Những “anh hùng” thời COVID

Thứ Năm, 02/09/2021, 18:11

Vào những ngày cuối tháng 8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, số người nhiễm COVI D-19 ở Việt Nam mỗi ngày gần 13.000 ca, tập trung đông nhất ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Tính từ đầu dịch cho đến thời điểm ngày 29/8, Việt Nam có 435.265 ca nhiễm. Trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận mỗi ngày trên 300 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 29/8 là 10.749 ca.

Đã có không ít những hình ảnh được chia sẻ của các nhóm thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng hôm nay diễn đàn Văn nghệ Công an muốn chia sẻ và vinh danh những tấm lòng đã, đang dồn tất cả tâm sức cho việc làm thiện nguyện chia sẻ với đội ngũ y tế và giúp đỡ người dân ở vùng tâm dịch. Trong đó có những người đã ngã xuống vì COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ thiện nguyện. Chúng tôi gọi họ là những “Anh hùng bất tử” giữa tâm dịch. Tấm lòng họ sáng mãi trong lòng dân.

Đó là những tấm gương hi sinh của anh Vũ Quốc Cường (Cường “béo”); ca sĩ Phi Nhung, nhóm “Mai táng 0 đồng Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự”, nhóm “Oxy Sài Gòn miễn phí” do Phạm Phương Linh sáng lập.  Họ chính là những bông sen tỏa hương giữa tâm dịch mang lại may mắn, an ủi cho những nạn nhân COVID-19.

Những “anh hùng” thời COVID  -0
Nhóm “Oxy Sài Gòn miễn phí” cùng chung tay dập dịch.

Tấm lòng của “Oxy Sài Gòn miễn phí”

Ngoài nhà máy Oxy miễn phí quy mô lớn của vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng ở Bình Dương cung cấp oxy miễn phí cho các bệnh viện lớn đang điều trị COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi muốn đề cập đến một số các nhóm thiện nguyện tự phát của các bạn trẻ, trong đó có nhóm “Oxy Sài Gòn miễn phí” do bạn Phạm Phương Linh làm chủ.

Linh kể với chúng tôi: “Cơ duyên ban đầu mình thành lập nhóm “Oxy Sài Gòn miễn phí” là qua mạng xã hội, mình được biết bác sĩ Trần Thanh Nhân, Bệnh viện Bình dân tư vấn online và biết bệnh nhân ở đâu cần oxy thì bác sẽ mang đến cho bệnh nhân. Mình gọi điện nói chuyện với bác với mong muốn chuyển tiền ủng hộ. Bác bảo bác không cần tiền nhưng nếu cháu có bình oxy thì giúp bác đưa thẳng đến nhà bệnh nhân. Hiện nay bác bị quá tải rồi. Trước đó mình đã mua được 6 máy thở cho bệnh viện dã chiến. Từ nhỏ mình đã bị hen xuyễn nên mình hiểu oxy giá trị thế nào với người bệnh. Thế nên mình quyết tâm thành lập trạm oxy miễn phí cho bệnh nhân nguy cấp.

Khi thấy mình mua đến hơn 800 bình oxy, gia đình mình có người bảo: “Trời ơi, làm từ thiện gì cả tiền tỉ thế, định khoe tiền à?!”. Những người khác trong gia đình thì nói: “Thôi trong cuộc đời kiếm tiền thì cả đời nhưng cơ hội để cứu sống người chỉ có giây phút này thôi”. Mình nghĩ rằng có thể ông trời cho mình cơ hội này để giúp mọi người. Có thể ông trời biết mình là người có thể chi phần lớn gia sản của mình để làm từ thiện. Mình cũng không phải giàu có gì cả, nhưng mình không thể thấy chết mà không cứu.

