Nghĩ về hiền tài

Thứ Sáu, 08/09/2023, 07:33

Khi người viết bắt đầu nhắc đến câu chuyện này cũng là lúc tiếng trống trường vang lên, bắt đầu một năm học mới. Dưới bầu trời thu xanh trong, mọi ngả đường đều đưa bước chân các em bước đến trường, năm học mới hứa hẹn mùa “quả ngọt” của tương lai đó chính là lớp kĩ sư, cử nhân, người lao động… chủ nhân tương lai của đất nước.

Điều ấy gợi cho chúng ta một tầm nhìn sâu xa hơn về khát vọng phát triển của đất nước từ sức mạnh nội sinh của dân tộc mà trong đó yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Thời nào cũng vậy, hiền tài là niềm hy vọng của dân tộc.

giáo dục là quốc sách hàng đầu-ảnh báo nhân dân.jpg -1
Giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Còn nhớ, trong bài ký "Đề tên Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất" niên hiệu Đại bảo thứ 3 (1484), danh sĩ Thân Nhân Trung đã từng viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Kể từ đó đến nay, qua nhiều gia đoạn lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp to lớn về trí tuệ và bản lĩnh của các thế hệ người Việt giúp đất nước vững vàng trong công cuộc chống ngoại xâm và kiến tạo nên văn hiến cho muôn đời.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, người tài không còn phải vượt qua những quy định khắt khe của trường quy thời phong kiến mà được tìm kiếm, trọng dụng với tinh thần dân chủ của một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong "Thông lệnh Tìm người tài đức", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ” (theo: Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.504).

Người tài không chỉ có tài năng cá nhân thiên bẩm, được rèn luyện, tu nghiệp mà phải đặt trong hệ quy chiếu với “ích nước lợi dân”. Cùng với sự phát triển của xã hội, trước những diễn biến phức tạp về tư tưởng, lối sống trong nền kinh tế thị trường, chúng ta càng nhận thức rõ không phải người có tài nào khi được đào tạo, được trao quyền hành cũng thực hiện được bốn chữ “ích nước lợi dân” quan trọng đó.

Lâu nay, trong suy nghĩ của chúng ta sự “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” là điều đương nhiên. Người có trình độ, tài năng sẽ tìm kiếm, tiến cử, bổ sung trọng dụng người có phẩm hạnh, tài năng giống như mình trong dân gian để tăng thêm hiệu quả cho bộ máy của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ có suy nghĩ vụ lợi, lợi dụng quyền lực để làm sai lệch mục tiêu đó.

Chính vì thế, hơn bao giờ hết, sự chặt chẽ, thấu đáo trong cơ chế kiểm soát quyền lực là vô cùng cần thiết. Cơ chế này không chỉ giảm thiểu sai phạm, ngăn ngừa nguy cơ mà còn góp phần tạo nên một thứ văn hóa mới nhằm minh định rõ ràng các giá trị. Trước những cơ hội học tập mọi người đều bình đẳng và không phải e dè, quan ngại về những khuất tất trong con đường sự nghiệp phía trước của mình.

a.jpg -0
Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực tạo điều kiện cho người tài phát huy năng lực. (ảnh mang tính minh họa).

Quy định 114 của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/7/2023 “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, như ở mục 3, Chương II, Điều 3 có nêu cụ thể như sau: “lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”. Người viết cho rằng, quy định kiểm soát này không chỉ là nguyên tắc cơ bản để thực hiện, đánh giá mà còn tạo ra một tinh thần mới được thống nhất từ giáo dục, đào tạo đến quản trị trong việc bồi dưỡng và bảo vệ người tài. Chúng ta còn nhớ, trụ cột thứ 5 mà UNESCO đề ra là “Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”. Hẳn là, để “thay đổi thế giới tốt đẹp hơn” phải bắt đầu từ chính bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước mình trước khi có thể lan tỏa hơn.

