Nghĩ nhanh cùng Social Listening

Thứ Năm, 04/04/2024, 10:35

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chia sẻ: “Công cụ lắng nghe mạng xã hội ra đời giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. Thí dụ, trong 8 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hệ thống đã ghi nhận 65% số lượt thông tin về thành phố là tích cực, 25% trung lập và 10% tiêu cực. Từ đó, thành phố có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp” (theo Báo Nhân dân).

Được biết, TP Hồ Chí Minh vừa triển khai công nghệ lắng nghe thông tin từ mạng xã hội có tên là Social Listening. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chia sẻ: “Công cụ lắng nghe mạng xã hội ra đời giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. Thí dụ, trong 8 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hệ thống đã ghi nhận 65% số lượt thông tin về thành phố là tích cực, 25% trung lập và 10% tiêu cực. Từ đó, thành phố có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp” (theo Báo Nhân dân).

Nghĩ nhanh cùng Social Listening -0
Người phụ nữ bán ve chai và câu chuyện gieo lòng nhân ái.

Có lẽ, thông tin này sẽ tạo ra nhiều sự bàn thảo thú vị. Tác giả Lê Bích (Đinh Trần Tuấn Linh) trong bài viết có tựa đề: "Lắng", "nghe" và lắng nghe mạng xã hội phân tích: “Việc phản ứng quá nhanh với dữ liệu từ mạng xã hội cũng là một khía cạnh khác cần đặt câu hỏi. Chúng ta đều biết, luật, hành chính, thủ tục luôn luôn đi chậm hơn đời sống. Việc kết hợp hai cách nghĩ nhanh, thay đổi theo giờ (của social listening) với cách nghĩ chậm, chắc chắn (của hành chính công) có đem đến hiệu quả mà chúng ta mong muốn, hay sẽ chỉ là công cụ dùng để xử lý những đám cháy nhỏ mà không còn nguồn lực để làm những điều cốt lõi hơn?” (theo Báo Dân trí).

Chuyện Social Listening có thể là mới mẻ và mau lẹ nhưng cũng nằm trong một quy luật tất yếu. Bản thân người viết cũng từng được dự vài cuộc bàn thảo từ nhỏ đến lớn, từ nhà ra ngõ và thấy vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang đứng trước quá nhiều sự lựa chọn: Phải mới hơn, phải khác đi, phải hội nhập và đưa ra những giải pháp thích hợp nhưng lại cũng sợ những nguy cơ mất kiểm soát bởi sự phát sinh của cái mới, cái chưa có tiền lệ... Lắng nghe đâu có đơn giản.

Lại kể, lâu lắm không gặp một bác ở cơ quan tôi đã nghỉ hưu, hôm rồi hai bác cháu ngồi uống trà, bác chia sẻ với tôi như thế này: “Cuộc sống hôm nay đang bắt chúng ta nghĩ nhanh quá. Chẳng phải thế sao, anh thử nghĩ mà xem: Món hàng sale có thời hạn, một chiếc xe “lướt” người rao đang cần chốt đơn, cái tin không đọc nhanh nó trôi mất... Cuộc sống đang không cho chúng ta nghĩ lớn. Chả thế mà giờ nghe nhạc thấy tụi trẻ nó toàn giận hờn, buồn, vui, yêu đương vụn vặt...”.

Câu nói ấy làm tôi thoáng giật mình. Chẳng nhẽ, chúng ta đang bị chính thị hiếu của mình quy định, gò ép bởi cái tư duy khoảnh khắc đó sao? Giới trẻ thích TikTok, Reels, chọn cà phê ly nhựa, ly giấy, thích được phục vụ bằng sử dụng thiết bị rung để khách hàng tự nhận đồ, tự chọn thay vì chờ đợi sự phục vụ của cửa hàng, hay đợi từng giọt cà phê tí tách rơi... Nhưng, đâu phải mỗi lớp người trẻ, người trung tuổi giờ đây cũng đang say sưa với review phim, các clip tóm tắt, hướng dẫn trên YouTube...

cảm xúc của người dân khi thảo luận về một vấn đề được phần mềm socialbeat tổng hợp theo vùng-ảnh vnexpress.net.jpg -0
Cảm xúc của người dân khi thảo luận về một vấn đề được phần mềm Socialbeat tổng hợp theo vùng.

Thật ra, nhịp sống công nghệ đã buộc chúng ta có sự lựa chọn phân định rõ ràng hai trạng thái nhanh và chậm trong chính bản thân mỗi người. Một mặt, việc phải đối mặt với sức hút mạnh mẽ của dòng xoáy workaholic (nghiện việc) khiến mỗi người phải tự sắp xếp, dọn dẹp lại thời gian biểu của mình trong khung 24 giờ. Mặt khác, nhu cầu sống plus (sống chất lượng hơn, vui vẻ, khỏe mạnh hơn) cũng đang được các bạn trẻ hướng tới như một đối trọng để lấy lại sự cân bằng.

