Những "đạo diễn Youtube"

Thứ Bảy, 09/04/2022, 09:05

"Những đạo diễn Youtube", điều đó ắt sẽ khiến không ít người nghĩ về những người đang tham gia sản xuất các nội dung trên nền tảng này, kiểu như các webdrama. Tuy nhiên, đây lại là một khái niệm mà giới sản xuất chương trình sân khấu ca nhạc, tạp kỹ kỳ cựu đang sử dụng để ám chỉ một thế hệ đạo diễn trẻ hôm nay.

"Bây giờ, họ quá lạm dụng màn hình led. Cứ sân khấu nào cũng rợp màn hình trình chiếu mà bố cục, cảnh trí sân khấu và nghệ thuật đánh ánh sáng đã không còn được chú trọng nữa". Đó là nhận xét của D., một trong những kỹ sư ánh sáng sân khấu thuộc hàng tên tuổi trong làng giải trí phía Nam về những chương trình sân khấu ca nhạc tạp kỹ hôm nay. Và nhận xét của anh rất đúng. Đã không còn một lực lượng đạo diễn thể hiện ý tưởng bắt đầu từ chính sự tưởng tượng phong phú, sức sáng tạo dồi dào và kỹ năng hiện thực hóa các ý tưởng ấy bằng các sắp đặt cụ thể cả vật thể lẫn phi vật thể (ánh sáng) trên sân khấu.

Đời sống ca nhạc, tạp kỹ Việt Nam đã từng ghi dấu ấn qua nhiều cái tên đạo diễn cực kỳ nổi tiếng như Tất My Loan, Đoàn Khoa, Phạm Hoàng Nam, Huỳnh Phúc Điền, Đinh Anh Dũng… Trong số họ hiện nay, hình như cũng chỉ còn mỗi Phạm Hoàng Nam là còn hoạt động, nhưng cũng rất kín tiếng. Đó là một thế hệ tài năng thật sự, cao tay nghề, giàu kinh nghiệm và có kiến thức bài vở đàng hoàng.

Ai đã từng làm việc với họ ngày xưa đều hiểu rằng để có thể có được một chương trình ra hồn, họ phải thai nghén nó hàng tháng trời, làm việc kỹ lưỡng với từng bộ phận. Nhiều người chỉ nhìn vào mức thù lao mà họ nhận được, và độ "giàu có" mà họ có được để nghĩ rằng đây là nghề nhàn nhã, dễ kiếm danh lẫn lợi. Nhưng thực chất, họ đã phải mất rất nhiều, hi sinh rất nhiều, học hỏi liên tục để có thể thành nghề và trước khi thành nghề, họ cũng phải đi theo trợ giúp cho các bậc đàn anh đi trước rất nhiều năm rồi.

Rất nhiều chương trình giải trí tạp kỹ bây giờ được sao chép từ ý tưởng gốc của các show mới vừa trình diễn ở nước ngoài, đa số là Hàn Quốc. Và từ sự sao chép ấy, bắt đầu có những sai lệch đáng cười. Nếu như một chương trình giải trí của Hàn Quốc cực xuất sắc với các trình chiếu màn hình đậm chất vị lai (futuristic) thì cách thể hiện ấy lại không thể phù hợp với một chương trình âm nhạc có nội dung giàu tính nghệ thuật. Áp dụng cái từ giải trí, tức là mang tính trình bày bề ngoài, vào một cái cần chiều sâu, tức là mang tính thưởng thức với độ lắng bên trong, rõ ràng là sự kệch cỡm. Ấy nhưng họ vẫn làm. Và trớ trêu thay, họ vẫn được xưng tụng như "phù thuỷ" sân khấu và vẫn đắt hàng với những hợp đồng béo bở.

Nhìn lại, thế hệ đạo diễn trẻ sau này ở Việt Nam gần như không còn ai có khả năng xây dựng một chương trình đẹp cả nghe lẫn nhìn nếu không nhờ vào công nghệ mới của khoảng hơn 10 năm vừa qua. Họ không thể làm theo cái cách được gọi là cũ, nhưng lại là gốc, là cốt lõi của sân khấu. Tất nhiên, công nghệ sinh ra để phục vụ con người. Dùng công nghệ là quá tốt, nhưng dùng hợp lý hay không lại là khác.

Đó là một lỗ hổng rất đáng tiếc, đặc biệt là khi số lượng chương trình giải trí tạp kỹ diễn ra hàng tháng vẫn rất nhiều. Xưa, làm đạo diễn được trọng vọng lắm. Nay, làm đạo diễn dễ đến không ngờ.

Văn  Đoàn
.
.