Nhân văn cần đúng chỗ

Thứ Năm, 14/07/2022, 10:48

Sự việc hai nghệ sĩ Việt bị cáo buộc tấn công tình dục ở Tây Ban Nha gần đây đã tạo ra những hệ luỵ kéo theo trong cộng đồng. Rất giống như tất cả những bê bối từng xảy ra với những người nổi tiếng, dư luận luôn chia làm hai phe: công kích và cảm thông, bênh vực. Trong đó, phe cảm thông, bênh vực luôn có một xu hướng chung là nêu cao tinh thần nhân văn, chủ nghĩa vị tha, đặc biệt nêu bật những ảnh hưởng tiêu cực tới thân nhân của đối tượng.

Trong sự việc kể trên, phe bênh vực cũng đi theo xu hướng này, và hơn thế nữa, lập luận dựa trên lý lẽ có vẻ rất chắc chắn là "chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án thì chưa bị xem là tội phạm". Đây là một lập luận văn minh, tiến bộ, phù hợp và đáp ứng với "nguyên tắc suy đoán vô tội" mang tính phổ quát. Rất nhiều (nếu không nói là tất cả) đơn vị báo chí hiện nay luôn luôn cẩn trọng khi dùng từ "tội phạm" và "nghi can" trong các bài viết về các vụ án đang được dư luận quan tâm với mục đích tôn trọng tới cùng quyền lợi của một con người. Tuy nhiên, việc tỏ ra vị tha hay nhân văn này cũng cần sự tỉnh táo nhất định, nhất là khi đặt hệ quả của sự việc vào một bối cảnh cụ thể, đặc thù nào đó.

Đơn cử như việc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đình chỉ công tác đối với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Nhiều người cho rằng chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án, tại sao lại cư xử với một giảng viên như vậy. Thực tế, đặc thù ngành giáo dục là rất khác. Khi một giảng viên đang bị đặt dấu hỏi nghi ngờ về hành vi hành xử xã hội, việc đơn vị chủ quản (trường học) ra quyết định đình chỉ công tác giảng dạy là chuyện đương nhiên.

Đình chỉ không phải là sa thải. Trước mắt cần phải hiểu sự khác biệt này. Thứ đến là môi trường giáo dục yêu cầu sự thanh sạch đến tối đa và uy tín của nhà trường lệ thuộc rất nhiều vào uy tín cá nhân của giáo viên. Do đó, cách xử lý của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng chỉ là cách ứng biến rất chung mà bất kỳ một trường học nào trên thế giới cũng sẽ phải làm.

Sự bênh vực dành cho đồng nghiệp là tốt thôi, tuy nhiên cần nhìn nhận xem hành vi của đồng nghiệp có đáng nhận được sự bênh vực ấy hay không, đặc biệt là khi nó có thể có tác động tới thái độ công chúng. Đó là còn chưa kể tới việc một trong hai nghệ sĩ kể trên lại có hành vi chơi bời thái quá khi đang đi cùng vợ và con của mình.

Và hơn nữa, có một điểm không mấy ai nhìn nhận rõ ràng, cả hai nghệ sĩ đều đang khoác áo công chức. Việc họ đi nước ngoài du lịch hoặc đi theo lời mời của nhãn hàng nào đó mà chưa có sự đồng ý của cơ quan chủ quản là sai phạm và sai phạm này mang tính hệ thống ở nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước bấy lâu nay. Cái sai phạm ấy lẽ ra không nên được cổ xuý bằng thứ ''nhân văn đỏm dáng'' hay ''vị tha vẽ vời'' mà thay vào đó, nên bị chỉ trích bởi nó đang tạo ra một tập quán xấu trong thái độ làm việc chung của công chức hôm nay.

Và cơ bản, nhiều người tỏ ra nhân văn, vị tha thực ra không phải vì đối tượng trọng tâm mà chẳng qua là vì chính bản thân mình, vì hình ảnh của mình, vì sức lan tỏa của mình trên mạng xã hội. Đó mới là thứ đáng nói đến nhất, đáng phê phán nhất vì nó là toan tính cá nhân nhưng không mang chút lý trí nào.

Văn Đoàn
.
.