Nhân văn - mẫu số chung của phong tục Tết

Thứ Ba, 17/01/2023, 17:45

Hầu như dân tộc nào cũng có Tết của riêng mình, mỗi nơi mỗi khác nhưng có cái lõi chung giống nhau ở hạt nhân ý nghĩa đều thấm đượm khát vọng ngàn đời của con người là hạnh phúc, là no ấm đủ đầy, là sẻ chia, hy vọng... Để hiểu “căn cước tâm hồn” một dân tộc thì tìm vào phong tục Tết là dễ thấy nhất. Qua cái nhìn “liên văn hóa” xin được vài nét tìm hiểu.

Phóng sinh - Mỹ tục nhân văn!

Không phải chỉ ở Việt Nam và một vài nền văn hóa gần gũi mà hầu hết các quốc gia theo đạo Phật đều có tục này. Cứ ở đâu có mái chùa và tiếng mõ tụng kinh của Phật giáo là có hoạt động phóng sinh. Được kiến tạo trên nền tảng từ bi và trí tuệ - những phẩm chất ưu trội của nhân loại, ngôi chùa tư tưởng Phật giáo ngày càng bề thế và lộng lẫy trong kho tàng văn hóa loài người.

Trong đó “từ bi” được coi là “căn bản” của đạo Phật ngày càng cần thiết, coi trọng, đề cao trong một thế giới dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng môi trường hay chiến tranh... “Từ” là lòng yêu thương, “bi” là sự thương xót, vì thế Phật giáo chủ trương “không sát sinh”, ngược lại phải “phóng sinh” tức đem lại sự sống cho vạn vật. Quan niệm này vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa mang ý nghĩa khoa học, thời sự, góp phần bảo vệ tính cân bằng và đa dạng môi sinh.

Nghĩa nguyên thủy của “phóng sinh” còn gặp được trong một số truyện cổ tích là khi thấy một con vật bị nạn, con người ra tay cứu thoát. Vẫn còn câu “cứu vật vật trả ơn” vọng về từ rất xa xưa gần gũi với quan niệm “phóng sinh” này. Nhà Phật cho rằng khi nhìn thấy chúng sinh bị bắt nhốt, giam giữ hay gặp nạn thì cần mở lòng từ bi tìm cách giải thoát để cứu mạng sống. Như vậy “phóng sinh” xuất phát từ lòng nhân hậu, từ cái “thành tâm” của con người. Nhưng càng về sau tục này càng bị “biến tướng”...

image001.jpg -0
Phóng sinh - một mỹ tục.

Ở các quốc gia thuộc văn minh sông nước (như Việt Nam) thì phóng sinh phổ biến là cá. Ở các quốc gia thuộc văn minh thảo nguyên thì vật phóng sinh thường là chim. Ở ta có câu chuyện “Sự tích ông đầu rau” hay “Sự tích thần Bếp” quen thuộc là một cách giải thích tục phóng sinh đã được bản địa hóa. Ba vợ chồng nhà nọ chẳng may đều bị chết cháy. Ông Trời thương tình biến họ thành ba ông đầu rau cai quản bếp núc cho gia đình. Ngày họ chết là 23 tháng Chạp nên dân gian thường mua cá chép về cúng rồi thả ra sông hồ để cá hóa rồng đưa thần Bếp lên trời...

Câu chuyện rất hay, cảm động, thấm thía, đúng với bản sắc “duy tình” của người Việt nên nó trở thành một tài sản văn hóa tinh thần mà hầu như ai cũng biết, cũng hiểu. Đó là một “liên văn hóa” rất đẹp giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân gian để rồi được hiện thực hóa thành một mỹ tục là “phóng sinh”!

Theo thời gian, nhất là trong thời kinh tế thị trường chi phối thì cần phải cảnh giác với mặt trái của phong tục bởi tính trong sáng nhân văn bị lạm dụng. Người ta mua cá phóng sinh rồi “phóng” luôn cả túi đựng (thường là nilông). Còn “phóng” cả những sinh vật gây hại ra môi sinh (mấy năm trước là “rùa tai đỏ”, gần đây là cá “lau kính” tức cá dọn bể có hại cho các nguồn thủy sinh khác...). Lại có kẻ ác tâm bắt lại những con vật vừa “phóng sinh” để bán với giá cao...!!!

Đoàn viên, sum vầy - Uống nước nhớ nguồn!

Với người Việt và một số quốc gia theo đạo Nho, ngày Tết là sự sum vầy của gia đình, gia tiên, gia thần, tức sự đoàn viên không chỉ với người đang sống mà với cả người đã khuất nên rất thiêng liêng. “Đói quanh năm no ba ngày Tết”, dù nghèo mấy cũng có bánh chưng, rượu thơm, cơm ngon, hoa trái... để cúng ông bà tiên tổ rồi con cháu “thụ lộc”. Ngày Tết là một cách hướng con người về cội nguồn, càng biết ơn truyền thống càng ra sức lao động, học tập để cuộc sống khấm khá, sung túc hơn.

Ở một số nước châu Mỹ còn có cả ngày Tết Cha, Tết Mẹ rất gần với Tết Nguyên đán của ta. Với họ, ngày Tết là dịp để trả ơn Cha Mẹ đã sinh ra, nuôi dạy để con cái trở thành người có ích cho xã hội. Nếu với văn hóa phương Đông ngày Tết là của tất cả mọi người, trong đó dành cho Cha Mẹ những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc sống lâu, khỏe mạnh... thì với ngày Tết Cha, Tết Mẹ chỉ dành cho cha mẹ. Con cái sẽ mua tặng cha mẹ những gì đẹp nhất, làm những món ăn ngon nhất cha mẹ thích!

