Người truyền thừa bí thuật luyện khí cổ xưa

Thứ Sáu, 06/05/2022, 14:56

Nói đến khí công, người ta thường nghĩ ngay đến Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng với kỹ thuật của Thái Cực Quyền, Dịch Cân Kinh, Bát Đoạn Cẩm, Yoga hay khí công Himalaya... Mấy ai biết rằng, tiên tổ người Việt đã sáng tạo ra một thuật luyện khí độc đáo là hợp phần của dòng võ Hét đặc dị ở miền lưu vực sông Lam, sông Mã.

Từ mấy chục năm nay, môn khí công cổ xưa ấy đã được đông đảo người dân Liên bang Nga và các nước Ban tích đón nhận, cùng quá trình hoằng dương môn pháp tại hải ngoại của võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính, thì ở trong nước di sản phi vật thể này vẫn còn là điều xa lạ, cho đến khi võ sư Trần Bình mở lớp truyền bá cho nhiều người.

Người được chọn

Đã có nhiều năm tháng võ sư Trần Bình cùng tôi luyện võ Nhất Nam. Bình học võ từ những năm 1990 tại Cung văn hoá hữu nghị Việt - Xô, do võ sư Trần Mạnh Hà đứng lớp. Đến lúc gặp tôi, Bình đã có gần 10 năm luyện võ. Sau vì bận công việc nên tôi cũng không còn nhiều dịp gặp anh, rồi Bình vắng bóng không mảy may tin tức gì. Cách đây 3 năm, đột ngột anh “tái xuất” với việc thành lập ra “Trung tâm khí công Việt cổ Nhất Nam” để huấn luyện cho đông đảo người dân Thủ đô thuật luyện khí đặc dị của dòng võ Hét cổ xưa. Lúc này mới biết thời gian trước đó anh “ở ẩn” để chú tâm tu luyện bí môn này.

4.jpg -0
Võ sư Trần Bình đứng lớp huấn luyện các môn sinh.

Nói về thuật luyện khí của môn phái, chính tôi cũng rất mơ hồ, bởi chỉ được tập “Dưỡng tâm gia pháp” - một phương pháp tăng cường sức khoẻ. Lý do là vì võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính có cách “nạp trò” rất đặc biệt. Ông nhìn người rất tinh, ai hợp với môn pháp nào thì truyền dạy riêng. Có lẽ ông đã thấy ở Bình sự nhẫn nại, chịu khó và sáng dạ, luôn tìm tòi đến căn cốt của vấn đề để chọn làm người truyền thừa các bí thuật luyện khí. Người trong môn phái được học phương pháp này không nhiều.

Đặc sắc khí công Việt

Luận bàn về khí công Việt cổ, võ sư Trịnh Hồng Minh (Giám đốc Trung tâm bảo tồn võ thuật cổ truyền Nhất Nam) cho biết đây là thuật luyện khí trị bệnh và rèn luyện sức khoẻ độc đáo của dòng võ Hét cổ xưa, phát tích ở vùng lưu vực sông Lam, sông Mã (Nghệ An, Thanh Hóa ngày nay). Tương truyền, bí môn này được các võ tướng sáng tạo ra và hoàn thiện qua nhiều đời, trở thành kỹ thuật rèn luyện thể chất và tinh thần cho quan quân các triều đại phong kiến. Vì thế còn được gọi là dòng “khí công tướng gia”, hay “khí công nhập thế”.

Sự khác biệt căn bản giữa khí công Nhất Nam khi so với khí công Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng… đó là trong cùng một thời điểm, hoặc trong một bài tập, khí công Nhất Nam cùng một lúc luyện 12 đường kinh lạc, nên hiệu quả nhanh hơn và mạnh hơn so với việc chỉ luyện một vài đường kinh lạc ở các môn khí công nước ngoài. Chưa hết, sự khác biệt còn nằm ở chuyển động của thân. Nếu khí công Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng… có chuyển động khá đơn lẻ, thì thuật luyện khí cổ truyền trong võ Hét kết hợp hàng chục bộ pháp, từ tay, chân, thân, đầu trong một chuyển động, nên hiệu năng lấy “khí” càng mạnh.

3.jpg -0
Hoạt động truyền thụ thuật luyện khí tại Trung tâm Khí công Việt cổ Nhất Nam.

Giới thiệu với chúng tôi về cách thức tập luyện, võ sư Trần Bình nói: “Khác với nhiều môn khí công “ngoại” là hít vào bằng mũi, khí công Nhất Nam hít vào bằng miệng với tiếng rít đặc trưng, lưỡi cong lên tì vào vòm họng trên, kết hợp với ép nén cơ hoành. Cách lấy hơi kết hợp giữa hai dạng (tĩnh, động) trái ngược, trên nguyên lý thổ nạp âm - dương, lấy nông đẩy sâu, lấy sâu ép nông làm cho thể tích phần ngực được mở ra ở mức tối đa, khả năng trao đổi chất và làm sạch phổi ở mức tối đa. Tiếp đến kỹ thuật ép nén từ nội tạng xuống phần “đan điền” giúp cho các mao mạch có thời gian tiếp nhận, trao đổi không khí ở mức cực đại”.

