Nghệ sĩ trẻ cần gì khi “ra khơi”
Hội họa đương đại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội khi thế giới rộng mở và số lượng nhà sưu tập trong nước ngày càng tăng. Nhưng để "ra khơi" đến với thị trường khu vực và quốc tế, nghệ sĩ Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, do đó, việc trang bị những hành trang là vô cùng cần thiết, giúp nghệ sĩ có những hình dung rõ ràng, chủ động để "ra khơi" một cách vững vàng.
Việt Nam có vị trí độc đáo nhất trong khu vực
Là một hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Painting of the Year 2024", tọa đàm với chủ đề "Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi" đã mang đến những cái nhìn nhiều chiều về hệ sinh thái nghệ thuật đương đại, những kinh nghiệm của các họa sĩ gạo cội và những điều kiện cần để một nghệ sĩ bước ra khu vực và thế giới. Các diễn giả khẳng định, ngày nay, các họa sĩ trẻ đứng trước những cơ hội rộng mở khi thời đại thông tin và Internet phổ cập, toàn cầu hóa khiến cho con đường phát triển, tìm kiếm thông tin và network rộng lớn hơn, điều đó giúp cho các họa sĩ đương đại có nhiều cơ hội hơn khi đi ra thế giới.
Theo quan sát của một người làm nghiên cứu và giám tuyển nhiều năm ở Singapore và là nhà sáng lập Lân Tinh Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm kết nối và giới thiệu các họa sĩ đương đại, Ace Lê đánh giá Việt Nam có một chỗ đứng độc đáo trong khu vực, chúng ta đang đứng trên vai những người khổng lồ đó là Mỹ thuật Đông Dương. Việt Nam còn là một quốc gia độc đáo về mặt địa lý, lịch sử, có trục hoành là giao lộ về văn hóa, lịch sử với các nước trong khu vực và trục tung là ta có mỹ cảm, thẩm mỹ của một nhóm đồng văn, với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, cộng đồng người Hoa ở các nước. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á nằm ở giao lộ này. Sự độc đáo đó khiến nhóm người sưu tập ngày càng tăng. Theo Ace Lê, đó là một cơ hội cho các họa sĩ trẻ ngày nay nếu họ biết thế mạnh của mình và nhìn sâu vào văn hóa của đất nước để thực hành nghệ thuật.
Về mặt thị trường, Việt Nam đang nằm trong khu vực kinh tế phát triển nên đây là một thị trường tiềm năng. Theo Ace Lê, sau thời kỳ mở cửa những năm 90, thế kỷ trước, Việt Nam là một thế giới lạ lẫm, vì thế, các nhà sưu tập nước ngoài mua rất nhiều tranh của họa sĩ Việt, chiếm đến 90%. Nhưng bây giờ, một tín hiệu vui là có đến 70% là nhà sưu tập trong nước, nghĩa là hội họa Việt đang đối thoại được với khán giả trong nước. Trước đây nếu chỉ phục vụ khách nước ngoài thì hôm nay, thị trường mỹ thuật đã được bản địa hóa. Việc phục vụ khán giả và người tiêu dùng nội địa rất quan trọng, tạo cho nghệ sĩ niềm tự tin lớn để khai thác sâu bản sắc và thế giới riêng của mình.
Theo nhà báo Trương Uyên Ly, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Đơn vị chị cũng làm cầu nối để đưa nghệ sĩ đi ra thế giới, tổ chức những workshop, đào tạo kỹ năng, giúp nghệ sĩ lưu trú sáng tác, bán tranh. Hệ sinh thái nghệ thuật đang càng ngày càng đa dạng hơn.
Còn họa sĩ Trịnh Tuân có hẳn một hiệp hội nghệ sĩ để kết nối và chia sẻ, sẵn sàng đưa các họa sĩ trẻ tài năng đi tham gia các triển lãm, workshop ở nước ngoài.
Đây là những điều kiện thuận lợi để các họa sĩ đương đại phát triển bản thân, định vị bản thân mình. Lợi thế này, thế hệ họa sĩ cha anh không có được. Chia sẻ về điều này, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói: "Thời chúng tôi mọi điều kiện đều hạn chế, chúng tôi lớn lên trong thiếu thốn. Ngày đó không ai quan tâm đến hội họa, nhiều người bạn học cùng tôi đã bỏ nghề vẽ đi kiếm tiền rồi sau này mới quay lại vẽ. Nếu không có tình yêu, thời đó, chúng tôi sẽ không đi được con đường dài với hội họa. Giờ các bạn trẻ thuận lợi hơn, được tiếp cận xã hội văn minh vượt trội, thông tin truyền thông cởi mở sẵn sàng chắp cánh cho các bạn. Ngoài ra, bây giờ các bạn còn nhận được các quỹ hỗ trợ nghệ thuật, rất nhiều lợi thế".
