Nghệ sĩ và câu chuyện nên "tiết kiệm" cái danh

Thứ Bảy, 18/03/2023, 12:46

Có một bài vè được truyền nhau trên mạng, nghe thì có vẻ rất hài, nhưng nếu nấn ná suy nghĩ thêm một chút, sẽ thấy có nhiều điều đáng nói. Một thế hệ nghệ sĩ gạo cội, hằng ngày vẫn lên tivi với gương mặt đẹp đẽ, những hào quang bao quanh, nhưng ủ bên trong là một loạt bệnh tật yếu ớt, có thể họ mắc bệnh thật, có thể chỉ là phục vụ cho việc quảng cáo sản phẩm, nhưng các gương mặt và cái danh của người nghệ sĩ bỗng chốc bị rẻ rúng đến tội nghiệp.

Đã có lần tôi đọc ở đâu đó, có nhà văn từng kêu gọi, các nghệ sĩ đừng... bán rẻ gương mặt của mình nữa.

Thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… quảng cáo thực phẩm chức năng, các sản phẩm làm đẹp bị thổi lên quá mức về công dụng, thậm chí còn quảng cáo như thuốc chữa bệnh khiến nhiều người là fan hâm mộ tin tưởng và mua theo sử dụng. Nhưng đa phần các sản phẩm này đều được thổi phồng công dụng, thậm chí có những sản phẩm còn chưa đủ điều kiện để sử dụng. Điều này thực sự nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, bởi phần lớn người dân mua theo trào lưu, theo cảm tính và theo sự nổi tiếng của nghệ sĩ tham gia quảng cáo.

334929940_515708307413155_4548533749457900167_n.jpg -0
Nghệ sĩ Quang Thắng từng quảng cáo thực phẩm chức năng.

Có quãng, chỉ cần mở tivi, YouTube, TikTok… là khán giả lại bội thực với những màn quảng cáo sản phẩm chữa tiểu đường, đau nhức xương khớp, đau dạ dày cho đến trĩ nội, trĩ ngoại... mà "bệnh nhân" không ai khác chính là các nghệ sĩ. Đành rằng, là con người, ai cũng có lúc bệnh tật, nhưng nếu "thường tình hóa" một cách nôm na như vậy, e rằng những lung linh, những hào quang mà một nghệ sĩ buộc phải có, nó sẽ biến mất theo.

Nói đến NSƯT Cát Tường giờ đây, có lẽ nhiều người không nhớ cô đã đóng những nhân vật để đời nào, nhưng chắc chắn sẽ nhớ gương mặt cô gắn liền với một loại sữa. Trong các video clip quảng cáo được đăng tải rất nhiều trên YouTube, TikTok…, Cát Tường kêu gọi uống loại sữa này để hết đau xương khớp, tê bì chân tay,… Ngoài NSƯT Cát Tường, các nghệ sĩ như Quyền Linh, Thanh Thảo cũng xuất hiện trong các video clip quảng cáo loại sữa này.

Các nghệ sĩ đã tận dụng triệt để trang cá nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng. Nhiều người tự nhận mình có bệnh và uống xong thuốc thì khỏi bệnh. Việc họ xuất hiện dày đặc trong các video clip quảng cáo với đủ các loại bệnh đã diễn ra từ lâu, khiến cư dân mạng cười ra nước mắt và chế giễu bằng một bài vè: "Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh/ U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp/ Vai gáy tê thấp, thì gặp Cát Tường/ Nếu bị tiểu đường, Quang Tèo chữa khỏi/ Đột quỵ đừng đợi, gặp ngay Trấn Thành/ Quang Thắng chữa nhanh, dạ dày trào ngược/ Nếu không chữa được, lại gặp Quyền Linh".

335100361_218099137402557_6362224063882337141_n.jpg -0
Nghệ sĩ Vân Dung quảng cáo thực phẩm chức năng.

Sau nhiều đợt bị chỉ trích, nhiều nghệ sĩ phải xin lỗi trên trang cá nhân, gỡ bỏ các quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, số lượng các video clip quảng cáo của nghệ sĩ có giảm nhưng vẫn không được giải quyết triệt để. Để tranh thủ... gương mặt và danh tiếng của mình lúc còn đang hút được khách, một số nghệ sĩ vẫn bất chấp sử dụng hình ảnh của mình để quảng bá cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có người thanh minh, cho rằng bản thân bị cắt ghép hình ảnh chứ không tham gia quảng cáo lố các loại thuốc, thực phẩm chức năng.

