Những chuyển động trong thời đại mới
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và NXB Giáo dục Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế".
Từ cái nhìn đa chiều
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và NXB Giáo dục Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế". Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động hướng tới Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và cũng là diễn đàn để giới nghiên cứu và giới sáng tác văn chương có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhau về những thành tựu và hạn chế của văn học nước nhà từ năm 1975 đến nay.
Hội nghị đã nhận được 43 tham luận của các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ vốn là lực lượng trực tiếp sáng tác với mong muốn mang đến cái nhìn đa chiều từ góc độ của người sáng tác đến người làm công tác lý luận - phê bình, để có thể vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và về xu thế của văn học Việt Nam trong một thời đại mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: "Hội nghị Lý luận, phê bình lần này sẽ mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước. Hội nghị một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của văn học Việt Nam 50 năm qua, đồng thời cũng là sự chào đón một thời đại mới của văn học Việt Nam như chúng ta từng chờ đợi...".
Văn học Việt Nam sau 1975 tồn tại và phát triển trong một bối cảnh lịch sử - văn hóa - xã hội mới. Cùng với công cuộc Đổi mới đất nước là đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 1980, tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng như Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Inrasara, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy…
Trong môi trường dân chủ được mở rộng, tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, văn học sau 1975 đã cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với các giá trị truyền thống bên cạnh nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Nhờ đó, văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật. Trong lĩnh vực lý luận - phê bình, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hóa lý luận, phê bình đã giúp cho đời sống lý luận - phê bình có sự đa dạng về thể loại và tiếng nói. Bên cạnh đó, vẫn có những "khoảng trống" trong lý luận - phê bình văn học cần được lấp đầy như: vùng văn học thời kỳ Hà Nội tạm chiếm (1948-1954), bộ phận văn học miền Nam (1954-1975), bộ phận văn học hải ngoại sau 1975...
Nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ băn khoăn khi đặt câu hỏi rằng: "Nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào về những gì nó đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua. Và chúng ta không thể không băn khoăn rằng, từ hôm nay văn học của chúng ta sẽ đi tiếp tới đâu, cần phải đi tiếp tới đâu, cách đi ra sao để chứng tỏ nội lực và sức vóc của dân tộc trong thời đại mới?...". Đây cũng chính là câu hỏi mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng đã đặt ra với đội ngũ lý luận phê - bình văn học: "Trong thời gian tới, các nhà lý luận phê bình của ta cũng cần phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu mới, lớn lao hơn nữa của thời đại mình…".
TS. Đỗ Hải Ninh - Viện Văn học: Khuyến khích người trẻ nhập cuộc và dấn thân!
- Thưa Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh, cũng khá lâu rồi chúng ta mới có một hội nghị mang tính học thuật về hoạt động lý luận - phê bình văn học. Theo chị, kỳ vọng về "một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và xu thế của văn học Việt Nam trong thời đại mới" như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói trong phát biểu khai mạc liệu có đạt được?
+ Theo quan sát của tôi thì những hoạt động mang tính học thuật về lý luận - phê bình văn học như các hội thảo, hội nghị, tọa đàm cũng diễn ra khá thường xuyên, nhưng một hội nghị quy mô như Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế" thì đúng như chị nói, là nhiều năm mới diễn ra một lần. Bởi vậy, kỳ vọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về "một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và xu thế của văn học Việt Nam trong thời đại mới" không chỉ là mong đợi của Ban tổ chức hội nghị mà của cả giới văn học.
Các tham luận trong hội nghị đã đề cập đến nhiều phương diện của văn học sau 50 năm thống nhất đất nước như: các chặng đường phát triển, đội ngũ sáng tác, các khuynh hướng và các thể loại, nhiều tham luận cũng chỉ ra những thành tựu và hạn chế của văn học thời gian qua. Các trao đổi, thảo luận tại hội nghị lần này cũng xới lên một số vấn đề đáng quan tâm hiện nay như: Vấn đề phát huy bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế; văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Hay những khoảng trống và thiếu hụt cần bổ khuyết của lý luận phê - bình và dịch thuật...
