Những đứa trẻ ấy con nhà ai?

Thứ Sáu, 15/12/2023, 07:16

Cho đến giờ, khi đọc truyện ngắn của nhiều nhà văn vẫn thấy có những đoạn viết về những đứa trẻ ngỗ ngược hoặc cảnh bọn trẻ qua mặt thầy cô ở trường bằng nhiều trò nghịch ác, nghịch dại…

Sau chừng ấy năm, tôi cũng chả có thời gian theo dõi nhưng hôm rồi đứa cháu gái tôi đến trường vẫn bị bạn bắt nạt. Hóa ra, chuyện trẻ con bắt nạt nhau thời nào cũng có nhưng thời tôi đi học chẳng bao giờ tụi con gái bị đánh.

tru%3fng h%3fc chính là xã h%3fi thu nh%3f-ngu%3fn %3fnh the vnwriter.net.jpg -0
Trường học chính là xã hội thu nhỏ.

Đem "chuyện lạ" ấy kể với vợ, vợ tôi bảo: "Anh thứ nghĩ xem, công ty của anh có mấy chục người (đã quá trưởng thành) mà lắm khi ngồi họp còn lén lút nói chuyện riêng, cấu chí nhau, huống hồ cả ngàn đứa trẻ đang tuổi hiếu động ở trong một trường, sao tránh khỏi. Thôi, chuyện trẻ con ấy mà. Tự chúng nó sẽ có cách thu xếp…".

Nghe xong, tôi thấy vợ tôi nói cũng có lí nhưng liệu chúng có tự "thu xếp" được không và sự "thu xếp" ấy như thế nào? Thế rồi, sau này khi xem lại 2 đoạn clip đáng buồn về cô giáo dạy môn Âm nhạc và một số học sinh ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, tôi đã nằm vắt tay lên trán với một câu hỏi vừa vu vơ vừa ngô nghê nhưng không thể loại ra khỏi đầu óc của mình: Những đứa trẻ ấy là con nhà ai?

Thật ra, ngày nay chúng ta thường quan tâm chăm chút con cái và những đứa trẻ xung quanh bởi mức sống đang được nâng cao. Gần như đứa trẻ nào cũng được thổi nến, cắt bánh sinh nhật; được mua sắm quần áo mới; được ăn uống đủ dinh dưỡng, chưa kể đến việc được đi du lịch, được đến các khu vui chơi, được học thêm các môn thể thao, nghệ thuật… Tóm lại là ở một tầm cao hơn so với đa số chúng ta ngày bé.

Nhưng có một điều, hình như sự quan tâm đó lại được đặt trong cách tiếp cận vấn đề, trong tâm thế coi chúng là một vai phụ trong cuộc sống, theo kiểu "trẻ con đã biết gì". Vô hình trung, trẻ em là đối tượng thụ động, chịu sự tác động một chiều trong chính cuộc sống của mình. Thế nên, câu chuyện mà nhà báo Hoàng Anh Tú kể trên vnexpress.net cũng thật hiếm: "Tôi từng xin lỗi con gái mình vì một lần đèo con vượt đèn đỏ, nhưng là sau khi đã trải qua nhiều phen đổ lỗi: tại chúng ta sắp muộn giờ học của con, tại đường đang vắng... Tôi sẽ còn nghĩ ra nhiều lý do hơn nữa, nếu không phải vì hôm đó, con tôi bực tức hét lên sau xe: Bố dừng lại đi, bố không xấu hổ à?".

"Xin lỗi" và "đổ lỗi" có lẽ là hai từ khóa đáng bàn nhất trong câu chuyện này. Dữ kiện của các "bài toán" về sự va chạm giữa người dạy và người học thường có hai đối tượng nhưng lại cho chúng ta nhiều đáp án khác nhau: Lỗi ở giáo viên; lỗi ở học sinh; lỗi ở cả giáo viên và học sinh hay cả hai đều không có lỗi?

Thật ra, trong tình huống nào cũng có người sai nhưng để tìm ra được nguyên nhân cơ bản lại không dễ dàng gì. Nhớ đến cảnh một đứa trẻ tinh nghịch vừa vấp ngã, người mẹ vừa lôi con dậy đã vội tát thẳng vào mặt con một cái, tình huống đó cũng đủ gây tranh cãi trong dư luận.

Còn nhớ cách đây hơn mười năm, trong bài viết "Vì sao các bà mẹ người Hoa giỏi thế? (Why Chinese Mothers Are Superior) đăng trên bản điện tử Nhật báo Phố Wall số ra ngày 8/1/2011 đã có hơn 1 triệu lượt người truy cập và 7743 lời bình luận, thu hút sự quan tâm của các tờ báo lớn như Time, New York Times... Cụ thể, trong nội quy gia đình bà mẹ người Hoa có tên là Amy Chua (tự xưng là "Mẹ Hổ" có thể vì bà sinh năm Nhâm Dần 1962) nêu rõ như: Cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình; Cấm xem phim; Cấm tham gia biểu diễn văn nghệ ở nhà trường; Không được oán trách vì điều cấm ấy; Cấm xem truyền hình hoặc chơi game máy tính; Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn); Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất); Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp; Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác; Phải học dương cầm và vĩ cầm…

Có lẽ, nếu nhìn vào các yêu cầu đó, chúng ta chỉ thấy sự hoàn hảo, lý tưởng của một diện mạo do AI vẽ ra chứ khó hiện lên khuôn mặt của một đứa trẻ cụ thể  nào. Vậy giáo dục là sự cương quyết uốn nắn theo các chuẩn mực hay nương theo sở thích, tố chất của từng trẻ hay là sự khoan nhượng, thỏa thuận từ hai phía?

