Người kiến tạo nụ cười

Thứ Ba, 24/01/2023, 07:00

Dáng người gầy mảnh, đi nhanh, nói cũng nhanh, bộ quần áo giản dị và cặp kính dày cộp, đó là hình ảnh bác sĩ Nguyễn Văn Hòa khi cởi chiếc áo blouse trắng, thoát vai là Giám đốc một viện nha khoa có tiếng ở Hà Nội để mải miết với những chuyến đi chả giống ai.

Hôm trước vừa hối hả lên Sơn La, hôm sau đã vội vã vào Nghệ An. Ở những nơi xa lắc lơ ấy, anh vừa mới biết tin có những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự giúp đỡ. Trên chiếc ô tô cá nhân, những chuyến đi thường lặng lẽ, nhưng nhất định phải lặn lội đến tận nơi, dù quãng đường xa xôi, dù đi lại mất ngày mất buổi...

1. Cuối tháng 10/2022, nhà anh Lữ Văn Thái (sinh năm 1975) ở bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đón những người khách lạ. Đó là những nhà hảo tâm đến thăm khi bố con anh vừa xuất viện sau trận ngộ độc nặng. Gia cảnh nhà anh thời điểm đó khó khăn chồng khó khăn. Trước đây, trong một lần xẻ gỗ, lưỡi cưa đã khiến bàn tay trái của anh đứt lìa. Chỉ còn một bên tay, người lại gầy yếu, anh Thái chẳng làm nổi việc gì. Chị vợ không có việc làm, thêm ba đứa con lóc nhóc sinh liền tù tì, lần lượt 4, 5, 6 tuổi.

Cuộc sống của họ tạm bợ ngày qua ngày, những bữa ăn no cũng trở nên xa xỉ. Cũng bởi thế, nên khi vào rừng, gặp ổ trứng cóc mà cứ ngỡ trứng ếch, anh Thái mừng húm mang về hấp ăn. Ngờ đâu, cả anh và 2 đứa con bị ngộ độc nặng, phải đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu. May mắn là cả ba bố con đều qua khỏi, nhưng cảnh nhà thì điêu đứng. Nhận được thông tin, bác sĩ Hòa cùng các nhà hảo tâm lập tức lên đường tìm đến tận nơi.

1.jpg -0
Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa trao số tiền hỗ trợ cho vợ chồng anh Lữ Văn Thái ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An.

Đường vào bản Lìm cheo leo và lầy lội, chiếc xe ôtô đường trường quen thuộc của bác sĩ Hòa đành để ở đầu bản. Cả đoàn vượt dốc đi bộ một quãng xa mới đến bìa rừng, nơi có căn lều tạm bợ, lụp xụp của vợ chồng anh Thái. Bác sĩ Hòa đứng lặng khi thấy căn nhà rách nát, tường bằng phên nứa, mái lợp lá, gió lùa bốn phía. Trong nhà chỉ có chiếc giường ọp ẹp, bếp củi đã nguội ngắt, chỏng chơ mấy cái xoong méo mó, tất cả đều trống huơ trống hoác.

Bác sĩ Hòa trở nên đăm chiêu, rồi lập tức vạch ra con đường sống: “Nhà thì có nhóm bạn của nhà báo Như Bình, Báo CAND lo rồi. Nhưng sinh kế hằng ngày mới là quan trọng. Trước mắt, hàng tháng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí cho anh chị nuôi các cháu. Anh chị xem có thể làm được công việc gì phù hợp để tôi hỗ trợ, có được sinh kế lâu dài”. Ước muốn nhỏ nhoi của anh Thái là có bộ tông đơ cắt tóc để có chút thu nhập, vậy mà mãi cho đến khi gặp bác sĩ Hòa, điều đó mới trở thành hiện thực.

Vậy là sau những bế tắc triền miên, sang năm mới này, vợ chồng anh Thái sẽ có nhà mới kiên cố, ấm áp, nghề mới, cuộc sống mới mở ra bớt cực nhọc hơn. Nhận tiền hỗ trợ hàng tháng từ bác sĩ Hòa, người đàn ông dân tộc Thái run run xúc động, bởi chưa bao giờ anh được cầm số tiền lớn như thế. Có lẽ từ lâu lắm, nụ cười mới hiện lên trên gương mặt già nua khắc khổ của hai vợ chồng anh Thái.

“Bác sĩ nụ cười” - nhiều người gọi bác sĩ Hòa như thế, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi, anh không chỉ tâm huyết với nghề, chỉn chu, tận tâm trong lĩnh vực nha khoa, mà còn trao cơ hội cho nhiều người để họ có những nụ cười đổi đời, đổi thay hoàn cảnh. Hai năm COVID-19 căng thẳng, người ta ít nhắc đến bác sĩ Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Viện Nha khoa thẩm mỹ Shinbi Dental, mà chỉ nhớ đến anh là “người giải cứu”. Ít ai có thể tin nổi một bác sĩ lại lặn lội vào tận vườn bẻ vải, lên núi hái mận để bán giúp bà con mùa dịch.