Tất nhiên, vẫn còn những vấn đề, những mảng văn học mà hội nghị còn chưa được bao quát hết, chẳng hạn như mảng văn học thiếu nhi, văn học của người Việt ở nước ngoài. Nhưng, như Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói, hội nghị này là sự kiện mở đầu cho các hoạt động tổng kết 50 năm văn học tiếp theo. Bởi vậy tôi nghĩ, đây là một bước khởi động cần thiết và tốt đẹp, để đến năm 2025 chúng ta sẽ có kết quả tổng kết đầy đủ hơn như kỳ vọng.
- Nhà phê bình Văn Giá trong tham luận của mình đã nói về "Mấy khoảng trống trong nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến nay". Theo đó, ông cho rằng đang có nhiều "khoảng trống" mà lý luận - phê bình văn học cần quan tâm để có những đánh giá chuẩn xác, công bằng như bộ phận văn học miền Nam (1954-1975), bộ phận văn học hải ngoại sau 1975. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
+ Tôi rất cảm ơn chị đã hỏi câu này vì tôi có nhiều điểm chia sẻ với tham luận của PGS.TS Văn Giá. Anh Văn Giá đã nói rất đúng về những "khoảng trống lý luận -phê bình văn học cần quan tâm để có những đánh giá chuẩn xác, công bằng như bộ phận văn học miền Nam (1954-1975), bộ phận văn học hải ngoại sau 1975" - những bộ phận vốn bị coi là "khu vực nhạy cảm đối" với giới nghiên cứu văn học.
Vừa qua, trong kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề ra nhiệm vụ Nghiên cứu di sản văn học, nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và hết sức có ý nghĩa, phù hợp với chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 là một khu vực cần được coi như một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này không đơn giản. Bởi thứ nhất, nguồn tư liệu, sách báo văn học miền Nam hiện nay vẫn đang thiếu rất nhiều; thứ hai, vẫn còn những khoảng cách, những định kiến ngay trong giới nghiên cứu và giới sáng tác về văn học khu vực này. Thời gian qua, Viện Văn học chúng tôi cũng có tiến hành một số nghiên cứu về văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Kết quả nghiên cứu cho thấy, văn học miền Nam trong 20 năm đã phát triển phong phú, đa dạng theo hướng hiện đại hóa, có những đóng góp đáng ghi nhận trong tiến trình hòa bình, thống nhất đất nước. Chúng tôi cũng cho rằng, cần khuyến khích nghiên cứu bộ phận văn học này trên tinh thần khách quan, khoa học, tránh định kiến, quy chụp.
- Có ý kiến cho rằng, phê bình văn học từ năm 2.000 trở lại đây chủ yếu ở dạng "phê bình báo chí" mà ít có những tác phẩm hoặc những cuộc tranh luận mang tính học thuật. Theo chị, nguyên nhân của vấn đề này là do đâu? Có phải hiện nay rất ít người, đặc biệt là người trẻ theo đuổi lý luận - phê bình văn học? Hay đời sống văn chương của chúng ta quá bình yên nên không nảy ra những cuộc tranh luận đáng chú ý?
+ Tôi nhận thấy từ đầu thế kỷ XXI đến nay có không ít những cuộc tranh luận văn chương đáng chú ý. Ví dụ gần đây nhất là tranh luận về việc tiếp nhận tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vuong. Có thể cuộc tranh luận chỉ diễn ra ở dạng "phê bình báo chí", nhưng đặt ra những vấn đề học thuật đáng suy ngẫm: vấn đề đọc và cảm thụ tác phẩm văn chương ở nhà trường, vấn đề văn học di dân qua trường hợp nhà văn Mỹ gốc Việt Ocean Vuong, vấn đề giới (cả về giới tính và giới trẻ) trong văn chương... Đúng là do đặc thù của thời đại công nghệ, những tranh luận này được khơi nguồn trên mạng xã hội và diễn ra sôi nổi chủ yếu trên mạng xã hội, tôi nghĩ đây cũng là xu hướng tất yếu trong môi trường số hóa hiện nay.