Người Việt có câu “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” nhắc nhở mọi người phải nhớ công ơn của những người quan trọng nhất là cha, mẹ, thầy. Cha mẹ là người sinh ra, nuôi dưỡng còn thầy là người dạy bảo lớn khôn. Mùng Một ngày đầu tiên quan trọng nhất trong năm dành cho cha, cho ông bà tổ tiên dòng tộc. Ngày mùng Hai dành cho mẹ và họ hàng bên ngoại. Ngày mùng Ba, đúng với quan niệm “tôn sư trọng đạo”, học trò đi tết thầy học. Tết thầy trong dịp Tết Nguyên đán là nét đẹp của một số quốc gia Á Đông, không chỉ thể hiện một quan niệm khoa học “không thầy đố mày làm nên”, mà còn là một quan niệm tôn trọng tri thức rất hiện đại!

Hướng về cái mới, cái tốt lành, may mắn, thành công!

Hầu như trong mọi ngôn ngữ đều có tính từ “mới”, “vui” để chỉ dịp Tết, Tết năm mới, Xuân mới, Xuân an vui, Xuân đoàn viên... Ở một số nước phương Tây và Trung Đông, ngày cuối năm người ta đem những gì cũ kỹ, nhất là bát đĩa sứt mẻ... ra đập vỡ cho bằng hết với quan niệm tống tiễn cái cũ, lạc hậu, lỗi thời vào “năm cũ” để đón những gì tươi mới, phồn sinh của năm mới. Có nước (như Peru) còn tổ chức “Lễ hội đánh nhau”, dù mang tính tượng trưng nhưng vẫn có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền. Mục đích của “lễ hội” này là giải tỏa những căng thẳng, những bức xúc, những gì xui xẻo... “đi” vào năm cũ!

image003.jpg -0
Lễ hội té nước.

Ở Việt Nam xưa, Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp là ngày ông Táo về trời. Cũng từ ngày này, chính quyền phong kiến đều nghỉ việc sau khi làm lễ“Phất thức”(rửa ấn, rửa triện). Mọi việc công đều tạm gác lại. Theo truyền thống thì các tội nhẹ không bị trừng phạt, tội nặng thì đợi đến ngày mồng 7 tháng giêng (lễ khai hạ) mới tra xét, giải quyết. Mục đích là để mọi người bình đẳng an vui đón Tết. Ngoài dân gian, ai có nợ nần phải cố trang trải cho xong trong ngày 30 cuối năm, để sang năm mới toàn là sự vui vẻ, hân hoan...

Rất nhiều quốc gia ngày Tết là dịp thể hiện những gì vui vẻ, ồn ào, sôi động, dân chủ nhất. Ngay cạnh Việt Nam là nước Lào với Tết Năm mới có tục té nước (Bun Pi May) nổi tiếng. Ngày Tết bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15/4 dương lịch, tất cả đều không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, đẳng cấp đều cùng hưởng niềm vui của những ngày hội tưng bừng nhất trong năm. Mọi người thể hiện sự quý trọng bằng những gầu nước, chậu nước dội lên khắp người nhau. Người được té nước, dù áo quần ướt đẫm lại càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời như một sự chứng minh bản thân được nhiều người yêu mến. Với văn minh nông nghiệp thì nước “quý như vàng”, nước là “lộc” giời nên đem cái sự quý giá ấy cho người khác là một sự chia sẻ thật đáng mến!

Tết dành cho trẻ em – Niềm tin vào tương lai!

Ở đâu cũng vậy, nhất là với trẻ em Á Đông, ngày Tết là sung sướng nhất, được mặc quần áo mới, được đi chơi, được ăn ngon, được “mừng tuổi”. Ở Nhật Bản, niềm yêu quý, quan tâm đến trẻ được thể hiện trong ngày Tết Nhi đồng. Mồng 3 tháng 3 là ngày tết dành cho các em bé gái. Người lớn cầu chúc hạnh phúc, may mắn sẽ đến với các bé trong tương lai. Ngày mồng 5 tháng 5 (trùng với tết Đoan ngọ) là ngày tết dành cho các bé trai. Các bậc phụ huynh sẽ cầu khấn Thần linh bảo hộ các bé trai khỏe mạnh mau lớn, giỏi giang.

Tết Nguyên đán ở ta và Trung Quốc có tục “mừng tuổi” chúc trẻ học giỏi, ngoan ngoãn. Nguồn gốc của tục này có từ truyền thuyết một con quỷ nhằm lúc giao thừa lẻn đến xoa đầu trẻ em làm chúng khóc thét lên. Một vị tiên mách lấy đồng tiền gói vào vải đỏ đặt dưới gối để quỷ đến đồng tiền sẽ lóe sáng làm quỷ sợ phải bỏ đi. Thành lệ, người lớn lấy đồng tiền tượng trưng cho vào phong bao đỏ rồi “mừng tuổi” (lì xì) cho trẻ, mong chúng an lành, hay ăn, chóng lớn... Về sau tục này bị lạm dụng, người ta “mừng tuổi” cả người lớn, thậm chí “mừng” con trẻ rất nhiều tiền (thực ra là một cách “hối lộ” cha mẹ chúng!).

Ngày Tết là hiện tượng văn hóa nổi bật, theo thời gian các phong tục sẽ bị thay đổi, do vậy cần có sự điều chỉnh để giữ lại cái tốt đẹp, nhân văn, loại bỏ cái tiêu cực, cũ kỹ, lạc hậu!

Nguyễn Thanh Tú
.
.