nhà ngoại giao đàm phán giành lại phần đất rơi vào tay nhà Thanh.Nguyễn Công Thái làm quan 40 năm, tận tụy phục vụ 4 đời vua Lê, chúa Trịnh. Dù trong triều hay ngoài nội, ở đâu ông cũng hoàn thành chức phận, lập nhiều chính tích được dân mến chúa yêu. Làm quan đầu triều nhưng Nguyễn Công Thái một mực xin về nghỉ. Ông về Kim Lũ sống cùng dân thôn vui cuộc đời bình dị. Đất lộc điền 100 mẫu vua ban, ông cho con cháu và dân làng cày cấy.

Những ngôi nhà và tấm lòng trong thiên hạ -0
Con cháu gìn giữ nhà thờ Nguyễn Công Thái ở làng Lủ (phường Đại Kim).

Truyện kể rằng: Sau khi Nguyễn Công Thái về ở ẩn, Chúa thường sai người đến thăm hỏi. Lần ấy, một vị quan đại thần sau chuyến về tận nhà thấy ở làng Kim Lũ, đã tâu với chúa rằng: căn nhà thầy đang ở chỉ được làm bằng tranh tre nứa và hư hỏng nhiều. Chúa xúc động, xót xa, liền gọi thợ làm tặng thầy ngôi nhà ba gian bằng gỗ tứ thiết, trước là để thầy ở, sau làm nhà thờ thầy khi trăm tuổi, nhưng mấy lần ngỏ ý đều bị khước từ. Chúa Trịnh Sâm bèn nghĩ, thầy chưa có từ đường để thờ tổ tiên nên đề nghị cho dựng ba gian nhà. Ngôi từ đường cũng sẽ là nơi thờ khi thầy khuất tuổi. Thấy trò hiếu nghĩa, Nguyễn Công Thái đồng ý.

Di tích từ đường Nguyễn Công Thái hiện có tên là “Nguyễn tướng công từ” (Nhà thờ tướng công họ Nguyễn), nay vẫn còn khá nguyên vẹn so với thuở ban đầu. Từ đường nằm sâu trong một ngõ nhỏ thuộc làng Kim Lũ, trong một khuôn viên đẹp, xung quanh là hệ thống các cây cổ thụ tạo sự tôn nghiêm và cổ kính. Ngôi từ đường gồm 3 gian, 2 dĩ. Cột, đố vách, rui... đều được làm bằng gỗ lim. Nguyên liệu chính làm vách là rơm ngâm vôi và đất, cát. Gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ dòng trưởng và gian trái thờ ngoại tổ. Cùng với hai bức hoành phi, trong ngôi nhà cổ còn một tấm bia đá do người con thứ 7 của tể tướng là Nguyễn Huy Tú - Đốc đồng Bình chương sự Lạng Sơn tạc vào năm 1789.

Có một câu chuyện cảm động về tấm lòng thiện hạ đối đãi hiền tài. Đó là chuyện danh sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825) được dòng họ Trương Văn ở thôn Trần Xá, xã Yên Trung, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cưu mang. Mới đây, dòng họ Trương Văn đã kết nối với hậu duệ của cụ Phạm Quý Thích, như là cách để nối lại tình xưa.

Phạm Quý Thích sinh ra ở xã Hoa Đường, huyện Đường An nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Cụ đỗ Tiến sĩ năm 1799 đời vua Lê Hiển Tông khi mới 19 tuổi và ra làm quan dưới triều Lê với nhiều chức vụ khác nhau trong đó có chức Hàn lâm viện Thiếu bảo, Kinh Bắc giám sát Ngự sử. Thời ấy, vị danh y họ Trương người làng Trần Xá làm quan trong y viện của nhà Lê quen biết và thân thiết với tiến sĩ Phạm Quý Thích đang làm ở Hàn Lâm Viện. Vị lương y tuổi già về hưu trí tại quê nhà.

Năm 1786, khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc, vì bất đồng chính kiến, Phạm Quý Thích không ra làm quan, lánh nạn về tá túc tại gia đình vị lương y kia. Tiến sĩ được gia chủ làm nhà riêng để ở và dạy học, đồng thời chu cấp đầy đủ nhu cầu cuộc sống. Đến thời Nguyễn (1802) sau khi Phạm Quý Thích được phục chức, trở thành người thầy nổi danh thì mối quan hệ của ông với người làng Trần Xá càng thêm gắn bó.

Mấy năm cuối đời, Phạm Quý Thích về Hải Dương dạy học. Khi tiến sĩ mất làng lập miếu thờ ở ngay khuôn viên của chùa làng. Ở quê hương, khi Phạm Quý Thích mất, học trò của tiến sĩ là cụ Chu Doãn Trí xây dựng nhà bên mộ thầy để tang 3 năm. Học trò tiến sĩ gom góp tiền mua 4 mẫu ruộng giao cho 4 giáp trong làng cấy cầy lấy hoa lợi để làm giỗ hậu cho tiến sĩ. Tất cả đều đã trở về quá vãng và chỉ còn ngôi mộ khiêm tốn, bình dân như bao ngôi mộ khác ở đây.

Các cụ đời trước dẫn lối, sau gần hai thế kỷ, hai dòng họ đã lại “tìm thấy” nhau để tổ chức gặp mặt, cùng viết nên câu chuyện xúc động về nối lại nghĩa tình xưa. Trong thiên hạ, còn biết bao câu chuyện xúc động về những tấm lòng.

Diên Khánh
.
.