Nhân World Cup 2022 - Phiếm đàm về bóng đá
Tình yêu đích thực phải là trạng thái rung động của trái tim. Chỉ duy nhất yếu tố đó. Ngoài ra, không có gì khác.
Bóng đá và tình yêu
Nếu nam nữ đến với nhau, quyết định gắn bó cả đời với nhau (hôn nhân) mà không để ý đến yếu tố trái tim rung động, lại chỉ suy tính mọi thứ thiệt hơn, lợi hại, được mất, lại bị chi phối bởi quá nhiều điều liên quan đến vật chất, tiền bạc- những chuyện ngoài trái tim- thì cần xem lại cái gọi là tình yêu đó. Và nếu cuộc trăm năm bị rạn nứt, đổ bể thì âu cũng dễ hiểu, chẳng khó cắt nghĩa chút nào.
Bóng đá cũng vậy thôi.
Tất nhiên, người huấn luyện viên phải luôn có những tính toán, mưu kế để giành thắng lợi trong mọi trận đấu. Không ông thầy nào lại phó mặc cho học trò của mình muốn đá sao thì đá. Và cũng chẳng ai mong đội của mình thua. Phải thắng. Thắng nhanh, thắng đậm để bảo đảm chắc thành quả.
Nhưng người xem lại bất cần biết mọi mưu tính của huấn luyện viên. Họ chỉ thích cầu thủ ra sân là phải đá hết mình, quyết liệt, khẩn trương, bóng luôn được đẩy lên phía trước như thác đổ, lốc cuốn. Chứ cứ dền dứ, thăm dò nhau lâu quá, chuyền đi chuyền lại, nhử đối phương, nhất là các đội đã ghi bàn cốt câu giờ, giữ bóng trong chân lâu, chuyền bóng cho nhau theo hình tam, tứ, ngũ giác bên sân nhà rồi cuối cùng đá về cho thủ môn. Người xem huýt sáo, la ó, ném chai lọ xuống sân quả là ít văn hóa nhưng hoàn toàn có thể hiểu. Tại các cầu thủ chứ tại ai. Tại sự tính toán, khôn lỏi, ăn non có khi từ chủ trương của huấn luyện viên mà buộc họ hành xử kém lịch sự. Đó là nói những tính toán kiểu "con nít", dẫu sao cũng còn không tệ, xấu bằng sự dàn sếp ngấm ngầm bằng con đường... "đi đêm".
Hãy đá vô tư, hết mình, hồn nhiên như tình yêu đích thực bởi những trái tim rung động. Tình yêu mà tính toán quá đâu còn vẻ thi vị, lãng mạn vốn dĩ rất cần phải có. Bóng đá, xét ở một góc nào đó cũng vậy.
Mâu thuẫn?
Nói đến bóng đá là nói đến sức mạnh, tốc độ, tính tập thể và sự quyết đoán. Ba trong bốn đặc tính ấy là của nam giới (đàn ông mà thiếu mấy điểm đó thì kể như là nên mặc váy hoặc quần lụa đen). Ngược lại, nói đến phụ nữ là nói đến sự mềm mại, dịu nhẹ, hiền hoà. Có những nhược điểm, nếu là ở nam giới thì không thể chấp nhận, nhưng ở nữ lại được, thậm chí còn đáng yêu, ví như sự chậm chạp, đủng đỉnh hoặc cả nể, thiếu dứt khóat. Thế mới gọi là phái yếu, phái đẹp.
Nhưng môn bóng đá nữ lại đang ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người hâm mộ chẳng kém gì bóng đá nam. Mà bóng đá - như đã nói ở trên - lại đồng nghĩa với sức mạnh, tốc độ, nghĩa là nghiêng về nam tính, chẳng nữ tính chút nào. Vậy thì để giữ được nữ tính, các cầu thủ gái ra sân cứ thong thả, nhởn nhơ, chạy như đi nhanh, chẳng hề tranh cướp bóng mà nhường nhịn, kể cả với đối phương? Và khi có bóng trong sân thì dè dặt, từ từ đưa bóng lên phía trước? Hãy tưởng tượng như vậy thì còn gì là bóng đá? Và chúng ta xem bóng đá hay xem các người đẹp lượn lờ, biểu diễn thân hình uyển chuyển trên sân? Mà đây lại là cái sân bóng đá, đang diễn ra trận đấu có khi tranh giải quyết liệt, chứ không phải là sân thể dục nhịp điệu! Vậy thì đã xuất hiện mâu thuẫn thú vị: Nếu đá hết mình, nghĩa là phải như nam giới, tranh cướp quyết liệt, lăn xả cứu bóng, giải nguy, giành giật bóng về mình, chạy như tên bắn, ào ào xông lên phía trước, nhằm thẳng cầu môn đối phương mà sút bóng. Vậy thì có còn nữ tính? Nhưng nếu không thế thì người ta còn xem cái gì?
Hỡi các người đẹp đá bóng! Đây, vấn đề ở chỗ này đây. Cái chỗ mà các người đẹp khác hẳn nam giới đá bóng ở chỗ này: Ít khi cay cú, cố ý va chạm, chơi xấu đối phương. Nếu có quá ham bóng mà vô tình gây cho đối phương bị đau, bị thương thì biết xin lỗi, tỏ ra ân hận, xót xa như chính mình bị đau. Những lúc như thế cần nở nụ cười và bộc lộ những cử chỉ thân thiện. Biết chia sẻ nỗi buồn với đối phương khi họ thua, mặc dù mình đang chiến thắng. Hãy thể hiện mọi nét đôn hậu vốn có của phái nữ trong trận đấu. Còn thì vẫn cứ phải đá hết mình với mọi yêu cầu của bóng đá nói chung vậy.
