Những cuộc chạy đua của con trẻ

Thứ Năm, 10/11/2022, 10:30

Gần đây, được nghe thông tin về việc một số trường tiểu học lùi giờ học để thuận tiện cho việc đưa đón con của phụ huynh, cũng như để trẻ không phải dậy quá sớm. "Theo khảo sát được VnExpress thực hiện ngày 20/10, trong hơn 8.450 người tham gia trả lời, 53% (tương đương 4.480 người) cho rằng giờ vào học buổi sáng nên là 7h30, 38% bỏ phiếu cho 8h, còn lại 9% chọn 7h".

Nhưng, nếu báo chí không đưa thông tin, không trích dẫn ý kiến của phụ huynh-những người hàng ngày phải dậy từ sớm, phải mua vội gói xôi, chiếc bánh ngoài hè phố để nhét vào ba lô của con, phải tìm cách bớt xén giờ làm chiều để về sớm đón con - thì nhiều người trong số chúng ta cũng không nhận ra điều đó. Tôi đã từng bắt gặp nhiều em bé ăn vội gói xôi, chiếc bánh bên đường trước khi vào lớp. Những điều ấy hình như chẳng mấy ai để tâm bởi sáng sáng, chúng ta đang bon chen từng bánh xe. Trong tư duy của nhiều người, học sinh đến trường chỉ để làm mỗi việc là học. Vì gấp gáp, đôi khi cha mẹ cũng chỉ lo được cho con một món đồ ăn sáng như thế và kèm theo một lời quát nạt.

Những cuộc chạy đua của con trẻ -0
Nhiều bé từng phải dậy lúc 5h sáng nên rất mệt mỏi. Ảnh Hữu Khoa

Hãy thử nghĩ xem, với một bữa sáng như thế, không những ở góc độ dinh dưỡng mà cả về mặt tinh thần liệu có đủ để cung cấp năng lượng cho những giờ tiếp thu kiến thức, rèn luyện kĩ năng của trẻ ở trên lớp?

Nhưng ngẫm ra, cuộc chạy đua mỗi sáng như thế cũng chưa hề hấn gì với câu chuyện đang rất hot là ý tưởng bỏ lớp cận chuyên (của các trường chuyên). Đành rằng, vai trò của các lớp cận chuyên là như thế nào trong một trường chuyên còn phải mổ xẻ, phân tích từ nhiều góc độ nhưng có một thực tế đã rõ ràng: để được vào học trường chuyên, các em đã phải chạy đua gay gắt, một cuộc đua lấy đi sự hồn nhiên của tuổi thơ - khoảng thời gian quan trọng nhất để kiến tạo nên tâm hồn con người. Để hiểu được cuộc chạy đua ấy cái lý lo tồn tại của những lớp cận chuyên thì phải hiểu đúng cái đích lâu nay chúng ta cần đến.

ThS Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hà Nội đã chia sẻ trên Báo Lao động: "Trường chuyên phải là đầu tàu đổi mới, mô hình, biểu tượng cho giáo dục địa phương. Thử hỏi bao nhiêu học sinh của trường chuyên đi thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, bao lâu nay chúng ta mặc định dùng con số ấy để đánh giá trường chuyên về thành tích. Vậy những học sinh còn lại ra sao, những tiêu chí khác sẽ như thế nào? Trường chuyên phải thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa chứ không phải nơi đào tạo "gà nòi". Tưởng rằng sau hơn 40 năm ra đời, mô hình "trường chuyên" (hay "trường năng khiếu") đã chứng minh được thành quả với các giải quốc gia, quốc tế. Thế nhưng, việc các em nên hay không nên chịu mọi áp lực để có bằng được "tấm vé" bước vào ngưỡng cửa trường chuyên vẫn còn phải bàn luận.

Còn nhớ, cách đây hai năm Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) từng gây sốc khi đưa ra đề xuất nên xóa bỏ mô hình trường chuyên bởi muốn tránh áp lực cho các em học sinh. Khi chúng ta còn đang tranh cãi đúng sai, nên hay không nên, duy trì, cải cách hay thay đổi, loại bỏ… thì con trẻ vẫn đang gian nan với gói xôi, cái bánh, hộp sữa uống vội và ba lô sách vở… điều ấy hẳn ai cũng biết. Thế nhưng, còn những cuộc đua khác âm thầm mà nếu không thật sự để tâm, các bậc phụ huynh sẽ những tưởng không phải việc của mình bởi nó vẫn âm thầm diễn ra từng ngày: Ai sẽ cùng các con bước vào cuộc sống công nghệ?

Những cuộc chạy đua của con trẻ -0
Những đứa trẻ và các cuộc chạy đua vào trường điểm, trường chuyên.