Nhưng câu hỏi của chị cũng khiến tôi nghĩ đến một vấn đề khác nữa, đó là thái độ ngại va chạm, ngại lên tiếng của giới nghiên cứu, phê bình. Điều đó có nguyên nhân một phần là do văn hóa đối thoại đang có xu hướng trở thành phê bình quy chụp, nhất là "đấu tố" trên mạng xã hội quả thật rất đáng sợ! Đời sống văn chương hiện nay nói là quá bình yên thì không đúng, tôi quan sát thấy những chuyển động ở rất nhiều phương diện, nhưng đúng là vẫn thiếu những hiện tượng "phá cách" mạnh mẽ để tạo nên những cú hích lớn như trước đây Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh đã từng tạo nên. Còn theo quan sát của tôi thì những người trẻ theo đuổi lý luận phê bình hiện nay tuy không thực sự đông đảo, nhưng họ được đào tạo khá bài bản, có năng lực nghiên cứu, thông thạo ngoại ngữ, họ cần được khuyến khích nhập cuộc và dấn thân hơn nữa, để tham dự vào đời sống phê bình văn học sâu hơn và nhanh hơn.
- Trong hoạt động chuyên môn của mình, Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh là một cây bút phê bình rất quan tâm đến vấn đề đổi mới nghệ thuật của tiểu thuyết. Chị có thể tổng kết ngắn gọn xem các tác giả viết tiểu thuyết từ sau năm 1975 đến nay đã đạt được những thành tựu đổi mới như thế nào?
+ Trong tham luận khá dài của mình, tôi cũng đã trình bày tương đối kỹ về những thành tựu của tiểu thuyết từ sau năm 1975, về cơ bản có thể thấy tiểu thuyết vận động theo hướng từ sự mở rộng phạm vi đề tài đến sự đa dạng hóa bút pháp, phong cách nghệ thuật. Xuất phát từ nhu cầu của thời đại mới, tiểu thuyết quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cái tôi cá nhân, đến con người trong tồn tại của chính nó bao gồm cả tính dục và tâm linh, sự tha hóa và cao thượng, cái ác và cái đẹp…
Tiểu thuyết hướng tới cách tân nghệ thuật với sự phong phú hình thức như bút pháp kỳ ảo, trào lộng, giễu nhại, những thủ pháp cắt dán, phân mảnh, đồng hiện, dòng ý thức… Sự dân chủ hóa kích thích cá tính sáng tạo đem lại những sắc thái mới cho tiểu thuyết như: xuất hiện cái hài hước, tiếng cười mỉa mai châm biếm, sự miêu tả tình dục, con người bản năng nhiều cung bậc, ngôn ngữ suồng sã, đời thường...
Tôi cũng muốn nhấn mạnh sự hiện diện của nhiều cây bút trong nước và hải ngoại, các cây bút dân tộc thiểu số, là một thành tựu rất lớn của văn học sau ngày thống nhất đất nước. Điều đó cho thấy rõ, văn học Việt Nam là một thể thống nhất bao gồm các thế hệ tiếp nối, các dân tộc, vùng miền và các không gian khác nhau nhưng cùng viết bằng tiếng Việt và đều mong muốn hướng tới sự phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
- Xin cảm ơn chị!
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương: Ngăn chặn kịp thời lối phê bình gây nhiễu loạn
Nhìn một cách tổng thể, đội ngũ lý luận phê bình văn học của ta khá đông đảo, có sự đồng hành của nhiều thế hệ cầm bút trong nước và người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh các nhà lý luận phê bình lâu năm đã tạo dựng được uy tín học thuật như Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Hạnh, Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc, Hoàng Trinh, Phương Lựu... đã có sự đóng góp quý báu của các nhà lý luận phê bình thế hệ 5X, 6X, 7X và sự mới mẻ của thế hệ sinh trưởng và cầm bút sau năm 1986.
