Nhân lên hứng khởi và niềm tự hào của công chúng
Theo dự kiến, Triển lãm "Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam" sẽ khai mạc tại TP Huế vào ngày 27/4.
Sự kiện này được xác định là hoạt động văn hóa, du lịch quan trọng trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 730/QĐ-BVHTTDL ngày 21/3/2025, giao Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cùng các đơn vị liên quan tổ chức bằng kinh phí từ ngân sách sự nghiệp văn hóa - thông tin năm 2025 của Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, của Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, của các đơn vị tham gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

Theo thông tin từ ban tổ chức thì sự kiện diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5, có sự tham gia của 33 tỉnh, thành trong cả nước, với 2 phần chính, gồm: Phần 1 là không gian triển lãm ảnh với chủ đề Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam, các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay, di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; phần 2 là trưng bày sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống và sản phẩm tiêu dùng...
Cũng ở lĩnh vực văn hóa, theo Bộ Ngoại giao, hồi 23 giờ ngày 10/4, tại Paris, Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhất trí ghi danh "Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân" của Việt Nam vào Danh mục Ký ức Thế giới. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới.
Nói về sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn nhấn mạnh: "Việc bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng cả một dân tộc qua từng giai điệu".
Bà Lê Thị Hồng Vân - Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa, Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định việc hồ sơ “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” được ghi danh là thành công vượt mong đợi, kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế. Đây là Di sản tư liệu Thế giới thứ 4 của Việt Nam trên tổng số 570 Di sản tư liệu Thế giới đã được UNESCO ghi danh cho đến nay và cũng là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Dù vậy, với cả 2 sự kiện quan trọng nói trên, công tác truyền thông vẫn chưa đủ tầm, chưa tạo được “cú hích” để tạo hứng khởi trong công chúng và du khách đối với sự kiện triển lãm, cũng như việc nhân lên niềm tự hào của công chúng Việt Nam khi lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới.
Ở thời điểm mà công nghiệp văn hóa được đề cao, không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt của các di sản. Nhưng, muốn di sản trở thành “vỉa quặng quý hiếm”, thành một nguồn lợi vô tận cho nền kinh tế, thì việc tạo những “cú hích” làm đòn bẩy là rất quan trọng. Điều này dễ thấy rõ như việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa đã đem đến cho Hà Nội nguồn thu trên 232 tỷ đồng của lĩnh vực di sản, trong năm 2024 (trong đó, riêng 3 di tích là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn đã thu về 179,5 tỷ đồng).
“Khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài” để “vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” là một trong những nội dung rất quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh khi nói về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dẫu dồi dào đến đâu thì những vỉa quặng quý mà thiên nhiên ban tặng cho loài người cũng sẽ cạn kiệt theo năm tháng và sự tái tạo tự nhiên là khó tưởng. Chỉ những vỉa quặng quý do con người gây dựng nên, như những di sản về văn hóa chẳng hạn, thì mãi trường tồn và sinh lợi, nếu biết gìn giữ và bồi đắp. Mà, Việt Nam chúng ta thì có quyền tự hào vì sự phong phú của nguồn lực di sản.
Vấn đề còn lại là ở việc khơi thông nguồn lực, mà vai trò của truyền thông là rất quan trọng.