Nghệ thuật phải được sống ở nơi đáng sống
Nhắc đến Đà Nẵng, không ít người Việt sẽ nhớ tới biệt danh “thành phố đáng sống”. Phải thừa nhận, đây không phải là một biệt danh tâng bốc thái quá.
Nếu ai đã từng ghé thăm Đà Nẵng, khả năng cao là người ấy muốn quay lại, thậm chí muốn định cư ở đó nếu như cơ hội cho phép. Những ai từng ghé thăm Đà Nẵng mấy năm trở lại đây sẽ còn ấn tượng hơn nữa với sự phát triển trong đời sống văn hóa xã hội của thành phố biển miền Trung này.

Internet đã giúp cho con người tiếp cận, cập nhật với thế giới hơn và đó là một trong những lý do để Đà Nẵng có được một tiêu chuẩn sống không thua gì Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, về âm nhạc, Đà Nẵng cũng có những phát triển rất đáng kể với những nhóm nhạc, nghệ sĩ trẻ đang hoạt động với nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các đồng nghiệp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, những phát triển sánh ngang hai đô thị lớn nhất cả nước kể trên chỉ nằm ở mảng văn hóa đại chúng, nghệ thuật đại chúng, giải trí mà thôi. Ở lãnh địa của âm nhạc hàn lâm, Đà Nẵng gần như là một vùng trắng.
Đã từ bao lâu rồi chưa có một buổi trình diễn âm nhạc hàn lâm ở Đà Nẵng? Câu hỏi này ắt khiến nhiều người phải giật mình. Nói thẳng, trong hơn 2 thập niên qua, chưa hề có một buổi trình diễn âm nhạc hàn lâm tầm cỡ ở thành phố được xem là thủ phủ miền Trung. Phải chăng người dân Đà Nẵng không có nhu cầu? Câu hỏi này cần một cuộc khảo sát xã hội thực sự nghiêm túc trước khi vội vã trả lời. Nhưng giả sử như khán giả Đà Nẵng có nhu cầu đi nữa thì cũng không có ai đáp ứng được nhu cầu ấy cho họ cả.
Và Đà Nẵng không đơn lẻ trong việc trở thành vùng trắng như thế. Các đô thị đã và đang phát triển tấp nập suốt hơn 10 năm qua ở Việt Nam đều đang là vùng trắng đối với âm nhạc hàn lâm nói riêng và các loại hình nghệ thuật đẳng cấp nói chung.
Thứ nhất, để tổ chức những đêm diễn như vậy, rất cần một địa điểm tương xứng. Cả nước hiện nay 3 nơi có khả năng đáp ứng cho các buổi biểu diễn với dàn nhạc lớn trong khán phòng. Đó là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Còn lại, ở tất cả các địa phương chỉ tồn tại loại hình nhà hát cho nhạc nhẹ mà thôi. Chính vì không có địa điểm biểu diễn nên từ đó, khán giả các đô thị khác không có cơ hội tiếp cận các loại hình nghệ thuật hàn lâm.
Thứ hai, để tổ chức các chương trình hàn lâm, rất cần sự hỗ trợ đầu tư bởi dù sao đi nữa, nghệ thuật đỉnh cao vẫn kén khán giả và không dành cho số đông. Trong khi tất cả các địa phương đều hồ hởi với các festival tốn cả trăm tỷ đầu tư mà hiệu quả xúc tiến du lịch không như mong đợi, họ bỏ quên luôn nhiệm vụ tối quan trọng: nâng tầm thưởng thức của dân cư.
Đầu tư cho văn hóa là một đầu tư tốn kém nhưng hiệu quả thì lâu bền. Thiết nghĩ, đã đến lúc tất cả các đô thị ở Việt Nam cần phải được chú trọng đầu tư các chương trình nghệ thuật cao cấp như một trong các phương cách bồi dưỡng dân trí. Chúng ta khó có thể nhìn nhận mình là một nước thực sự văn minh nếu như sự chênh lệch về thưởng thức giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh so với các đô thị khác là quá lớn như hiện nay. Và nếu đầu tư này được xem trọng, xem ra con số 350 ngàn tỷ chấn hưng văn hóa gây ồn ào hôm nào sẽ không còn là điều đáng để tranh cãi nữa vì thực tế, con số ấy vẫn là chưa đủ.
Phải để nghệ thuật thực sự được sống ở những nơi ta gọi là đáng sống.