Nhìn ra phía trước mà bước!

Thứ Năm, 07/10/2021, 13:00

Liên tiếp từ 17h hôm trước đến 17 giờ hôm sau của các ngày từ 30-9 đến 3-10, tổng số ca nhiễm COVID-19 mới của toàn quốc lần lượt là các con số: 6.957, 5.490, 5.376.

Có ngày giảm nhiều, có ngày giảm ít, nhưng nếu vẫn tiếp tục như thế thì rõ ràng chúng ta đã đi qua đỉnh dịch, cho dù số ca nhiễm vẫn còn cao và cũng không ai dám chắc COVID-19 sẽ không quay lại với những diễn biến phức tạp mới. Cho nên, cứ như TP Hồ Chí Minh - là nơi “cuộc chiến chống COVID-19” đã diễn ra khốc liệt nhất, thì từ ngày 1-10 cũng đã lựa chọn phương án “bình thường mới”. Nói cách khác, chống dịch thì vẫn chống nhưng chúng ta cũng buộc phải phục hồi các hoạt động khác đã bị đứt gãy do phải ngừng trệ để chống dịch.

image001.jpg -0
Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19.

Trở lại với trạng thái “bình thường mới” thì cần nhất điều gì? Là phục hồi sản xuất. Vì hầu hết các địa phương rơi vào trọng điểm của dịch COVID-19 lần này đều là những trọng điểm của hoạt động công nghiệp. Lực lượng lao động cũng tập trung đông nhất ở các địa phương này, nên khi sản xuất đình trệ thì số lao động thất nghiệp cũng tập trung ở đây nhiều nhất.

Bao nhiêu hệ lụy của đời sống đã xảy ra và tiếp tục xảy ra, từ hệ lụy của việc hàng triệu lao động bỗng dưng thất nghiệp. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh cho thấy, gần 30% lao động bị mất việc làm, nghiêm trọng nhất là ở ngành da giày, dệt may. DN của hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh từ ngày 9-7 đến nay; chỉ chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Cho nên, phục hồi sản xuất chính là để giải quyết vô vàn vấn đề về xã hội, càng nhanh càng tốt.

Nhưng nói phục hồi sản xuất thì bắt đầu từ đâu? Nhiều doanh nhân đã nói thẳng ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như các ngân hàng thương mại cần chia sẻ trong việc giảm lãi suất cho vay và kéo dãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ; cho phép mở rộng "room" cho vay đối để DN có vốn phục hồi sản xuất… Các cơ quan nhà nước thì tạo thuận lợi hơn về hồ sơ, thủ tục để DN tiếp cận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021; giảm thu phí giao thông đường bộ ít nhất 50% hoặc miễn thu trong thời gian 2 năm để giúp DN giảm chi phí vận chuyển...

Những người đã về quê tránh dịch trong những ngày đầu tháng 10, thật khó hy vọng họ sẽ quay lại, mà có quay lại thì cũng không thể trong nay mai, khi mà “bóng ma COVID-19” vẫn còn lởn vởn đâu đó. Đây cũng đang là nỗi lo của không ít doanh nhân.

Như vậy, lao động và vốn vẫn là 2 chuyện khó muôn thuở của DN Việt, nay càng bức bí hơn vì phải cộng hưởng khó khăn từ hệ lụy của dịch bệnh.

Nhưng nói về lao động, đúng là khó nhưng có gợi mở gì để hy vọng không? Có. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên trực thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh chẳng hạn đang có chương trình "Combo 3 trong 1: Nhà trọ không đồng - Test nhanh miễn phí - Có việc làm ngay", phối hợp tổ chức Đoàn của 63 tỉnh, thành trong cả nước và 150 DN với hơn 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng vị trí việc làm.

Rồi nữa, chương trình "ATM việc làm cộng đồng" được Trung tâm Công tác xã hội thanh, thiếu niên của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai, hoàn toàn miễn phí, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai đã kết nối hàng ngàn lao động có việc làm tại hàng trăm DN.

Hội Doanh nhân trẻ của một tỉnh nhỏ như Ninh Thuận cũng triển khai "ATM việc làm". Chương trình chỉ mới triển khai từ ngày 31-8 đến nay đã tiếp nhận thông tin của trên 1.200 người đăng ký tìm việc ở các vị trí khác nhau, thu hút 18 DN, đơn vị trong tỉnh đăng ký tuyển dụng trên 100 lao động…

Vậy thì, nếu DN cần lao động và lao động thực sự cần việc làm thì nên tham gia ngay.              

Chuyện vốn cũng thế. Khó thì đương nhiên rồi. Nhưng cũng như vấn đề lao động đã nêu, thì không phải hết cách, nếu doanh nhân nỗ lực vượt khó. Mà kể khó, mà muốn hỗ trợ thì cũng phải cho rõ. Càng rõ càng dễ được giúp. Chứ cứ than “khó quá, căng quá” mà không biết nó khó, nó căng ở chỗ nào thì đúng là… khó thật, căng thật. 

Xin kể một chuyện thế này: 20 DN sản xuất phim, chương trình truyền hình của Việt Nam gửi kiến nghị lên Thủ tướng Phạm Minh Chính và UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét cho họ thuộc nhóm đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới, vì gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản khi phải dừng hoạt động quá lâu ngày.

Tuy nhiên, kiến nghị của các DN sản xuất phim nêu rất rõ là "chúng tôi không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới”, cụ thể xin “chấp thuận được phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới bằng việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 15-10", kèm theo đó là 8 nội dung cụ thể “sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” là cái gì? Đã cụ thể thế thì Thủ tướng hay lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng sẽ rất dễ để sớm đưa ra quyết định cho từng việc một. Mà nói về vốn mới khó, chứ cơ chế để hoạt động thì khó gì. Thủ tướng đã nói rõ rồi, cái gì gỡ được cho DN để vượt khó mà phục hồi sản xuất thì phải lưu ý làm ngay, ưu tiên làm ngay chứ đừng chần chừ.

Cho nên, đây là lúc rất cần ở sự năng động, bản lĩnh của doanh nhân. Người cầm nắm DN Nhà nước thì lại càng phải thế, phải nhìn ra phía trước mà bước.

Lương Duy Cường
.
.