Có phụ huynh đã nói với tôi khi gặp anh tại quán ăn sáng ngày Chủ nhật. Anh bảo: "Liệu sau này đám trẻ sẽ còn kí ức gì sau cánh cửa mã QR không cậu nhỉ?". Thật ra, người trung trung tuổi có tâm lý ban đầu là lo lắng, ngần ngại về công nghệ. Nhưng, khi đã làm chủ được nó lại bị cuốn theo không kém gì những người trẻ.

Đi tìm câu trả lời về điều này, tôi bắt gặp một suy nghĩ của tác giả Nguyễn Quyết trên Báo Dân trí: "Dĩ nhiên sẽ hiếm có ai từ bỏ công nghệ để lựa chọn lối sống thời không có điện thoại và Internet. Nó là công cụ tốt tới mức khiến chúng ta dần lệ thuộc và rất khó để dứt ra. Giờ đây chúng ta có thể quên nhiều thứ khi ra đường song gần như không thể quên điện thoại. Vậy nhưng, ngay khi nghĩ về công nghệ nhiều nhất, nói về công nghệ nhiều nhất và vui vẻ tận hưởng sự tiến bộ của công nghệ, chẳng hạn như chuyện quét mã QR để mua xôi sáng, tôi vẫn dặn mình dừng lại một phút để suy ngẫm lựa chọn giữa công nghệ và cuộc sống thực".

Với một người trẻ, ranh giới "giữa công nghệ và cuộc sống thực" là cả một vấn đề. Con em của chúng ta đang phải chạy đua để tiếp cận nếu không muốn bị bỏ lại với chúng bạn. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Vì sao con đòi mua một chiếc smartphone? Có phải chúng đua đòi theo bè bạn hay chính là nỗi sợ hãi bị lạc hậu?

Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Rudolph Drex đã viết trong cuốn sách "Kids: Challenge" như thế này: "Bởi vậy, điều thực sự có hại cho trẻ không phải là điện thoại di động mà là mối quan hệ yếu kém giữa cha mẹ và con cái". Hơn bao giờ hết, khi hệ sinh thái số và đời sống thực đang đan xen, gắn kết, chúng ta càng phải nắm tay những đứa trẻ chặt hơn. Thay vì chỉ lo âu còn mình rơi vào cạm bẫy của cờ bạc, tệ nạn, bạn phải nhận ra nguy cơ đánh mất những đứa trẻ của mình bởi công nghệ.

Những cuộc chạy đua của con trẻ -0
Đưa trẻ con về trải nghiệm ở thôn quê liệu có phải là giải pháp hữu hiệu.

Nếu lướt qua các trang báo sẽ thấy có không ít bài viết kiểu như: "Con trẻ đủ đầy mà "cô đơn" chỉ vì chiếc điện thoại"; "Đừng đánh mất tuổi thơ của con cái chỉ vì chiếc điện thoại"; "Trẻ bị bỏ rơi ngay trong nhà vì bố mẹ mải xem điện thoại, tivi"… thay vào đó là những trend đưa con về trải nghiệm ở nông trại, quê ngoại… Nhưng theo người viết, đó chỉ là những giải pháp tình thế bởi trước sau gì, con em chúng ta cũng phải làm chủ công nghệ, khai thác các giá trị công nghệ cho học tập. Việc kéo con ra khỏi màn hình smartphone, ipad, laptop, ti vi liệu có hợp lý thay vì cùng còn tiếp cận, dạy con tiếp cận như ngày nào dạy con tập nói, tập đi… Bạn cũng đừng quên, thế hệ Gen Z đang là tương lai cho sự phát triển của kinh tế, công nghệ và đương nhiên là cả về mặt văn hóa.

Bà Rani Patel Williams, đối tác kết nối các thương hiệu như Google, Nike, Netflix và Depop từng nhận xét: "Những lớp người đầu tiên của thế hệ luôn là đại diện cho sự đổi thay và tiến bộ. Đặc biệt, những người thuộc Gen Z đang chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu và hơn 40% cơ sở khách hàng của ngành thời trang. Giá trị và niềm tin của họ đang định hình hành vi tiêu dùng hiện đại, dẫn đến nhu cầu lớn hơn về các sản phẩm bền vững, sự minh bạch trong hoạt động, kỳ vọng cao về giá trị và các phong trào xã hội, cũng như trải nghiệm trực tuyến tốt" (theo Minh Nguyệt- "Thế hệ Gen Z "nắm giữ" tương lai tiêu dùng"- vneconomy.vn).

Trẻ em đang đứng trước những cuộc chạy đua khác nhau mà không ít áp lực do chính chúng ta tạo ra. Hãy đứng từ phía trẻ, nhìn bằng đôi mắt của trẻ để thấy được những cái khó trong cuộc sống này để nhận ra: điều gì là thực sự cần thiết để chạy đua hay nó chỉ phù hợp với những tính toán trước mắt của chúng ta…

Lương Việt
.
.