Nghệ sĩ Quyền Linh từng bức xúc trên trang cá nhân: "Đây là toàn bộ sự lừa đảo trắng trợn… Linh đã rất nhiều lần thông báo trên mạng xã hội và trên báo chí nhiều lần Linh chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ một  loại thuốc xương khớp, thuốc trị ung thư, thuốc gan thận, thuốc trĩ, thuốc hạ đường huyết, thuốc hôi nách, thuốc yếu sinh lý, thuốc nhỏ mắt mang tên Bà 6 Bà 7, Tây Bắc, Khang Thọ…; đặc biệt là loại thuốc tiểu đường mang tên Blood D nào đó… Còn rất nhiều trang nữa. Họ có thể ghép hình và cắt hình ảnh, tiếng nói của Linh đang nói từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình hoặc là của các sản phẩm khác, lồng ghép vào các sản phẩm của họ, nói thêm nhiều công dụng… và các trang này mọc lên như nấm, xóa trang này mọc lên nhiều trang khác".

Cát Tường, Hương Giang, Thanh Vân, Lan Phương,… cũng từng bị chỉ trích vì quảng cáo xem bói tử vi trên trang cá nhân, sau đó phải xóa bài đăng vì vấp phải làn sóng phản đối của khán giả. Một loạt các gương mặt hot khác như: Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm… còn quảng cáo tiền ảo trên fanpage. Sau khi bị chỉ trích, họ xóa bài đăng, diễn viên Nam Thư sau đó còn lên tiếng xin lỗi công chúng.

334895173_222731440323498_6422027969670834724_n.jpg -0
Nghệ sĩ Hồng Vân từng xin lỗi vì quảng cáo thực phẩm chức năng.

NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo viên sủi Shioka. Quyền Linh cũng xin lỗi vì quảng cáo thực phẩm chức năng mà anh cho rằng có tác dụng hỗ trợ điều trị tận gốc tế bào ung thư.

Uy tín, hình ảnh của giới nghệ sĩ thời gian qua ít nhiều giảm sút khi vướng vào các lùm xùm từ chuyện từ thiện, đến "drama" tình cảm… nên việc quảng cáo sai sự thật của vài "con sâu làm rầu nồi canh" càng khiến dư luận thêm mất thiện cảm.

Nghệ sĩ hay người nổi tiếng vốn có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt là với người hâm mộ. Đó là lý do nhiều nhà sản xuất, các nhãn hàng đã lợi dụng triệt để khi mời các nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm của mình. Đáng tiếc là có nhiều nghệ sĩ vì lợi ích trước mắt hoặc không tìm hiểu kĩ sản phẩm mà quảng cáo sai sự thật, "ngó lơ" công dụng thực sự của sản phẩm đối với sức khỏe người dùng miễn bán được nhiều hàng. Ảnh hưởng của một người nghệ sĩ càng lớn thì sản phẩm càng được nhiều người tin dùng và hàng sẽ bán được nhiều.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng thổi phồng công dụng, quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc.

Bên cạnh đó, các cơ sở này sử dụng các danh hiệu như "nhà thuốc gia truyền", "danh y", "thần y" để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về luật dược.

Để ngăn chặn và phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán, các loại sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh quảng cáo kinh doanh thuốc qua mạng xã hội.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc; quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Đặc biệt là Bộ này đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Nghệ sĩ, hơn ai hết, phải ý thức được sứ mệnh của mình, không chỉ có nhiệm vụ cống hiến nghệ thuật cho công chúng mà còn phải có trách nhiệm với xã hội, với những người hâm mộ. Không nên vì lợi ích mà quên đi rằng mình là người định hướng công chúng. Bất cứ phát ngôn, hành động nào cũng có thể dẫn dắt nhiều người tin theo và làm theo. Và hơn hết, gương mặt, danh tiếng của người nghệ sĩ chân chính thì nên được "xài" một cách tiết kiệm.

Hiền Trâm
.
.