Câu hỏi này có thể là quá lớn đối với người viết bài và độc giả khi đọc bài viết nhỏ này. Tuy nhiên, ngày ngày chúng ta vẫn bắt gặp những đứa trẻ hư hỗn từ lời nói đến hành động và những bé còn lại là nạn nhân yếu ớt. Vậy đâu là giải pháp hành động để ngăn chặn tình trạng này?

Người viết cho rằng giáo dục là nhiệm vụ cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta đã nhắc đến sự ảnh hưởng của gia đình, đến sự tác động của xã hội (từ cách cư xử của người lớn), đến mạng xã hội nhưng lại quên một phía rất quan trọng đó là lắng nghe chính những đứa trẻ xem chúng muốn gì, cần gì và thích được chúng ta ứng xử như thế nào? Trả lời được các câu hỏi ở trẻ là chúng ta đã đạt được một phần quan trọng trong mục tiêu của mình.

Nói đến đây hẳn nhiều người sẽ phản ứng bởi có sự nhầm lẫn chăng khi chính chúng ta mới là người định hướng, dẫn dắt bằng sự trưởng thành của nhân cách và tri thức, kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên một đứa trẻ hôm nay chính là chủ nhân của gia đình, xã hội của hai mươi, ba mươi năm sau. Bởi thế, ngay từ lúc  này "chủ nhân" ấy đang dùng đôi mắt bé nhỏ để quan sát, đôi tai bé nhỏ để lắng nghe những tác động từ xã hội người lớn.

untitled-1.jpg -0
Hãy lắng nghe trẻ em.

Nhà giáo dục người Ý có tên là Maria Montessori (1870-1952) từng nói:  "Không người lớn nào có thể gánh thay gánh nặng của trẻ nhỏ, hay lớn lên thay cho nó". Vậy câu nói của bà muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì từ gần một thế kỉ trước? Chắc hẳn đâu phải là sự buông xuôi mặc trẻ em lớn lên tự nhiên như cái cây mọc hoang dại, nhưng cũng không thể bắt cả những tâm tư của các em phải vâng lời. Khi xã hội đã phát triển từng ngày, đi kèm với sự tiến bộ, tích cực là những biểu hiện phức tạp như sự ảnh hưởng nhiều luồng văn hóa, nhiều cách ứng xử của người trưởng thành… nhưng giáo dục gần như không mấy thay đổi những quy tắc điều chỉnh hành vi của học trò. Vẫn cách răn đe, xử phạt cũ, vẫn cách quản lý cũ và có lẽ nhà trường đang là "chiếc áo" quá chật so với sự trưởng thành quá sớm của những đứa trẻ ngày nay. Nên chăng, quy chế quy định về nhà trường cần nghiêm khắc hơn, sự đầu tư thiết bị giám sát; quyền và trách nhiệm của giáo viên, bổ sung các chuyên gia tâm lý học đường đến các cơ sở giáo dục và những giá trị mà người học được thụ hưởng.

Nếu bạn chịu khó cúi thấp xuống, lắng tai nghe sẽ thấy trẻ em dù ở độ tuổi phát triển nào cũng cần được thừa nhận như một xã hội thu nhỏ. Ở đó cũng có phân chia đẳng cấp, thứ bậc và xu thế… Có điều trong "xã hội" thu nhỏ đó ranh giới giữa đùa cợt thiếu ý thức và độc ác, hư hỗn thật sự là một sợi chỉ mong manh. Vậy tại sao chúng ta không thu thập những suy nghĩ, nhận biết các nguy cơ ngay từ lúc này mà phải đợi đến lúc các em trưởng thành? Hình như trong văn hóa giao tiếp của chúng ta ngày nay vẫn thiếu một sự lắng nghe như thế. Thậm chí theo lối mòn hễ  cái gì xấu vẫn đổ cho trẻ con: đồ trẻ con, trò trẻ con, như trẻ con, trẻ con biết gì… Thử hỏi với suy nghĩ đó, trẻ em có vị thế như thế nào. Và khi những tâm tư không được tháo gỡ, chúng sẽ tự tạo ra những làn sóng mà bạo lực học đường là hệ quả của điều đó. Thế mới biết vì sao bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Ngữ văn, lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục) được ra đời và nó không đáng bị chê trách như thế nào.

Còn nhớ một lần đi mua gạo bằng xe đạp của bác tôi (ông giáo đã nghỉ hưu) bị thủng săm nên phải dắt bộ. Các học sinh ở một trường nào đó chạy lại đẩy xe cho bác. Khi đến ngã rẽ chào các học sinh này bác tôi đã hỏi: "Các cháu là con nhà ai?". Nghe bác kể lại, tôi thấy lạ liền hỏi: "Thế bác quen các anh chị đó à?". Bác tôi cười: "Ồ không, làm sao bác biết họ là ai, bác hỏi thế là để nghe các anh, chị ấy có cơ được bộc bạch về bản thân mình. Giáo dục là sự kết nối cháu ạ. Mất đi sự liên lạc đó thì coi như thất bại"…

Trở lại với câu hỏi ban đầu: Những đứa trẻ ấy là con nhà ai? Có thể hôm nay là con của bạn, ngày mai là con của tôi hay bất kì phụ huynh nào nhưng điều quan trọng chúng ta hãy thử lắng nghe chúng nói dù chỉ một lần…

Kiến Văn
.
.