Năm bản lề của tầm nhìn xa hơn!
Những ngày đông giá cuối cùng đang khép lại, gió xuân đang về qua chồi nụ mơn mởn và mai đào tung cánh. Chào xuân mới Nhâm Dần 2022 - mùa xuân đầu tiên của năm bản lề cho một tầm nhìn xa hơn của đất nước Việt Nam chúng ta.
Xuân Nhâm Dần 2022 đến, khi vừa tròn một năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân triển khai đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống. Sau một năm trải qua sóng gió của đại dịch COVID-19, các kế hoạch còn lại của 5 năm (2021 – 2025) vì thế sẽ đặt gánh nặng lên năm 2022 - năm đầu tiên của việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Ở Đại hội XIII của Đảng, ngoài việc quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 5 năm (2021 - 2025)… thì Đảng còn đề ra tầm nhìn về mục tiêu phát triển đất nước xa hơn, đến năm 2045.
Trong giai đoạn này, có năm 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 là kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế, vạch ra tầm nhìn về mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong các kỳ đại hội trước, Đảng đã có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI và đến khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ở Đại hội XIII, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 chính là sự kế thừa, cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu do Cương lĩnh đề ra. Đây cũng là cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa trong chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng, bảo đảm sự kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong đường lối phát triển đất nước.
Với năm mới 2022 có ý nghĩa bản lề của Kế hoạch 5 năm (2021-2025), ngay từ ngày đầu tiên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ nhận định rõ năm 2022, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, có thể thấp hơn năm 2021; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường, tiền tệ quốc tế gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề…
Trong các trọng tâm chỉ đạo điều hành, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành: "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Đoàn kết, kỷ cương là thông lệnh mà từ đó Đảng ta chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua giông bão. Đoàn kết, kỷ cương cũng đã tạo nên sức mạnh để đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và bây giờ chính là lúc rất cần để tạo những kết quả về kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2022.