Những “anh hùng” thời COVID  -0
Tình nguyện viên của nhóm “Oxy Sài Gòn miễn phí” đưa bình cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Nhóm của mình sau khi lên YouTube thì có rất nhiều người được truyền cảm hứng, và rất nhiều người đã xin tham gia vào đội thiện nguyện. Cảm động nhất là có một đôi vợ chồng trẻ, người vợ bị mắc COVID -19 khi mang thai ở tháng thứ 8, nhóm mình mang ôxy đến nhưng sau một thời gian cứu chữa thì người vợ và thai nhi không qua khỏi. Người chồng vô cùng đau khổ và anh đã tham gia vào nhóm làm tình nguyện viên đi ship bình.

Hiện giờ có 60 anh em tài xế lái xe làm việc 24/24h chạy cả ngày cả đêm đưa bình oxy đến từng bệnh nhân. Từ khi nhóm chúng mình được đông đảo cộng đồng mạng chú ý thì có một số Mạnh Thường Quân ủng hộ nhóm khoảng hơn 200 triệu đồng, song cũng không thấm vào đâu so với Oxy Sài Gòn đã bỏ tiền ra. Chúng mình rất mong các bạn chung tay không chỉ với Oxy Sài Gòn mà với các nhóm thiện nguyện khác cung cấp cho các trạm y tế phường... cung cấp bóng thở để cấp cứu cho những bệnh nhân COVID-19.

Nhóm mình trực chiến 24/24h. Gia đình bệnh nhân gọi cần oxy cho bệnh nhân nặng thì nhóm mình chạy đi đưa luôn, xong rồi thu bình, tìm tình nguyện viên mới, chạy xin các loại giấy tờ để đi lại. Nhóm chia ra nhiều đội, đội  đi phát thuốc, đội thay bình cho các trạm y tế, đội đi lắp bình oxy lỏng cho các bệnh viện dã chiến.

Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, mình phải nâng cấp lượng oxy cho bệnh viện. Mình thuê được 60 bình oxy lỏng để cung cấp oxy cho 4 bệnh viện dã chiến và các khu cách ly. 1 bình oxy lỏng bằng 25 bình oxy to bình thường. Mỗi một bệnh viện và khu cách ly, Oxy Sài Gòn chúng mình cố gắng đưa đến từ 2-3 bình lỏng. Mình thuê và đặt cọc bình oxy đấy cho khu cách ly, hết dịch thì lại ôm bình về. Tuỳ từng liều lượng của bệnh nhân mà mình lắp hệ thống dây thở van thở, đồng hồ thở cho khoảng 50 đến 150 giường/bệnh viện. Oxy Sài Gòn cũng chỉ có đủ bình để đưa đến điểm nóng các phường của quận 4, quận 6, quận 8, quận Bình Chánh, Bình Tân.

Nhóm mình giúp nhân viên y tế nạp oxy, đưa thuốc đến các trạm y tế  giúp nhiều F0 tự chữa ở nhà, đỡ được bệnh Covid mà không cần phải đến bệnh viện điều trị, giảm tải cho bệnh viện. Tuy nhiên Oxy Sài Gòn miễn phí không phải lúc nào cũng đủ bình. Bệnh nhân đông, bị quá tải. Có những người bệnh trở nặng không gọi được xe cứu thương, chưa đến được bệnh viện, nhóm mình bê bình oxy đến nhà thì cho dù không cứu được họ nhưng khi lắp máy thở có ôxy thì bệnh nhân ra đi được nhẹ nhàng, không quá đau đớn vật vã và có sự ấm lòng đối với gia đình của người bệnh.

Những cái chết hóa thành bất tử

Dịch COVID-19 ập đến mang theo sự đói nghèo và chết chóc, bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh chia lìa, bao nhiêu cơ sở hoạt động bị đóng cửa, những con người bị thất nghiệp sống dật dờ, lay lắt qua ngày bữa no bữa đói. Đó là những cảnh tượng không xa lạ gì ở nhiều quốc gia và ngay cả tại Việt Nam suốt hàng tháng qua. Nhưng, cũng chính trong lúc này mới thấy được tinh thần đoàn kết của một dân tộc bé nhỏ nhưng anh hùng và kiên cường, đã biết bao nhiêu hội nhóm đoàn thể và cá nhân làm công tác thiện nguyện.

