Nhận diện các thế lực thù địch trên không gian mạng

Thứ Năm, 21/07/2022, 14:01

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống Đảng, Nhà nước, chế độ trên không gian mạng, các cơ quan truyền thông cần tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về phương thức, thủ đoạn và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong, ngoài nước trên không gian mạng.

Thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) thời gian qua cho thấy, âm mưu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động trong, ngoài nước, đã kết hợp các hoạt động chống phá bên ngoài và bên trong nhằm tăng cường tuyên truyền xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo các vấn đề bức xúc trong xã hội; tạo dựng thông tin sai sự thật nhằm làm nhiễu loạn truyền thông, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân, từng bước tạo bất ổn trong xã hội, tiến tới hình thành các xu hướng phản kháng chống chính quyền ngay trong lòng xã hội.

Để phục vụ cho mục đích này, thời gian vừa qua, các tổ chức phản động lưu vong, trung tâm phá hoại tư tưởng bên ngoài duy trì và lập mới hàng ngàn website, blog, tài khoản Facebook, Youtube..., gia tăng các chiến dịch “chiến tranh tâm lý”; phát động hàng trăm chiến dịch tán phát tin giả, tin sai sự thật trên mạng internet; lợi dụng vỏ bọc “xã hội dân sự”, “phản biện xã hội” để thu thập thông tin, tập hợp lực lượng đối lập, thúc đẩy “bất tuân dân sự” ở trong nước, xuyên tạc chia rẽ nội bộ, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước.

Trong nước, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có chiều hướng phức tạp, ngày càng công khai. Tình trạng đăng tải, chia sẻ thông tin nội bộ chưa được kiểm chứng diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Đáng chú ý, một số phóng viên, biên tập viên thiếu bản lĩnh chính trị, trích đăng, dẫn lại thông tin xấu, độc trên mạng internet, gây dư luận xấu.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống Đảng, Nhà nước, chế độ trên không gian mạng, các cơ quan truyền thông cần tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về phương thức, thủ đoạn và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong, ngoài nước trên không gian mạng; kịp thời cập nhật, cung cấp thông tin chính thống về các vấn đề, vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm để cho người dân dễ dàng tiếp cận, đối chiếu, kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội.

nhandien.jpg -0
Công an tỉnh Hậu Giang ra quân bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng cường các biện pháp công tác quản lý đảng viên, quản lý cán bộ, thường xuyên thực hiện giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động; quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, chủ động trong công tác cập nhật, tiếp cận, xử lý thông tin.

Song song đó, các cơ quan chức năng chủ động trong công tác phòng ngừa, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh thông tin và truyền thông, xử lý nghiêm các hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, chống Đảng, chống Nhà nước và chính quyền các cấp. Tổ chức có hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn xã hội tham gia vào công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Phối hợp rà soát, chấn chỉnh, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc sử dụng mạng xã hội, những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, một số tổ chức phản động lưu vong người Việt như: “Triều Đại Việt”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Việt Tân” và một số hãng truyền thông, trung tâm phá hoại tư tưởng bên ngoài... lợi dụng tính năng không giới hạn về mặt không gian, thời gian và sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội để tăng cường các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, móc nối, tuyển lựa, lôi kéo người dân tham gia vào tổ chức.

Một số đối tượng trên địa bàn bị các tổ chức phản động lưu vong móc nối, lôi kéo đã có hoạt động phá hoại, khủng bố như Nguyễn Minh Tấn (SN 1978, quê huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), nguyên là cán bộ một cơ quan cấp tỉnh tại Hậu Giang, tham gia tổ chức “Triều Đại Việt” và được chúng phong làm Tư lệnh Quân khu IV. Tấn đã thực hiện 1 vụ nổ phía sau trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang vào tháng 7/2018 nhằm gây tiếng vang cho tổ chức và nhận tiền tài trợ của chúng. Công an tỉnh Hậu Giang đã điều tra, bắt giam và TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử, tuyên phạt Tấn 18 năm tù giam về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã xử lý một số đối tượng sử dụng mạng xã hội tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở, điển hình như Đặng Hoàng Minh (SN 1993, ngụ tại huyện Phụng Hiệp), nguyên nhân viên hợp đồng của một cơ quan truyền thông tại tỉnh tại Hậu Giang, làm Quản trị viên nhóm Facebook “Đô thành Sài Gòn” và Đinh Thị Thu Thủy (SN 1982, ngụ tại TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), nguyên cán bộ một sở tại tỉnh Sóc Trăng.

Cả 2 đối tượng đã sử dụng nhiều trang Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công an tỉnh Hậu Giang đã bắt, khởi tố 2 đối tượng trên về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. TAND tỉnh Hậu Giang cũng đã đưa ra xét xử, tuyên phạt mỗi bị cáo 7 năm tù giam.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính, gọi hỏi, răn đe, yêu cầu cam kết đối với hàng chục trường hợp sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung không đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng (Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang)
.
.