Nghĩ về lòng tốt

Thứ Năm, 20/04/2023, 07:00

Trong lễ khai mạc Trại sáng tác cuộc thi viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 5, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có bài phát biểu, trong đó có đoạn: “Văn học của chúng ta ở giai đoạn trước, dù có những hạn chế về phương pháp sáng tác, quan điểm nhưng người tốt chiếm vai trò thượng phong. Họ đấu tranh với cái xấu, cái ác, kiềm chế nó, có thể khiến cái ác xấu hổ, cái xấu chùn bước, nhưng bây giờ họ vắng bóng dần. Đây là điều rất đáng suy nghĩ".

Trong lễ khai mạc Trại sáng tác cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 5 (giai đoạn 2022-2025) do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc thi) đã có bài phát biểu, trong đó có đoạn: “Văn học của chúng ta ở giai đoạn trước, dù có những hạn chế về phương pháp sáng tác, quan điểm nhưng người tốt chiếm vai trò thượng phong. Họ đấu tranh với cái xấu, cái ác, kiềm chế nó, có thể khiến cái ác xấu hổ, cái xấu chùn bước, nhưng bây giờ họ vắng bóng dần. Đây là điều rất đáng suy nghĩ".

công ty cổ phần topcv việt nam của ông trần trung hiếu được vinh dự được lựa chọn là một trong top 10 doanh nghiệp xuất sắc-ảnh  nhịp sống kinh tế.jpg -0
Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam của ông Trần Trung Hiếu vinh dự được lựa chọn là một trong Top 10 doanh nghiệp xuất sắc.

Đây là một phát hiện quan trọng về đề tài của văn chương đương đại, khiến người viết liên tưởng đến một vấn đề khá “nóng” gần đây là vấn nạn lừa đảo của các hacker. Đã qua cái thời phá tường, đục két, cướp giật ví, túi xách trên đường, các hacker ngày nay nhằm vào ngân hàng điện tử (E-Banking) hay nói cách khác đang ở thời kì xuất hiện loại lừa đảo trực tuyến. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến thông qua 16 hình thức lừa đảo khá tinh vi.

Từ các chiêu trò giả danh thầy giáo đang đưa học trò đi cấp cứu để lừa phụ huynh chuyển khoản đến giả danh là nhân viên của ngân hàng phát hành thẻ tín dụng; hay sử dụng công nghệ cao thông qua app (ứng dụng), website giả nhằm dụ khách hàng truy cập vào link lạ để đánh cắp mật khẩu và rút tiền tại các ngân hàng… thậm chí, kẻ xấu còn giả danh đồng nghiệp hay người thân gọi video call qua Zalo, Facebook…

Một cụ già đã công tác qua cái thời tem, phiếu, vé, đong gạo bằng bơ và giấy tờ kê khai bằng viết tay chợt thốt lên: “Đúng là không còn chiêu trò nào chúng không làm, kẻ xấu ở đâu mà nhiều thế?”. Nghe xong, tôi động viên cụ: “Cụ bi quan quá, cụ không thấy trong hai năm xuất hiện dịch COVID-19 vừa rồi người tốt cũng nhiều lắm chứ. Người tốt vẫn là số đông, chỉ là chúng ta vẫn có kẻ hở, vẫn sơ hở để kẻ xấu lợi dụng”. Ông cụ hỏi lại: “Vậy kẽ hở ấy là gì?”. Có lẽ, kẽ hở ở chính thói quen của chúng ta thường ưa những gì tiện dụng, ham lợi ích nhỏ và quá tin vào sự “chính danh” của công nghệ chăng?

nguyễn lê ngọc linh-bên trái-đang giới thiệu sản phẩm của mình.jpg -0
Nguyễn Lê Ngọc Linh (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm của mình.

Hẳn nhiều người vẫn nhớ đến những câu thơ trong bài "Phố ta" của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ: “Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?” Hóa ra, sức sống sinh sôi của cây cối, sự tự thanh lọc của nước, của thiên nhiên cũng mạnh mẽ, bất tử lắm. Cũng như cuộc đời này, sự lương thiện, tốt đẹp vẫn luôn là dòng chủ lưu nhân văn xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Chỉ có điều nó hiện diện như thế nào trong từng tình huống, từng hoàn cảnh và trong mỗi chúng ta thì lại muôn hình vạn trạng. Đôi khi cái chưa tốt đẹp, lực cản của sự phát triển lại xuất hiện từ chính những thói quen, từ ngay trong sức ì của chúng ta chứ chưa hẳn là thứ virus, là thói xấu tập nhiễm nào từ bên ngoài…

Hãy thử làm một bài test nhỏ, khi tìm từ khóa “vì thiếu hiểu biết” trên Google, ít nhất đã có rất nhiều kết quả về các loại “bẫy” lừa đảo như: “Sập bẫy lừa đảo qua mạng vì thiếu hiểu biết”; “Buôn bán phụ nữ, trẻ em - dễ bị lừa”; “Tình ngay, lý gian” vì thiếu hiểu biết!”; “Đừng để "tiền mất, tật mang" vì sự thiếu hiểu biết”… nhan nhản trên các báo.

Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi, giữa thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khi điện thoại thông minh luôn trên tay mọi người, tại sao vẫn còn sự thiếu hiểu biết ấy? Có lần, đọc bài viết của tác giả Như Nguyên (Thể thao & Văn hóa) bắt gặp một đoạn nhận xét: “Sống, giống như đi trên một chuyến tàu thời gian. Kiến thức và kỹ năng của bạn là tấm vé cho cuộc hành trình này. Nếu bạn không cập nhật bản thân kịp thời, bạn sẽ bị bỏ lại rất xa. Sau 35 tuổi, bạn chỉ có thể đứng vững giữa dòng chảy của thời đại nếu bạn không để mình hết hạn”.

Có lẽ, việc “để mình hết hạn” không chỉ là tụt hậu mà là một điểm yếu để kẻ xấu lợi dụng cũng như khó có thể giúp ích cho xã hội. Khi cái tốt thất thế, cái xấu sẽ lấn át chứ không để khoảng trống để con người ta suy tính lâu la. Đó là quy luật cạnh tranh trong xã hội người. Và đương nhiên, sẽ chẳng xảy ra điều mà Helen Keller (1880-1968) nói: “Thật tuyệt vời là con người đã sử dụng biết bao thời gian để chống lại cái ác. Giá mà họ cũng sử dụng năng lượng đó để yêu thương người khác, cái ác sẽ tự chết vì buồn chán”.

Khi đọc đến những dòng này, nhiều bạn sẽ cho rằng người viết đang dông dài và đi quá xa so với chủ điểm ban đầu. Thi hào Walter Scott (Scotland) từng nói: “Loài người sẽ diệt vong nếu con người ngừng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta không thể tồn tại mà không hỗ trợ lẫn nhau. Và do đó tất cả những người cần trợ giúp có quyền đi tìm sự giúp đỡ từ người khác; và không ai có khả năng giúp đỡ lại có thể từ chối mà không thấy cắn rứt”. Xin thưa rằng, để làm một người tốt trong thời đại công nghệ không chỉ cần lòng nhân ái như thời đại trước mà cả sự hiểu biết, thông thạo và sáng tạo. Đó là phương tiện, là cách thức để tạo lập nên nhóm, cộng đồng tốt đẹp.

xuất hiện nhiều thức lừa đảo trực tuyến-ảnh vietnamplus.vn.jpg -0
Xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến.

Vậy trong thực tế những người trẻ hôm nay đã tự hoàn thiện mình và trở thành người tốt như thế nào? Còn nhớ, trong số 32 thanh niên tiêu biểu (được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét chọn và trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022), Nguyễn Lê Ngọc Linh (Thanh Hóa) không chỉ khởi nghiệp thành công với mô hình vườn rừng bản Thổ bằng các cây dược liệu, giúp lan toả mô hình đến nhiều địa phương.

Hay câu chuyện về chàng trai Trần Trung Hiếu (Giám đốc Cty Cổ phần TopCV Việt Nam) không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn giúp đỡ cho nhiều lao động có việc làm trong thời gian dịch bệnh. Anh chia sẻ: “Năm 2020, khi Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly xã hội do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng là giai đoạn cao điểm của mùa tuyển dụng. Khi đó, doanh nghiệp không thể tuyển nhân sự làm tại văn phòng, Hiếu đã đề xuất hỗ trợ tạo cổng kết nối việc làm từ xa. Tuy triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt: 188 doanh nghiệp đăng tuyển; hơn 3.000 nhân sự làm từ xa trên TopCV; số lượng sinh viên Hà Nội tham gia ứng tuyển 2.570 người…” (theo Vi Giáng-Báo Pháp luật và Xã hội)…

Lòng tốt, sự tử tế và sự hiểu biết, tự vươn lên luôn thống nhất tạo ra một giá trị văn hóa trong mọi thời đại. Đồng thời, điều đó quay trở lại giúp cho bản thân mỗi người mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn như những gì mà Osho (nhân vật được tờ Sunday Times mô tả "một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20") viết trong cuốn sách có tựa đề: "Từ bi - trên cả trắc ẩn và yêu thương" của mình: “Người tốt nhận thức rất rõ những việc mình đang làm, do vậy mỗi nghĩa cử mà họ làm sẽ càng mang thêm cho họ năng lượng và sức mạnh. Mỗi ngày, họ càng trở nên vĩ đại hơn và tất cả chỉ là một hành trình giúp củng cố cái tôi cá nhân".

Để đạt tới thành công, mỗi người đều phải có quan điểm, chính kiến được tạo nên từ “cái tôi cá nhân”. Đến lượt, cái tôi cá nhân ấy lại góp sức tạo ra giá trị chung cho cộng đồng, chia sẻ và nhân lên những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống này.

Kiến Văn
.
.