Họ tự cùng nhau bỏ tiền túi nấu những bữa ăn mang đến tận nơi cho vùng dã chiến - vùng mà ai phải có tấm lòng dũng cảm, sự hi sinh cao cả mới có thể bước vào, bởi nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Vậy mà, những con người đó đã không tiếc công, tiếc của và cả tính mạng của mình để sẵn sàng chia từng phần cơm cho những hoàn cảnh khó khăn.

Hình ảnh của anh chủ quán cơm chay thiện nguyện Vũ Quốc Cường đưa từng suất ăn đến cho người nghèo trước khi anh mất có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Hồi mới đầu dịch anh bán có 5.000 đồng/suất cơm chay, nhưng sau thấy nhiều bà con đói khổ quá, vậy là cả nhà quyết định phát cơm chay hoàn toàn miễn phí. Cả gia đình anh cùng bạn bè vẫn đưa những phần ăn ấm áp nghĩa tình đến những khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Trước khi anh mất được nửa tháng thì mẹ anh cũng mắc COVID-19.

Ngày 16/8 anh Cường phát hiện mắc COVID-19 sau 2 tháng tích cực công việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo. Ngay sau khi nhận được tin anh Cường mất vào ngày 22/8, cùng ngày Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chia buồn đến chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (vợ anh Cường):

"Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.

Với lẽ đó tôi mong chị cùng với các cháu và gia đình ta lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình. Sự ra đi của anh Cường không chỉ là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hình ảnh kiên cường, tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn, mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự, dấn thân vì cộng đồng, về tinh thần Việt Nam.Và tôi càng thêm xúc động khi một cháu là con của anh, chị cũng đang tham gia tuyến đầu chống dịch".

Hiện nay, bản thân chị Lan vợ anh và 3 người trong gia đình đang mắc COVID-19 nhưng chị đã âm tính trở lại. Sau sự ra đi của anh, chị và những người gia đình cùng anh em bạn bè vẫn miệt mài làm tiếp công việc mà tâm nguyện trước đây khi anh còn sống, khi anh mắc covid chưa biết tính mạng ra sao vẫn dặn dò các cộng sự hãy cố gắng hết sức tiếp tục công tác thiện nguyện mang cơm đến cho người đang bị nạn trong vùng dịch.

Nữ ca sĩ Phi Nhung lẽ ra bay về Mỹ vào tháng 8 dể làm show quyên góp tiền từ thiện về Việt Nam chống dịch, nhưng chị đã nán lại tham gia công tác thiện nguyện trao máy thở cho bệnh viện dã chiến và trao lương thực cho bà con trong vùng tâm dịch. Mặc dù chưa được tiêm vaccine nhưng chị tình nguyện đến với bà con ở vùng nguy cơ cao.

Chị bị nhiễm COVID-19 khi đi làm thiện nguyện và được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng rất nặng, phải lọc máu chạy máy thở khiến nhiều người rưng rưng rơi lệ và đang ngày đêm cầu nguyện cho chị khỏi bệnh. Đã, đang và còn tiếp những tấm gương sáng ngời về lòng nhân hậu thương người như thể thương thân, và một ý chí thép, tinh thần đại đoàn kết yêu thương của cả một dân tộc cần lao. Thật đáng trân trọng biết bao.

