Nhận diện đúng sự suy thoái để phòng, chống

Thứ Năm, 21/04/2022, 08:00

Thực tiễn cho thấy nhân dân ta đang ngày càng phấn khởi trước việc Đảng và Nhà nước quyết liệt hơn với công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng cũng ngày càng được chứng minh là “không có vùng cấm”.

Tham nhũng chỉ là một trong những biểu hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái này, ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảngđã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là một trong những Nghị quyết quan trọng của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

image001.jpg -0
Tranh minh họa (nguồn Tạp chí Tuyên giáo).

Quá trình triển khai thực hiện hơn 5 năm qua, thực tiễn cho thấy Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”.

Bên cạnh đó, “năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...”.

Không khó khăn để chúng ta nhận ra các nguyên nhân chủ yếu để dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Có trường hợp nhận diện rõ nhưng chưa quyết tâm và chưa có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh; còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, thậm chí không dám đấu tranh vì lợi ích nhóm, lợi ích vật chất; thờ ơ; vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Khi không nhận diện đầy đủ về tình hình và mức độ của suy thoái, hay biết mà không quyết tâm để phòng chống thì khó có hành động đúng đắn. Do vậy, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, tri thức khoa học để không ngừng hoàn thiện phương pháp, tác phong tư duy, làm việc khoa học thiết thực; cùng với đó là phải đề cao ý thức dân chủ, phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái đang thực sự đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình với Đảng, với nhân dân và với đất nước.

Lương Duy Cường
.
.