Nhớ câu “nhập gia tùy tục”

Thứ Tư, 05/10/2022, 20:15

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng được một phen “cười té ghế” đúng nghĩa khi xem đoạn video giới thiệu các thí sinh tham dự Miss Grand Việt Nam 2022. Những tiếng hô chói tai đã được thể hiện qua đầy đủ các âm sắc của các tỉnh, thành và ngoài tiếng cười để lại, chúng còn khiến người xem không khỏi băn khoăn với câu hỏi “Tại sao lại phải gào to đến thế?”.

Trước màn giới thiệu của các thí sinh Việt Nam, thực tế trên mạng xã hội đã lan truyền đoạn video cách giới thiệu tương tự của các thí sinh ở Miss Grand Cambodia. Điều đó khiến nhiều người suy luận rằng đây là một cách giới thiệu đặc trưng của Miss Grand và rất có khả năng, ở chung cuộc Miss Grand International, các thí sinh đến từ các quốc gia cũng sẽ phải gào to tên Tổ quốc mình theo một cách hào hứng thái quá như thế.

miss_grand_vietnam_46_copy_8655-1665325689981.jpeg

Tuy nhiên, chuyện tự giới thiệu một cách ồn ào như vậy ở Miss Grand International vẫn còn đang là đáp án bỏ ngỏ khi cuộc thi ấy vẫn chưa diễn ra và Ban tổ chức hoàn toàn có thể loại bỏ cách giới thiệu kỳ dị này. Còn lúc này, khi Miss Grand đang còn ở cấp quốc gia, phần giới thiệu giật mình đã để đọng lại không ít suy nghĩ về chuyện lớn hơn, chuyện nhập gia tuỳ tục.

Vẫn biết, khi tổ chức một cuộc thi theo một công thức quốc tế, các Ban tổ chức cấp cơ sở sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt luật chơi chung bao trùm. Song, luật chơi chung bao trùm không đồng nghĩa là phải cứng nhắc 100% tất cả những gì được vạch ra sẵn mà vốn dĩ nếu có thay đổi nó thì cũng không ảnh hưởng quá lớn đến cả chương trình.

Cụ thể là ở Miss Grand Việt Nam 2022, Ban tổ chức phía Việt Nam có thể phải tuân thủ nguyên tắc các vòng thi, nguyên tắc lựa chọn đầu vào thí sinh, các tiêu chí tính điểm, thành phần ban giám khảo vv và vv nhưng không nên nhất nhất phải bê nguyên xi cả phần chào giới thiệu đầy “kinh ngạc” xen lẫn cả “kinh hoàng”.

Người phụ nữ Việt Nam thực tế vẫn được nhìn nhận, đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh”. Và cho dù tính hiện đại của thời đại có phổ cập đến mấy đi nữa thì 4 tiêu chuẩn kể trên cũng chưa bao giờ mâu thuẫn với tính thời đại.

Chúng ta vẫn hàng ngày nhìn thấy rất nhiều phụ nữ Việt cực kỳ năng động, cực kỳ thời thượng nhưng nét “công, dung, ngôn, hạnh” truyền thống lại không bị pha loãng. Một khi lựa chọn một gương mặt nữ tiêu biểu cho Việt Nam từ một cuộc thi hoa hậu như Miss Grand để “đem chuông đi đánh xứ người” ở đấu trường quốc tế, lẽ ra cái chất Việt nền nã ấy càng nên được tô đậm hơn thay vì bị pha loãng như bất kỳ một thí sinh đến từ bất kỳ quốc gia nào khác.

Và cái cảnh một phụ nữ Việt hô lên “Hello Miss Grand, I am ABC from Việt Việt Việt Nam Nam Nam” với âm sắc, cường độ đủ sức “công phá” bất kỳ đôi tai kiên nhẫn nào sẽ chỉ khiến người phụ nữ tiêu biểu ấy trở nên phản cảm không hơn không kém. Lỗi không nằm ở cô gái gào vang tên mình và địa phương của mình. Lỗi nằm ở chính những người trong Ban tổ chức đã không đủ sức mạnh để đòi hỏi đơn vị nắm bản quyền cuộc thi phải thoả hiệp một cách chuẩn mực đúng nghĩa “nhập gia tuỳ tục”.

Các thí sinh Miss Grand Việt Nam 2022 rất duyên dáng, xinh đẹp và họ lẽ ra không nên bị mang ra làm trò cười theo cách áp dụng cứng nhắc “công thức chung” như vậy. Chính sự dễ dãi của Ban tổ chức mới thể hiện sự thiếu tự trọng của mình khi tham gia hội nhập với khu vực. Chúng ta vẫn hay nói về bản sắc và có thể nói, chính lối chào sân nổi da gà này mới là ví dụ điển hình nhất của việc đánh mất bản sắc và thiếu trân trọng người phụ nữ Việt với vẻ đẹp thuần Việt của mình.

Văn  Đoàn
.
.