“Nhóm mai táng 0 đồng” - Thay gia đình lo hậu sự cho người đã khuất

Cả tháng nay làm công việc ''mai táng 0 đồng'' cho những bệnh nhân tử vong vì COVID- 19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh,  nỗi đau tưởng như đã được nén chặt trong trái tim bé nhỏ của người phụ nữ - Giang Thị Kim Cúc khi hằng ngày tiếp xúc với những người vừa giã từ trần thế, chị Cúc và cộng sự đã giúp gia đình làm công tác khâm liệm, rồi đưa họ đi hoả táng. Bao nhiêu số phận, bao nhiêu cảnh đời, nhiều, nhiều lắm... nỗi đau đấy như khối hoá học được nhốt chặt trong lồng ngực, chị gạt nước mắt vào trong để còn vững vàng đứng ra lo liệu cho những bệnh nhân khác.

Nhưng, có cuộc điện thoại làm chị đau mãi tận bây giờ, mà thực ra từ đầu dịch đến giờ, những cơn đau ấy đã bao gờ vơi bớt đâu. Chị kể rằng sau cuộc điện thoại ấy, chị nói với gia đình: Chị đi đón “con” đây. Đấy là một bé gái vừa cất tiếng khóc chào đời, hai mẹ con còn chưa kịp được gặp nhau, sau mấy ngày vật lộn với con virus covid thì thiên thần bé nhỏ đã ra đi. Trước khi đi đón bé, chị đăng vội dòng tin vẻn vẻn trên Facebook cá nhân: “Ai có quần áo mới màu trắng của trẻ sơ sinh không, thì trên đường mình sẽ đi qua lấy”. 

Những “anh hùng” thời COVID  -0
Nhóm Mai táng 0 đồng Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự luôn trực chiến 24/24h.

Chị vội vàng cùng các đồng sự tất tả lên đường đến Trường Đại học Y Dược quận 5, chị tắm rồi thay bộ đồ màu hồng xinh xắn cho bé, xong xuôi chị lặng lẽ đặt bé vào túi chuyên dụng cho trẻ nhỏ mất vì dịch covid. Mọi người cùng nhau ôm bé ra xe, chiếc quan tài nhỏ đã đợi sẵn. Ngoài trời mưa lất phất, mọi người ngồi trên xe không thể nói được câu nào. Ôtô cứu thương đưa bé đến container được tập kết ở chỗ khác, mà ở đó trên xe là những người xấu số nạn nhân của COVID-19.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn chị Giang Thị Kim Cúc vào lúc 0h. Đấy là sau một ngày dài chị và các đồng sự tất bật với việc khâm liệm hàng chục ca tử vong vì COVID-19.

-  Cả tháng qua trên mạng xã hội, cái tên “Nhóm mai táng 0 đồng của Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự” cùng với một loạt clip ghi lại những hình ảnh xúc động gây “bão” mạng, khiến cho hàng trăm nghìn lượt người ủng hộ (like), cùng với hàng nghìn commen (bình luận). Điều gì đã khiến cho một người phụ nữ bé nhỏ như chị lại có thể mạnh mẽ làm được những việc khó như vậy?

+ Cách đây hơn một tháng tôi là F1 vì tiếp xúc với nhiều F0 nên phải về cách ly ở Bình Phước 14 ngày. Trong những ngày ở khu cách ly, tôi hay tin bà ngoại mất vì COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, nhưng vì mình đang ở khu cách ly làm sao có thể về với bà được nên chị làm bàn thờ vọng. Mẹ ruột cũng bị nhiễm COVID-19 đang phải thở oxy. Lúc này đang vào những ngày cuối tháng 7, số ca nhiễm ở TP Hồ Chí Minh tăng cao kỷ lục. Số người mất vì COVID-19 ngày càng nhiều, công việc mai táng quá khó khăn, nhiều dịch vụ mai tang đòi một ca từ 40 - 45 triệu đồng.