Gian dối đáng... yêu
Ở trên đời này có khi nào, ở đâu, gian dối lại có thể là... đáng yêu không? Hẳn là tất thảy chúng ta đều dễ dàng đặt câu hỏi: Sao lại có chuyện kỳ cục, lạ đời như vậy được. Và hẳn là bất cứ ai có nhận thức tối thiểu cũng đều thấy rằng đã gian dối thì chỉ có thể đáng lên án, tẩy trừ. Lẽ dễ hiểu: gian dối gắn với sự lừa đảo.
Vậy mà tôi xin thưa: Có đấy. Có nơi, có lúc gian dối không hẳn là đáng ghét mà còn đáng yêu nữa. Đó là trong bóng đá, khi một cầu thủ nào đó "đóng kịch", giả vờ ngã để trọng tài "xử lý" đối phương, kiếm quả đá phạt, nhất là trong vòng 16m50. Những tiết mục "kịch" này luôn xảy ra và không ít "diễn viên" đã thu được hiệu quả bằng việc kiếm được quả pê- nan- ti từ trên trời rơi xuống.
Nhưng sao lại đáng yêu? Vâng, chính là ở chỗ: "Diễn viên kịch" nào đó thương đồng đội đã quá vất vả, hết mình mà vẫn nhìn thấy chiến bại đến nơi. Trận đấu lại chỉ còn ít phút. Làm sao gỡ hoà đây? Mà chỉ cần hoà là đủ vui, đủ đạt mục tiêu (vào vòng trong, đoạt giải, thăng hạng hoặc mọi điều có lợi khác). Còn nếu thua thì cả dân tộc sẽ khóc, có thể treo cờ rủ không biết chừng, mà trong dân tộc thì có mẹ cha, có khi cả vợ con. Sao đành để nỗi đau, thậm chí là vết nhục cho quốc gia?
Bao ý nghĩ quay cuồng trong đầu cầu thủ thúc đẩy họ quyết định làm diễn viên kịch trong khoảnh khắc. Càng đáng yêu hơn khi để giống như thật, cầu thủ ấy đã phải chịu đau, có khi sau đó phải dưỡng thương. Vì quyền lợi dân tộc mà "hy sinh thân mình" chẳng đáng yêu sao? Nhưng lại cũng thật thú vị khi gặp phải ông trọng tài đầu trọc người Ý. Ông không phạt mà chỉ cười: "Đứng dậy đi, có đau không, sao tự nhiên ngã, có ai làm gì đâu?". Cầu thủ kiêm kịch sĩ vừa "diễn" chỉ còn biết đứng dậy, cười một cách tẽn tò. Trọng tài nào mà không thổi phạt những "diễn viên" này chắc là thấy họ đáng… yêu hơn là đáng trách, hoặc cũng có thể, trước khi làm trọng tài, ông ta từng là cầu thủ đã nhiều lần "gian dối" như thế, nên cảm thông !
Gian dối như vậy thì đôi lúc đáng yêu đấy chứ?
Khoảng trống
Những người nhạy cảm, mẫn cảm rất sợ những khoảng trống trong tâm hồn, bởi nó chênh vênh, chơi vơi. Không hẳn cô đơn- với nghĩa chỉ một mình- mới có khoảng trống. Nhiều khi đang ở giữa đám đông, có người bên cạnh để giao tiếp mà vẫn "hai người cũng chẳng bớt bơ vơ", vẫn "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Đã sợ thì lại hay có. Những khoảng trống này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong lòng người đa cảm. Và người ta phải tìm mọi cách lẩn trốn, xua nó đi bằng hoạt động, làm việc, thậm chí bằng sự bận bịu, tất bật.
Nhưng trong bóng đá thì cầu thủ nào cũng muốn có khoảng trống ở bên phía sân đối phương, nhất là trong khu cấm địa. Các tiền đạo, tiền vệ tìm mọi cách tạo chỗ trống cho đồng đội bằng việc hóan đổi vị trí, chạy chỗ, di chuyển không bóng... Nhanh như cắt, nhoáng nhoàng tạo được khoảng trống là cơ may chọc thủng lưới đối phương trông thấy mười mươi. Muốn vậy phải hiểu ý đồng đội. Người xem chán nhất những cầu thủ chỉ biết chạy hùng hục, cứ thấy bóng là xô vào. Nhiều khi ba bốn đồng đội chụm đầu, chạm vai mà không hề hiểu ý nhau để khéo léo xê dịch, tạo khoảng trống.
Đó là tình hình ở bên sân đối phương. Còn bên sân nhà thì dĩ nhiên phải ngược lại, tức là bằng mọi cách phải bịt kín các khoảng trống. Tầng tầng lớp lớp bịt, và người bịt cuối cùng là thủ môn. Nhưng bịt thế nào mà khoảng trống bị rách toạc, nới rộng để đến nỗi tiền đạo đối phương một mình một bóng đối mặt với thủ môn nhà thì các cổ động viên yếu tim hẳn phải nhắm mắt chẳng dám nhìn.
Lấp khoảng trống bên sân mình và mở khoảng trống bên đối phương. Đó là chuyện của bóng đá. Còn thì bằng mọi cách không để khoảng trống xuất hiện. Đó là chuyện của tâm hồn.