Năm 2021, cao điểm dịch bệnh COVID-19 ở Bắc Giang đã khiến mùa vải gặp bão giông. Con đường chở vải từ Bắc Giang đi các tỉnh bị chặt đứt bởi những chốt kiểm soát dịch bệnh. Nghĩ đến bà con vất vả quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào vụ vải, giờ đây có nguy cơ mất trắng, anh Hòa lòng như lửa đốt. Hỏi han khắp nơi, cuối cùng anh cũng tìm ra đường đi cho quả vải, nhưng là đi đường vòng. Từ Hà Nội, anh thuê xe tải chạy thẳng lên thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn rồi vòng xuống Bắc Giang, vào tận vườn vừa mua vải vừa livestream bán hàng, rồi lại ngược đường ấy xuống Hà Nội. Giá mua ở vườn vải thế nào thì bán cho bà con ở Hà Nội thế ấy, tiền xăng xe bác sĩ Hòa lo. Hết quả vải, anh lại đi giải cứu quả mận ở Mộc Châu, Sơn La ứ đọng không ''Nam tiến'' được vì COVID-19. Anh vừa bỏ tiền túi ra mua lương thực hỗ trợ bà con Thủ đô, vừa thông báo chữa răng miễn phí. Sau những chuyến xông pha, về nhà, vị bác sĩ lại lặng lẽ tự cách li với vợ con để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

2. Dù công việc bận bịu, nhưng lòng trắc ẩn với những cảnh đời bất hạnh luôn thôi thúc bác sĩ Hòa phải thấy tận mắt, hiểu tận nơi. “Tôi là thế, luôn đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Nhìn họ, tôi nhớ lại quãng tuổi thơ nghèo khó”. Bác sĩ Hòa sinh ra và lớn lên ở thị trấn Lục Nam, Bắc Giang. Nhà có 5 anh chị em, anh là út. Gia cảnh nghèo khó, nhưng bố mẹ anh luôn cố gắng cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Khi anh học đại học năm cuối thì mẹ mất. Thời điểm anh ra trường được một năm thì bố anh ốm rồi cũng đi theo mẹ. Anh - chàng sinh viên y khoa chân ướt chân ráo ra trường xoay vần với cuộc sống khó khăn nơi phố thị. Ngày tất bật ở bệnh viện, tối đến, trên chiếc xe đạp cũ, bác sĩ Hòa đi truyền dịch cho bệnh nhân. Sống trong nghèo khó, anh hiểu rằng, những phận người bất hạnh rất cần sự thấu hiểu và đồng cảm. Mà muốn hiểu được họ, muốn giúp được họ một cách hiệu quả thì phải đến tận nơi.

Làm việc gì cũng phải hết lòng và đi đến cùng, đó là điều anh luôn tâm niệm. Thế nên, khi thiện tâm không đi được trọn vẹn hành trình, anh thấy mình thất bại. Thời điểm đầu năm 2022, ngay khi biết tin bé gái 3 tuổi Đ.N.A ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào đầu và phải nhập viện, bác sĩ Hòa đã về tận địa phương hỗ trợ kinh phí cho mẹ bé. Anh đề nghị với mẹ bé rằng khi bé xuất viện, anh sẽ nhận nuôi và lo cho cháu đến khi trưởng thành. “Nhưng điều kì diệu đã không đến với con. Sau gần 2 tháng chịu đau đớn, con đã không qua khỏi. Không cứu được một phận người, tôi thấy xót xa và tiếc nuối…”, nhắc lại, giọng anh trầm xuống, ngậm ngùi.

4.jpg -0
Bác sĩ Hòa và em Nguyễn Thị Giang ở Mộc Châu, Sơn La trước khi phá dỡ ngôi nhà cũ nát để xây nhà mới.

Có chuyến anh lặn lội lên Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang làm thiện nguyện. Trường học vùng biên giới, bọn trẻ cần có cơm ăn no, áo mặc ấm, có chăn có giường để chống chọi với cái lạnh vùng biên, cần nguồn nước sạch và nơi che chắn để tắm gội. Vậy mà tất cả những điều thiết yếu ấy, ở đây đều thiếu. Thương học sinh, thương cả thầy cô, anh và các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. “Hôm ấy, các thầy cô giáo vui lắm, làm cơm mời cả đoàn. Nhưng tôi nhất định trả tiền bữa cơm đó. Các thầy cô nào có dư dả gì, tôi không thể để các thầy cô khổ thêm. Thầy hiệu trưởng nhà trường đã khóc khi nghe tôi nói”.

Giọng tếu táo, anh bảo hiện Tết Quý Mão này đang “đầu tư” vào bất động sản vùng xa lắc lơ cho mẹ con cô bé Giang ở Sơn La. “Giúp được gì thì cứ giúp thôi, không nghĩ ngợi nhiều. Tôi mong sự khích lệ đúng lúc sẽ cứu được những cảnh đời khổ nhọc, sẽ giúp cho những đứa trẻ được học hành nên người”, anh chia sẻ. Khi biết thông tin về cô bé Nguyễn Thị Giang, lập tức bác sĩ Hòa cùng nhân viên của mình vượt 200km đến bản Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La thăm mẹ con em.

Trong căn nhà đổ nát, cô bé Giang sống cùng người mẹ bị khuyết tật ở chân, chỉ biết quanh quẩn trồng ngô, nuôi gà và đi hái chè thuê để nuôi con. Bố mẹ Giang li hôn từ khi em học lớp 1, cảnh nhà khó khăn, nguy cơ cô bé Giang phải nghỉ học giữa chừng. Điều bác sĩ Hòa ấn tượng ở cô bé lớp 9 này là sự ham học và học giỏi. Em luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ và có ước mơ sau này trở thành một chiến sĩ Công an.

Ngay hôm ấy, bác sĩ Hòa đã mua tặng Giang chiếc xe đạp và bàn học mới tinh. Anh lên kế hoạch xây cho mẹ con Giang ngôi nhà mới. Để Giang có điều kiện học hành, thực hiện ước mơ, bác sĩ Hòa nhận hỗ trợ em hàng tháng cho đến khi em trưởng thành, kiếm được tiền nuôi mẹ. Có sự giúp đỡ kịp thời và dài lâu từ bác sĩ Hòa, cô bé Giang có thể tiếp tục học hành và theo đuổi ước mơ; cuộc sống của hai mẹ con họ sẽ có thêm những niềm vui ấm áp.

Thái Hưng
.
.