Từ hai câu chuyện về hiền tài và cơ chế bảo vệ người tài gợi cho chúng ta một liên tưởng về văn hóa. Đã đến lúc cần nói với con em mình những câu chuyện tưởng như xa xôi, vĩ mô nhưng lại cụ thể, gần gũi trước mắt. Đó là, vì sao Đại học quốc gia Singapore đứng thứ 11 những trường đại học tốt nhất thế giới (Theo bảng xếp hạng QS 2019; vì sao giáo dục Phần Lan đứng đầu thế giới… Học không chỉ để có điểm số cao, có cơ hội việc làm tốt mà làm sao để phát huy được khả năng của mình, làm lợi cho cộng đồng, học để nắm bắt cơ hội và cống hiến cho sự nghiệp kiến tạo tương lai của dân tộc.

Khi giáo dục được Đảng và Nhà nước ta coi là “quốc sách hàng đầu”, trách nhiệm ấy không chỉ của riêng thầy và trò; khi khát vọng hùng cường được trông cậy vào những nhân tố tài năng, mục tiêu ấy đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội và thực hiện một cách quy mô và đồng bộ. Từng người dân, với khả năng của mình đóng góp cho giáo dục chứ không chỉ người có trình độ cao, có tiềm lực về kinh tế.

Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện về một người phụ nữ bình dị có tên là Hoàng Kim Khẩn (59 tuổi) bán bánh mì dạo ở phường Thuận Lộc, TP Huế. Suốt hơn mười năm qua, bà Khẩn miệt mài viết thư xin học bổng cho sinh viên nghèo gửi đến Chương trình Phát triển sinh viên VietHope (VietHope Student Development Program - VSDP) với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

hằng ngày cô khẩn vẫn giúp học sinh sinh viên nghèo viết thư săn học bổng-ảnh báo phụ nữ thành phố hồ chí minh.jpg -2
Hằng ngày cô Khẩn vẫn giúp học sinh, sinh viên nghèo viết thư “săn” học bổng.

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, người phụ nữ ấy đã thốt lên: “Đứa nào cũng học giỏi mà gia đình khổ quá. Thương quá con ơi!” (theo: Thuận Hóa - Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh). Tương tự như thế, là tấm gương bà cụ Huỳnh Thị Diệp (91 tuổi, Thừa Thiên Huế) đã cưu mang gần 130 sinh viên nghèo cùng nhiều cấp chính quyền đoàn thể, nhà hảo tâm khác ở nhiều nơi đã nâng bước các em đến trường, giúp các em có cơ hội học tập để trở thành cử nhân, kĩ sư đóng góp cho đất nước.

Hiền tài, một vấn đề lớn lao của mọi thời đại nhưng cũng rất cụ thể, tinh tế trong chính cuộc sống này. Ông Les Brown, chính trị gia người Mỹ từng nói: “Tôi tin rằng cuộc sống là một chuyến hành trình, thường khó khăn và đôi khi tàn nhẫn không ngờ, nhưng chúng ta đều được chuẩn bị tốt cho nó nếu chúng ta biết nắm lấy tài năng của bản thân và cho phép chúng nảy nở”. Với sự kì vọng của cộng đồng và sự giúp đỡ của xã hội, bản thân mỗi người không chỉ trông cậy vào năng lực của nhân tài, vào những người giỏi xung quanh chúng ta mà còn biết phát huy phẩm chất tốt nhất trong con người mình sự nảy nở mà Les Brown nhắc đến.

Đến đây, người viết chợt nhớ đến lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên.

Ông nói: "Năm khởi động có cái khó riêng, năm tăng tốc có cái khó riêng, năm gói lại có cái khó riêng. Chúng ta đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới. Chúng ta đã tích lũy được một số năm, đã nhìn thấy ưu điểm, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, nếu năm nay không vượt qua được, khuyết điểm sẽ vẫn còn nguyên, khó khăn sẽ tích thêm và ảnh hưởng tới cả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông".

Để tìm kiếm trọng dụng người tài, để trở thành người tài đều cần đến sự nỗ lực từ việc nhỏ nhất, từ thời khắc đầu tiên khi tiếng trống khai trường vang lên để thực hiện mục tiêu và ước mơ của mình. Quyết tâm và nỗ lực âu cũng là một nét văn hóa thể hiện quyết tâm trước vô vàn thách thức…

Kiến Văn
.
.