Ở Sài Gòn có nhiều khu lao động nghèo, không phải gia đình nào cũng có tiền để làm đám. Nhiều người hoang mang lắm. Bà ngoại ở quận Bình Thạch ở TP Hồ Chí Minh. đến cái hòm mà còn không có. Bản thân tôi phải gọi điện cho các nhóm hỗ trợ đám ma của bà ngoại được giảm xuống còn 25 triệu đồng. Lúc đấy mình xem thời sự thấy xót xa và nóng ruột lắm rồi, trong đầu chỉ có một ý niệm: “Tôi mà ra khỏi khu cách ly, về TP Hồ Chí Minh tôi sẽ hết sức phụng sự bà con, làm mai táng 0 đồng”. Nhóm thiện nguyện toàn là mấy em sinh viên, mấy chị phụ nữ bán đồ ngoài chợ, cộng thêm được vài ông chủ ở xưởng, nhờ sư thầy Pháp Minh chùa Bình Chánh quy tụ.  Ban đầu không ai biết nghi thức mai táng, tất cả lại phải cùng nhau đi học, đi hỏi những người có kinh nghiệm mai táng.

- Vậy là ngay sau khi hết thời hạn ở khu cách ly về TP Hồ Chí Minh chị đã làm công việc này luôn. Lịch làm việc một ngày ở nhóm của chị như thế nào?

+ Mới đầu tôi chở xe cứu thương 0 đồng, đưa bệnh nhân nặng từ quê Bình Phước về TP Hồ Chí Minh với quãng đường dài 150km. Hôm nào chạy ít được 2 chuyến, ngày chạy nhiều được 3 chuyến. Mới đầu chỉ có tôi cầm lái, mệt muốn chết, hôm nào có tình nguyện viên thì khoẻ. Công việc thiện nguyện có ý nghĩa này lan toả nhanh chóng trong cộng đồng, cho đến nay nhóm đã mua và huy động được 15 xe cứu thương, cùng với một số container đơ đông lạnh, giường tầng. Một container chở được 60 xác người. Chúng tôi xác định các anh chị Công an là tuyến đầu, nhóm của Giang Kim Cúc là nhóm cuối, đưa bệnh nhân tử vong vì COVID-19 về nơi vĩnh hằng.

Nhóm hiện có 70 người chia làm 3 đội đóng quân  ở ba quận: Bình Chánh, quận 10, quận 12. Đội 1 công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Đội 2 từ 2 giờ chiều cho tới 1 giờ khuya. Đội 3 từ 9 giờ tối cho tới 5 giờ sáng. Họ chủ yếu khâm liệm cho bệnh nhân mất vì COVID-19 tại các bệnh viện và tại nhà riêng. Còn số các bạn trẻ thì trực tại văn phòng, trực hotline nghe thông tin để điều xe. Nhóm cũng tặng đồ bảo hộ cho y bác sĩ tuyến đầu, ở mấy bệnh viện dã chiến như Chợ Rẫy, Chương Dương, Thu Dung, cùng với các trạm y tế tại các quận khác trong thành phố.

- Những clip của nhóm chị luôn có sức lan toả mạnh mẽ tình yêu thương trong cộng đồng, và qua đấy cũng thấy tinh thần đoàn kết của dân tộc ta trong thời khắc quyết liệt của lịch sử khi dân tộc lâm nguy trước dịch bệnh. Cuộc chiến không tiếng súng này đã gây ra những tổn thất, mất mát, nỗi đau mà phải rất lâu sau chúng ta không dễ gì quên đi được.

+ Tôi sẽ kể cho bạn nghe hai câu chuyện nhé, không phải đâu xa đâu, một bạn tình nguyện viên ngay trong nhóm của mình thôi. Cách đây một tuần trong điện thoại mình có một tin nhắn: “Chị ơi, em muốn đi phụng sự cùng chị, em mất hết rồi, em mồ côi thật rồi. Chị cho em đi theo phụng sự với, bây giờ em rất cô đơn”. Đấy là Tuyết Nhi sinh năm 2001 trong vòng một tuần lễ mà trong nhà có 6 người chết vì COVID-19: Ông, bà, bố, mẹ, chị gái, cô ruột. Con bé gặp mình, nó ôm mình, chả nói được câu nào, oà khóc.

