Nghĩ từ một ứng xử với rác

Thứ Năm, 28/07/2022, 14:23

Ứng xử với rác không còn là câu chuyện mới, nhưng làm sao để khai thác rác thật hiệu quả mới là điều đáng nghĩ. Có lẽ đến lúc đó, chúng ta sẽ không còn lo rác thải làm ô nhiễm môi trường sống cũng như những hệ quả từ nó.

Anh bạn tôi kể, ngày mới lập nghiệp ở thành phố, sau khi mua xong căn hộ chung cư và sửa sang lại, anh ngỏ ý đón bà nội tụi nhóc lên chơi, bà cụ hỏi: “Thế nhà anh có gần bệnh viện không?”. Nghe xong cả nhà lảng sang chuyện khác. Hôm lên nhà anh, lúc vừa ra khỏi thang máy bước vào nhà, việc đầu tiên là bà cụ hỏi: “Cái sọt rác nhà mày để đâu?”. Đúng là người già lẩm cẩm và “lệch pha” so với tư duy của giới trẻ.

Thế nhưng, khi tôi đến thăm nhà anh và tiếp xúc với bà cụ, tôi lại thấy mọi chuyện không như anh nói. Mẹ anh tuy đã già nhưng minh mẫn. Bà tinh tế và lo xa. Đặc biệt, không rõ nhờ cách nào mà bà còn biết bên Nhật người ta phân chia rác làm 8 loại khác nhau. Bà bảo, nhìn cách họ ứng xử với đồ bỏ đi (rác) thì biết cách họ tạo ra tiền của. Tôi nghe thấy thú vị nhưng ngày đó còn ít tuổi, suy ngẫm mãi mà chưa tỏ.

điểm đổi quà tại thị trấn phước cát-lâm đồng-ảnh nguyễn thị thủy.jpg.jpg -0
Điểm đổi rác lấy quà tặng tại thị trấn Phước Cát - Lâm Đồng.

Một hôm, tôi đến nhà một ông bạn, thấy anh đang ngồi một mình trước cái tivi màn hình lớn, trước mặt là mấy chai bia, ít mồi nhậu và hò hét. Hỏi sao không rủ bạn hay lập team xem bóng đá cho vui, anh thành thật: “Đội bóng U19 của Việt Nam bị loại ở bán kết rồi, còn ai nào máu mê nữa đâu. Đó, các ông cứ bảo các ông yêu bóng đá mà đội nhà thua là quay ngoắt 180 độ”… Thấy vậy, chị vợ anh nói chen vào: “May mà bị loại đấy, gớm, hôm nào có bóng đá thì sáng hôm sau rác đầy đường, dọn rác đến khổ”.

Lúc ấy, bất chợt người viết có một sự liên tưởng giữa rác với sự thất bại - hai thứ mà nhiều người trong số chúng ta không muốn phải đối diện. Họ sợ xem lại những trận thua như cách họ qua loa với rác của chính mình sau những cuộc vui.

Đã đến lúc chuyện vứt rác, xả rác của Việt Nam không thể  tùy tiện. Tới đây, khi Nghị định 45/2002 có hiệu lực thì các chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt. Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư. Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh, thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương… Khi việc xả rác bị siết chặt, vấn nạn ô nhiễm sẽ dần bị đẩy lùi, người dân cũng sẽ nhận ra được lợi ích từ những quy định, biến nó thành ý thức, thói quen của mình.

Nhưng bạn thử ngẫm mà xem, thực ra, không chỉ tồn tại các loại như chất ăn mòn; chất thải dễ nổ; chất thải dễ bắt lửa, dễ cháy; chất thải dễ bị oxy hóa... mà nguy hại hơn, đó là những thứ giả danh ngụy tạo. Cách đây vài năm, dư luận từng bức xúc với những hành động dưới vỏ bọc “bảo vệ môi trường” của 4 người đàn ông (họ chỉ che chắn một ít ở bộ phận sinh dục) đi motor trên đèo Mã Pì Lèng hay những trend chụp ảnh “nóng” giữa thiên nhiên hoang dã. Điều đó tạo ra một thứ “rác” độc hại cả hệ sinh thái tinh thần. Hay nói cách khác đó là khi “rác” chồng lên rác, gây bức xúc dư luận.

hướng dẫn trẻ bỏ rác đúng nơi quy định trên phố đinh tiên hoàng - hà nội-nguồn ảnh kinhtedothi.vn.jpg -0
Hướng dẫn trẻ bỏ rác đúng nơi quy định trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Giữa lúc đang rất băn khoăn để tìm ra một cách làm ý nghĩa, người viết vô tình được biết thông tin: rapper Đạt Maniac sẽ bán album của mình bằng hình thức khá lạ, anh chia sẻ: “Mọi người sẽ phải gom 10 cân rác, mà đó phải là rác thải tái chế được, đến ba địa điểm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội để đổi lấy album (có thể là đĩa nhạc hoặc USB chứa file bài hát)”.

