Nhân rộng mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng ở nông thôn

Thứ Năm, 03/03/2022, 13:15

Sự kiện khai trương Nhà văn hoá & Không gian Văn hóa đọc Cộng đồng đầu tiên tại thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong chuỗi khoảng 300 điểm sẽ được xây dựng ở các vùng quê diễn ra ngày 25-2 là một tín hiệu đẹp và ý nghĩa trong việc đưa sách về gần hơn với nông thôn và gieo mầm tình yêu tri thức trong cộng đồng nông thôn.

Nhiều lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin & Truyền thông, Cục Xuất bản đã về dự lễ. Đây là Nhà văn hoá & Không gian Văn hoá đọc Cộng đồng đầu tiên trong số 300 công trình tương tự dự kiến sẽ được Tân Việt Books và các nhà tài trợ hoàn thiện trong 5 năm tới hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hoá. Mô hình này được đánh giá là sáng tạo, tiên phong và tâm huyết hưởng ứng "Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam", theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký năm 2021.

Nhân rộng mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng ở nông thôn -0
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục xuất bản tặng hoa các nhà tài trợ dự án.

Từ một nhà văn hóa cũ kỹ của thôn Như Lân được xây dựng cách đây 60 năm, công năng sử dụng lãng phí do chưa được khai thác hiệu quả giờ đây đã được biến hóa thành không gian văn hóa đọc cộng đồng sạch đẹp với hơn 6.000 đầu sách hay, nhờ vào đóng góp của nhiều cá nhân dưới sự khởi xướng của Tân Việt Books. Không chỉ là một không gian đẹp dành cho việc đọc sách, ở đây được trang bị rất nhiều sách hay và được chia theo các chủ đề trưng bày theo nhóm chủ đề thuộc đủ mọi lĩnh vực từ lịch sử, triết học, chính trị pháp luật, nghệ thuật, văn học, văn hóa, kinh tế, giáo dục, sách về danh nhân, sách kỹ năng phát triển bản thân, nuôi dạy con, y học phổ thông, văn học.

Nhân rộng mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng ở nông thôn -0
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông  đến dự và phát biểu tại lễ khai trương.

Khu vực sách cho thiếu nhi được quan tâm với diện tích rộng, cập nhật nhiều đầu sách hay về văn chương, kiến thức cho các em nhỏ. Và cả những ai yêu văn chương nghệ thuật thì những cuốn sách đầy vẻ đẹp của tri thức, hay những cuốn sách nghiên cứu nhân học văn hóa thấm đẫm chất văn chương như: "Rừng, đàn bà, điên loạn" của Jacques Dournes, đậm tính khai phóng như "Bàn về chính quyền" của Marcus Tullius Cicero hay "Bản sắc văn hóa Việt Nam" của Phan Ngọc, "Potao - một lý thuyết về quyền lực ở người Jorai Đông Dương"… sẽ làm thoả mãn tình yêu sách của họ.

Đáng chú ý, không chỉ trao tặng cơ sở vật chất, những cuốn sách hay từ tủ sách kinh điển của thế giới và Việt Nam, các nhà tài trợ còn phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo vận hành không gian đọc thân thiện, hiệu quả, đồng thời tổ chức nhiều buổi trò chuyện để truyền cảm hứng đọc sách cho người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - nói lời cảm ơn những người tham gia dự án đã có mô hình đầu tay thiết thực, đóng góp vào phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Việc làm này gắn với phát triển văn hóa đọc từ cơ sở bởi nó giúp phát triển văn hóa đọc một cách bền vững từ cộng đồng, lại là cộng đồng ở nông thôn, nơi mà những cơ hội tiếp cận với sách và tri thức chưa nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Bảo thay mặt Hội Xuất bản Việt Nam tặng 500 đầu sách tới không gian đọc.

Nhân rộng mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng ở nông thôn -0
Nhà tài trợ chính trao 750 triệu đồng tặng cho dự án.

 Bà Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - là người nhiều năm tham gia hoạt động khuyến đọc. Bà đánh giá cao mô hình không gian văn hóa đọc đặt tại nhà văn hóa, điều đó phù hợp việc đưa sách đến gần hơn với người dân. Bà Ngà cho rằng đây là một khởi đầu tốt đẹp. Để phát huy được không gian, bà Ngà cho rằng cần sự chung tay của hệ thống thư viện, giáo dục tỉnh Hưng Yên.

Theo bà Nguyễn Kim Thoa - CEO của Tân Việt Books thì các nhà văn hoá nông thôn thuộc dự án sẽ được đầu tư, cải tạo lại thành những không gian đọc sách hiện đại, thoải mái nhất để người dân nông thôn, đặc biệt là các em học sinh, có cơ hội được tiếp cận những cuốn hay nhất, mới nhất. Bên cạnh đó là các chương trình nói chuyện về sách, về văn hoá đọc có sự tham gia của những diễn giả nổi tiếng sẽ được tổ chức định kỳ thường xuyên.

Được biết, hiện số đầu sách tại Nhà văn hoá & Không gian Văn hoá đọc Cộng đồng thôn Như Lân đã lên tới hơn 6.000. Đây là "giấc mơ có thật" của các bạn học sinh nông thôn và cũng là điều mà ngay cả nhiều lãnh đạo địa phương cũng chưa dám nghĩ đến.

Khánh Thy
.
.