Anh giải thích, khi cơ thể nhận được nguồn hơi lớn nhất,đồng nghĩa với việc phải chịu một áp lực lớn từ bên trong, hệ thần kinh sẽ tập trung các nguồn lực để chống lại áp lực đó, nên những tạp niệm tạm thời bị dừng lại, làm “trống” tâm. Tiếng rít vào tạo ra âm thanh lớn làm tâm “trụ” lại, không bị tạp niệm hay phân tán. Nó cũng tạo ra luồng khí lớn ma sát làm rung thanh quản, ý sẽ tập trung nhiều tại thanh quản, thuộc phần trụ lõi của cơ thể, tâm sẽ được “kéo về” với thân. Khi tâm - thân hợp nhất thì nạp khí vào rất mạnh.

Xiển dương môn pháp

Được biết, sau nhiều năm tháng khổ luyện, cuối cùng Bình đã được phép của thầy Chưởng môn cho mở lớp huấn luyện chuyên biệt về khí công của môn phái. Ngày 2/4/2019, Trung tâm khí công Việt cổ Nhất Nam được thành lập.

Buổi đầu chỉ một thầy một trò, nhưng sau đó bởi những hiệu quả thực chứng từ việc tự chữa lành nhiều chứng bệnh, mà lượng học viên đã tăng lên nhanh chóng. Võ sư Bình cho biết môn khí công này phù hợp với tất cả mọi người, ai cũng có thể tìm thấy những ích lợi từ môn học này, nhưng nhóm người phù hợp hơn cả bao gồm những người có ít thời gian nhưng lại yêu cầu đạt được hiệu quả chữa bệnh, cải thiện sức khoẻ nhanh chóng, những người đang bị stress từ áp lực công việc và cuộc sống, những người cần tăng cường phong thái trầm ổn, uy nghi của bản thân, tăng cường sức mạnh từ bên trong biểu hiện qua ba yếu tố: “dũng”, “tĩnh” và “nhẫn”.

Chia sẻ về những khó khăn đã trải qua trong những ngày đầu “khai sơn, phá thạch”, anh cho biết bí môn khí công của dòng võ Hét rất ít người biết đến, dù môn Nhất Nam đã được dạy công khai từ hơn 40 năm qua. Vì thế anh đã bắt đầu từ con số 0 để gây dựng “thương hiệu” khí công Việt cổ. Mặt khác, dạy khí công không hề đơn giản là cứ học thuộc bài là dạy được. Khí công, không đơn giản là một môn thể thao vận động thể chất thuần túy, mà đó là bộ môn luyện tập tổng hòa và hợp nhất các yếu tố: thân, tâm, tức (hơi thở) ở mức độ cao nhất. Cái khó nhất trong dạy khí công, nhưng lại là điều kiện tiên quyết, đó là phải giúp người tập có được “thân chứng” trực tiếp về “khí”, cùng những hiệu quả cụ thể về tăng cường sức khoẻ, chữa lành bệnh tật. Nếu không làm cho người học “đắc khí” (thấy được “khí” trong mình như thế nào), thì sẽ rất khó thuyết phục. Vì thế, dạy khí công, dạy bài thì dễ, dạy “khí” mới khó... Điều này đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc thù, kể cả sức lực của người thầy.

Được biết, Trung tâm hoạt động chưa được bao lâu thì đại dịch COVID-19 bùng phát, võ sư Bình cùng các trợ giáo đã liên tục tổ chức các buổi giảng online trên mạng xã hội. Nội dung bài tập bao gồm các kỹ thuật luyện phổi, hệ hô hấp, tuần hoàn… nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, làm khoẻ phổi, tim... để chống chọi lại sự tấn công, xâm nhập của virus.

Dù vất vả và tốn nhiều thời gian, nhưng võ sư Bình vẫn luôn duy trì nhiệt huyết truyền thụ, bởi mong muốn bỏng cháy trong anh là những bài tập khí công hữu ích của tổ tiên người Việt sẽ đến được với nhiều người, để nâng cao sức khoẻ toàn dân. Anh tâm sự: “Tôi chỉ có một nguyện vọng là các thuật luyện khí bí truyền của người Việt cổ sẽ được các thế hệ cháu con biết đến và luyện tập. Không chỉ hướng đến mục tiêu rèn luyện sức khoẻ, mà còn là cách khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, góp phần gìn giữ cho muôn đời sau những giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam”.

Đào Trung Hiếu
.
.