Phần lớn các nhà lý luận phê bình nước ta là những người gắn bó, tâm huyết với văn học dân tộc, có ý thức đổi mới về nhận thức, quan niệm và cách thức kiến tạo diễn ngôn lý luận phê bình. Đời sống lý luận phê bình văn học đương đại cũng ghi nhận đóng góp đáng chú ý của nhiều cây bút nữ và những nhà phê bình văn học đến từ các dân tộc thiểu số. Mỗi thế hệ các nhà lý luận phê bình đều nỗ lực đem đến cho đời sống lý luận phê bình văn học những tiếng nói giàu phẩm tính khoa học, vừa in đậm dấu ấn thế hệ, vừa thể hiện dấu ấn cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đã đạt được, lý luận phê bình văn học sau năm 1975 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Mặc dù số lượng, đội ngũ lý luận phê bình văn học khá đông đảo nhưng còn hạn chế về năng lực và trình độ, đặc biệt là khả năng cập nhật thành tựu mới của khoa học, xã hội và nhân văn hiện đại. Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, ở các đô thị lớn nhưng thưa vắng, thậm chí "trắng địa bàn" ở các địa phương xa trung tâm.
Việc giới thiệu ra các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống. Tình trạng phê bình "cánh hẩu", "thù tạc" hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, truyền thông, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng cần được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời, vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc.
Bên cạnh đó, tinh thần đối thoại chưa được phát huy triệt để trong các sinh hoạt học thuật như: văn hóa tranh luận nhiều lúc bị vi phạm; hiện tượng quy chụp, "bỏ bóng đá người" vẫn chưa chấm dứt. Không ít cây bút lý luận phê bình bỏ nghề vì "tai nạn nghề nghiệp" hoặc bị chụp mũ một cách phi lý...
PGS.TS Văn Giá: Cần quan tâm đến văn học hải ngoại sau năm 1975
Những năm gần đây, do đã có chuyển biến trong nhận thức và thái độ, cộng với sự thuận lợi trong tiếp cận, trao đổi tài liệu nhờ công nghệ Internet nên khá nhiều tác phẩm sáng tác lẫn nghiên cứu lý luận - phê bình của các nhà văn Việt Nam đang sống và viết ở nước ngoài được xuất bản theo cả con đường chính thống và tự do. Đây là khu vực văn học khá phức tạp, có tính phân loại cao, đa dạng từ nhiều nguồn, với số lượng khá lớn cả tác giả và tác phẩm.
Hiện nay, cũng đã có một số công trình nghiên cứu về văn học hải ngoại ở các cấp đào tạo ngữ văn bậc đại học và cũng đã có một số công trình nghiên cứu của tác giả trong nước đã xuất bản. Đã có một số tiểu luận của các nhà nghiên cứu trong nước về văn học hải ngoại. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều công trình mang tính chuyên luận để công nghiên cứu một cách có hệ thống về khu vực văn học này. Cuốn chuyên luận "Văn học di dân - Phác thảo diện mạo nữ nhà văn Việt Nam tại Hoa Kỳ" (NXB Phụ nữ, 2019) của tác giả Trần Lê Hoa Tranh được xem như là một thành tựu đầu tiên nghiên cứu về bộ phận văn học này đáng được ghi nhận.
Có thể nói, đây là một khu vực văn học khá rộng, bề bộn, việc nhận diện đang còn chưa rõ ràng, ngay cả tên gọi cũng chưa thống nhất với các cách gọi khác nhau như "Văn học hải ngoại", "Văn học di dân"... Chính vì thế, khu vực văn học hải ngoại đang rất cần được giới nghiên cứu lý luận - phê bình quan tâm và bổ khuyết.