Đóng thuyền tốt mới "ra khơi"
Điều đầu tiên mà các diễn giả khẳng định, đó là họa sĩ trẻ cần tình yêu với nghệ thuật, một tình yêu tuyệt đối và quyết liệt. Bởi nghệ thuật đích thực là một con đường dài đầy chông gai, nhọc nhằn. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa - họa sĩ Việt đầu tiên được mời sang Mỹ triển lãm từ năm 1994 chia sẻ: "Đối với nghệ thuật chúng ta luôn là những đứa trẻ. Rất mông lung, khó biết thế nào là đẹp hay xấu. Phải bằng kinh nghiệm cuộc sống và trái tim yêu nghề, nỗ lực hết mình để đi tìm con đường, may ra mới có thể định hình được bản thân".
Anh khẳng định rằng, một nghệ sĩ trẻ bước chân ra thế giới cần trang bị kiến thức nền tảng cũng như quan niệm về đời sống xã hội. Phải học đến nơi đến chốn thứ mình định theo đuổi, học ở trường, học ở ngoài xã hội, học ở thiên nhiên. Trong thời đại toàn cầu, chúng ta phải làm thế nào để không lạc lõng trong xã hội Việt và không chơi vơi trước quốc tế.
Anh cho rằng: "Nghệ sĩ nếu muốn theo đuổi phải nhận biết bản thân mình trước, bởi nhận diện chính mình là khó khăn nhất. Ta là ai, ta sẽ đi về đâu. Đừng vội nghĩ tới sự nổi tiếng, bán tranh, đó là những thứ đến sau khi chúng ta có đủ đam mê. Làm nghệ thuật là sự tự hành xác chính mình, rất nhiều thách thức và chúng ta phải trả giá rất nhiều. Thế nên, các bạn trẻ hãy chiêm nghiệm và sống, làm việc. Tôi làm nghệ thuật trong tâm trạng mò mẫm, tự đốt đuốc lên đi tìm đường và phải bằng tình yêu của mình với nghệ thuật thôi".
Họa sĩ Trịnh Tuân bổ sung: "Bước ra thế giới họa sĩ trẻ phải có kiến thức nơi mình định đến. Để ra khơi, vươn ra khỏi nơi quá quen thuộc chúng ta cần ngoại ngữ, đó là phương tiện để các họa sĩ trẻ giao lưu, hội nhập quốc tế. Sau cuộc thi “Painting of the year” lần 1, một số họa sĩ được giải nhưng không tự đi tiếp được vì không có ngoại ngữ. Đó là một hạn chế. Họa sĩ trẻ phải nắm ngay những cơ hội của mình".
Có một thực trạng mà theo Ace Lê là đáng báo động, đó là hiện nay, số lượng người trẻ học hội họa rất khiêm tốn. Đại học Mỹ thuật Huế chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp ngành hội họa. Đại học Mỹ thuật Việt Nam số lượng đăng ký nằm dưới mức tuyển sinh, càng ngày càng ít học sinh thi vào trường Mỹ thuật. Các em chọn thiết kế thời trang, nội thất dễ kiếm tiền thay vì theo đuổi hội họa.
Rõ ràng, càng ngày nhân lực càng hiếm mà điều kiện cần của họa sĩ vẫn phải học, muốn "ra khơi" chúng ta phải đóng những con thuyền bằng gỗ tốt. Khi điều kiện cần đó bị lung lay thì chất lượng họa sĩ sẽ không tốt. Điều này đáng báo động vì không có nghệ sĩ tốt thì đời sống nghệ thuật không phát triển được. Nền giáo dục Việt Nam không dạy về lịch sử mỹ thuật, nên chúng ta sẽ thiệt thòi cả về công chúng lẫn nghệ sĩ sáng tác.
Ace Lê khẳng định rằng con đường này rất khó khăn và khắc nghiệt, một thế hệ may ra chỉ đọng lại một vài tên tuổi. Vì thế, trước khi ra khơi, họa sĩ trẻ cần một nền tảng vững chắc, cần ngoại ngữ. Và một điều quan trọng nữa là họa sĩ cần hiểu biết về cách thức thị trường vận hành, hiểu rõ loại giá trị chúng ta muốn tạo ra trong hệ sinh thái để có lộ trình phát triển sự nghiệp của mình. Một nghệ sĩ xuất hiện trước công chúng cần có một triển lãm solo đầu tay, có người mất 10 năm. Thời đại bây giờ quá dễ dãi với nghệ thuật, có người một năm mấy triển lãm solo mà không để lại dấu ấn gì. "Vì thế, họa sĩ phải chuyên tâm vào chuyên môn cứng của mình, ngày nay có nhiều người bổ trợ đi song hành cùng các bạn. Cứ làm việc, đam mê rồi mới nghĩ đến các giá trị tiếp theo, hành trình tiếp theo, phải đi được trước rồi mới chạy sau”, anh nói.