Cách làm của chàng trai trẻ này liệu có gì sáng tạo hơn so với những nghệ sĩ từng trực tiếp thu gom rác thải, kêu gọi bảo vệ môi trường bằng sự ảnh hưởng của mình. Tôi nghĩ rằng, điều sâu xa hơn là Đạt Maniac sẽ làm thay đổi ít nhiều suy nghĩ của chúng ta về rác. Chừng nào chúng ta không sợ, chúng ta biết trân trọng rác, khi ấy mới có cách thức hạn chế rác, gom rác, loại trừ nguy cơ ô nhiệm từ rác.

Nếu thử đặt mình vào vai một nghệ sĩ như thế, liệu bạn có chạnh lòng khi coi sản phẩm nghệ thuật của mình là vật ngang giá với rác hay không? Thực ra, suy nghĩ của rapper Đạt Maniac cũng có nét tương đồng với xu thế “sống chậm” của thế giới. Nhà bác học Albert Einstein quan niệm rằng: “Cuộc sống khiêm tốn và bình lặng mang lại hạnh phúc hơn việc theo đuổi thành công không ngừng nghỉ”. Bản thân việc “theo đuổi thành công không ngừng nghỉ” mà nhà bác học nổi tiếng chỉ ra cũng tạo ra nhiều hệ luỵ mà con người phải trả giá. Chỉ tính riêng những áp lực, sự căng thẳng, toan tính, sự lãng phí… đã tạo nên một thứ “rác” nguy hại cho chính cuộc sống của mình.

rapper đạt maniac sẽ phát hành album đầu tiên bằng cách đổi lấy rác-nguồn ảnh báo tiền phong.jpg -0
Rapper Đạt Maniac sẽ phát hành album đầu tiên bằng cách đổi album lấy rác.

Suy cho cùng, việc chúng ta dừng lại, suy ngẫm ở những điểm dừng để tự điều chỉnh, tự thay đổi bản thân, để chu đáo hơn với gia đình, người thân, cộng đồng đâu phải là để nghỉ ngơi cho riêng mình. Nếu bạn ném một túi rác ra bãi biển, xuống dòng sông trước nhà, xuống bờ kênh, ra vỉa hè… thì đó sẽ là “quả bom” rơi xuống tương lai, nơi mà thế hệ con cháu chúng ta đang hy vọng, đang mong mỏi như một bến đỗ lý tưởng.

Sự thiếu trách nhiệm của con người hôm nay có thể còn huỷ hoại ước mơ của các thế hệ mai sau là điều không còn xa vời. Đâu chỉ việc dành thời gian để thu gom rác mới có ý nghĩa mà ngay cả việc có được những phút nghỉ dưỡng bên người thân để cùng trò chuyện, cùng đọc sách, cùng bàn thảo về những dự định cũng là cách để giảm thiểu những bất cập nảy sinh trong xã hội.

Gần đây, khi theo dõi mạng xã hội, người viết rất thích thú với hình ảnh những cuốn sách được check in ở các khu homestay. Người khách du lịch hôm nay đã mang theo sách để đọc ở điểm du lịch thay vì đến đó chỉ để ăn, uống, nô đùa. Hoạt động này đôi khi xuất hiện hàng tuần như một cách nạp năng lượng sống và bổ sung thêm ý tưởng sáng tạo cho bản thân. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nhận ra cần hạn chế rác, hạn chế những bất cập, vấn nạn từ gốc thay vì chạy theo để khắc phục hậu quả đơn thuần. Rác nhiều hay ít, khó hay dễ xử lý cũng phần nào phản ánh đời sống sinh hoạt của từng cá nhân, nhóm người.

Rác không chỉ là chất thải loại từ sinh hoạt mà còn là nguồn tài nguyên. Chúng ta đã có hẳn một tổ chức PRO Vietnam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam) “tập trung hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường, đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có….”.

Từ những việc làm ý nghĩa đó, ngẫm ra, ứng xử với rác không còn là câu chuyện mới, nhưng làm sao để khai thác rác thật hiệu quả mới là điều đáng nghĩ. Có lẽ đến lúc đó, chúng ta sẽ không còn lo rác thải làm ô nhiễm môi trường sống cũng như những hệ quả từ nó.

Lâm Việt
.
.