Hay, có thể hình dung một cách đơn giản thế này: bạn buộc phải ăn vội đồ ăn nhanh, đón xe hay lái xe đi làm vội, gửi một emoji cảm xúc cho người khác khi việc “ngập đầu”... nhưng đến cuối tuần hoặc kì nghỉ, bạn lại tiêu tốn thời gian (và tiền bạc) ở các homestay, resort để ngắm từng giọt cà phê, chờ món đồ nướng chín hay nghe một khúc guitar, thậm chí còn mải miết trekking tại một vùng núi, rừng nào đó. Vậy, chúng ta đâu có bị mất kiểm soát bởi cuộc sống này?

Trở lại với câu chuyện về công nghệ Social Listening. Lắng nghe những tiếng nói trong xã hội có lẽ đã là một đòi hỏi thiết yếu, không chỉ của riêng các nhà xã hội học, các nhà quản lý mà cả ở mỗi người. Ngày nay, khi đưa ra ý kiến của mình, thay vì chỉ nêu ra nhận xét của mình, bạn sẽ tham chiếu thêm dư luận mạng xã hội. Thậm chí, có người cho đó là tòa án phán xét nhanh nhất mọi hiện tượng trong đời sống. Người viết cho rằng, khái niệm listening trong câu chuyện phải được hiểu rộng hơn sự lắng nghe, thu thập thông tin thông thường mà còn là tiền đề để phân tích, hành động.

Nghĩ nhanh cùng Social Listening -0
Quan niệm sống nhanh và sống chậm không hề mâu thuẫn với nhau nếu chúng ta biết lắng nghe.

William James (1842-1910) từng nói: “Cách nhìn của chúng ta về thế giới thực sự được định hình bởi điều chúng ta quyết định lắng nghe”. Nhà tâm lý học người Mỹ đưa ra cho chúng ta một khái niệm mà đến nay vẫn còn mới mẻ: “Quyết định lắng nghe”. Hóa ra, lâu nay chúng ta cứ ngỡ nghe chỉ là sự thụ động bởi người nói mới cần cân nhắc như cổ nhân đã nói “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Dám nghe, dám chấp nhận sự thật và chỉ riêng việc phân loại thông tin để nhìn nhận các vấn đề đã quyết định đến sự thành công. Và, ở một góc độ nào đó, những sự lựa chọn nghe cũng là một nét văn hóa của ngày hôm nay...

Thật ra, sự bùng nổ thông tin và tiện ích trong việc tiếp cận, thu nạp những dữ liệu hôm nay càng đòi hỏi một chính kiến mạnh mẽ. Số đông có lúc là sự dẫn dắt, là sự cảnh báo trực tiếp nhưng đôi khi cũng cho thấy một thực tế khác mà người tiếp nhận cần phải suy luận, phân tích tỉnh táo. Bởi, ngay cả với thuật toán phân phối tin tức dựa trên nền tảng của AI chỉ là kết quả của một “bộ não” hết sức... cơ học. Trong khi, việc lắng nghe còn đòi hỏi một tình cảm xã hội để thấy đâu là sự phát triển của dòng chủ lưu, đâu là những bất cập vướng mắc và phản ứng tức thời của một nhóm ý kiến.

Người viết cho rằng: bạn hãy cứ dành cho mình những thời điểm thích hợp để cảm nhận cái gọi là slow life (sống chậm) nhưng cũng đừng quên nghĩ nhanh sau khi lắng nghe tin tức. Nghĩ nhanh ấy khác với sự hấp tấp, vội vàng, nhanh ở đây là sự quyết đoán, nhận diện các giá trị để điều chỉnh và thay đổi.

Hãy thử test nhanh mạng xã hội, bạn sẽ phải trực diện trước các tin tức như: Lỗi D6 của một nhân viên đóng cửa hàng sớm 1 phút (và bị phạt 300.000 đồng); hay một bài báo cảnh báo: Sau tivi, trò chơi điện tử của quá khứ thì chiếc điện thoại sẽ là “kẻ thù” của giáo dục gia đình; Người phụ nữ bán ve chai mang bao gạo và dầu ăn đến tặng quán cơm chay Thiên Phước 5.000 đồng ở Q.11, TP Hồ Chí Minh vì đã từng cưu mang chị... Đằng sau mỗi tin tức ấy là một câu hỏi: Bạn thấy sao?

Con người ngày nay khó có thể lẩn tránh những câu hỏi như vậy dẫu đó chỉ là sự cật vấn của nội tâm. Thiết nghĩ, đó không hề là áp lực mà chính là một sự tham dự, một sự đóng góp của mỗi thành viên trong xã hội. Chúng ta đâu chỉ dừng ở việc thực hiện đủ các nghĩa vụ công dân mà nên còn có trách nhiệm xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh từ chính dư luận. Social Listening sinh ra để lắng nghe cảm xúc, một loại cảm xúc đầy trách nhiệm, trí tuệ và khát vọng vươn tầm của địa phương cũng như đất nước. Khi nhân dạng hóa ngày càng được nhận thức sâu sắc, có lẽ, mỗi người cũng cần nâng cao ý thức và “trách nhiệm số” của mình để phản ánh khách quan, trung thực nhất ý kiến phản hồi trước các chính sách, chủ trương với tinh thần xây dựng cộng đồng, kiến tạo tương lai...

Thu Trang
.
.