Câu chuyện thứ hai cũng của thành viên nhóm chứ không nói ai xa lạ.

Hai mẹ con giận nhau, con bỏ đi về sống ở Hồng Bàng. Sau khi con đi được nửa tháng, mẹ ở nhà nhiễm covid, được đưa vào khu cách ly - bệnh viện dã chiến số 2 Thu Dung. Con bé hối hận nhưng không quay về thăm mẹ được nữa. Ít ngày sau nó được tin bệnh viện báo: “Mẹ em chết ở trong bệnh viện rồi”. Nó năn nỉ tôi 2 ngày trời: “Chị đi tìm mẹ cho em với”. Một ngày nhóm tôi đi liệm mấy chục người thì làm sao tôi tìm mẹ cho nó được. Nó khóc quá, tôi cũng ráng đi. Anh em gia đình phải lập bàn thờ ở bên ngoài.

Vào tới bệnh viện đưa xác mẹ nó lên xe chở về rồi, nó kêu: “Chị Cúc ơi, em lạy chị, chị kéo túi tử thi cho em thấy mặt xem có phải mẹ em không?”. Nó nói: “Chị ơi, chị xin lỗi mẹ em giùm em nghe chị, mai mốt em không bao giờ như vầy nữa, em hối hận cả đời chị ơi”. Nó giận mẹ, cãi lộn rồi bỏ đi, mẹ nó mất nó có kịp xin lỗi đâu.  Nó kêu mình xin lỗi giùm cho nó. Đau xót lắm. Thế nên khi làm công việc mai táng cho người bị mất vì COVID-19 tôi luôn đặt mình vào trường hợp thay mặt người con lo cho cha cho mẹ, người thân những bước đi cuối cùng.

Nghĩa tử là nghĩa tận mà em. Em bé mất sớm thì mình đại diện là ba là mẹ, mình đưa tiễn con đi. Có những người lớn tuổi chết thì mình đại diện là con, là cháu mình đưa đi. Mình chỉ muốn lúc này nêu cao tinh thần yêu nước, đồng bào đoàn kết yêu thương nhau để bớt đi những đau thương.

- Công việc của chị và các công sự không phải ai cũng đủ dũng cảm và tình yêu thương để làm, chị muốn nhắn nhủ gì với mọi người nữa không?

+ COVID-19 đã cướp đi không ít sinh mệnh của cả người già, thanh niên và trẻ nhỏ. Có những người mất tại bệnh viện thì bệnh viện gọi cho người nhà, người nhà lại gọi cho nhóm chị nhờ giúp đỡ rước xác ở bệnh viện mang đi hỏa thiêu. Những việc chúng mình làm đã lan toả trong cộng đồng nên nhiều Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho nhóm, mới thấy ấm áp, đùm bọc nghĩa tình của người dân Việt trong nước và cả những người Việt xa xứ hướng về quê hương trong lúc quê hương lâm nạn. Đến nay quỹ mai táng 0 đồng ngoài việc đưa người mất đi an táng, còn có thể hỗ trợ mỗi gia đình có thân nhân mất vì COVID-19  5 triệu đồng. Việc này tuỳ duyên, mình nhận được cuộc gọi thì mình cho chứ mình không thể cho hết được. Phải ráng kêu gọi, gồng mình lên. Nhóm “Mai táng 0 đồng” đã phát cho các gia đình có người mất vì COVID-19 1 tỷ rồi. Mình muốn nhắn gửi với mọi người rằng: tiền tài, vật chất, địa vị, cái dịch này có thể mất hết, kể cả mất mạng nhưng cái giá trị tình người thì giữ mãi. Cuộc chiến này không dễ gì hết trong một sớm một chiều, mình muốn 63 tỉnh thành thì sẽ có 63 nhóm người như nhóm của mình, làm thiện nguyện... Mai mốt đỡ dịch rồi, chúng mình đã xin với sư thầy xây tháp cho những người vô gia cư bị mất về COVID-19.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.