Nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân

Thứ Sáu, 07/06/2024, 07:41

Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét đề xuất chi 256.000 tỷ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Để những năm tới văn hóa phát triển thì không thể không quan tâm tới việc nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân. Chính nhu cầu này mới là một chỉ số quan trọng để xác định Chỉ số Hạnh phúc của một quốc gia.

Chúng ta chưa có một con số thống kê nào cho thấy mỗi năm, người dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức chi bao nhiêu tiền, dành bao nhiêu thời gian cho việc hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật. Rất ít người đặt câu hỏi: Đã bao lâu gia đình chưa đi xem phim, chưa tới viện bảo tàng? Vở kịch gần nhất xem là khi nào và bức tranh nào mình thích? Hay, đơn giản là tác phẩm văn học nào đã đọc trong thời gian gần đây?... Nếu có ai hỏi tới những điều này thì hầu hết mọi người đều có thể trả lời đơn giản là "Dạo này nhiều việc, tôi bận quá, chẳng có thời gian để ý đến phim ảnh".

van hoá là quy%3fn l%3fc m%3fm c%3fa m%3ft qu%3fc gia.jpg -0
Văn hóa là quyền lực mềm của một quốc gia.

Thực tế, trong một xã hội mà cái ăn, cái mặc vẫn đang được đặt lên hàng đầu, thì mỗi người, mỗi nhà đều đang phải nỗ lực chỉ mong kiếm nhiều tiền để có một cuộc sống thoải mái, tiện nghi. Thiết tưởng, khi đời sống vật chất của người dân được nâng cao thì đời sống tinh thần cũng vì thế mà nâng lên, nhưng không phải vậy, phần lớn chúng ta đang thiếu quan tâm hay thậm chí không có nhu cầu và coi thưởng thức văn hóa, nghệ thuật là một điều xa xỉ, vì vừa tốn tiền, vừa mất thời gian, nhưng không mang lại “lợi ích” cụ thể.

Điều này dẫn tới việc những rạp hát không đỏ đèn hằng đêm, những rạp chiếu phim hay những sân khấu kịch thưa vắng khán giả, những viện bảo tàng, các địa danh lịch sử, văn hóa cấp quốc gia cũng ít người lui tới... Bởi thế dẫn tới việc văn hóa bị coi nhẹ, người làm văn hóa ít được tôn trọng. Chưa bao giờ chúng ta phải lo lắng đến thế về tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, về các tệ nạn xã hội gia tăng, về môi trường văn hóa bị xâm hại, về tinh hoa văn hóa truyền thống bị đe dọa trước ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài và cả bên trong.

Chúng ta tập trung kinh tế. Đó là điều cần thiết để hướng tới một quốc gia dân giàu nước mạnh. Nhưng, cũng không thể vì thế mà bỏ qua sự phát triển cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng. Chính nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao của 100 triệu dân, gồm 54 dân tộc anh em là động lực quan trọng cho văn hóa Việt Nam phát triển. Mỗi nền văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo ra tầng lớp hưởng thụ tương ứng và ngược lại, tầng lớp hưởng thụ cũng sẽ tác động ngược lại nền văn hóa, nghệ thuật ấy.

Văn hóa, nghệ thuật là những giá trị do con người làm ra trong quá trình lao động, sáng tạo và đến lượt mình, văn hóa, nghệ thuật quay lại phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần con người. Như vậy, con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hóa, nghệ thuật. Bởi vậy, trong nhiều biện pháp làm cho văn hóa, nghệ thuật những năm tới phát triển, không chỉ ngang tầm với kinh tế và chính trị, mà còn giữ vị trí “soi đường cho quốc dân đi”, thì không thể không quan tâm nâng cao nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của công chúng.

Xã hội mới mà chúng ta đang xây dựng còn thiếu những thiết chế cần thiết để biến hưởng thụ văn hóa thành một nhu cầu, một tiêu chí, một nếp sống bình thường của mọi người dân. Để đạt trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật một cách tinh tường thì môi trường đầu tiên là nếp sống và truyền thống văn hóa của mỗi gia đình phải bắt đầu có sự bồi dưỡng tự nhiên từ lời ru của mẹ, câu chuyện cổ tích của bà và chương trình giáo dục thường thức văn hóa, nghệ thuật của nhà trường, tạo nên những con người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, từ đó có sức đề kháng với cái xấu, việc làm xấu, đồng thời hình thành nên công chúng cho thị trường nghệ thuật trong tương lai.

Tiếc thay, nền giáo dục ngày nay, chương trình chất đầy các kiến thức, nhưng học trò xa dần với những câu chuyện cổ tích, vắng dần đi tiếng ru ầu ơ của ông bà, cha mẹ, mất dần thói quen đọc sách, báo. Đến lúc trưởng thành, làm cán bộ, vẫn không có nhu cầu đọc sách, nhu cầu đi xem các chương trình nghệ thuật, triển lãm, bảo tàng...

Chú trọng phát triển văn hóa, nghệ thuật gắn với hưởng thụ văn hóa tinh thần chính là thước đo tiến bộ xã hội, nó giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, là quyền lực mềm góp phần cho mỗi quốc gia, dân tộc phát triển nhanh và bền vững với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cù Tất Dũng
.
.