Mùa hè cho tất cả

Thứ Năm, 09/06/2022, 16:07

Trong tuần qua, nhiều trường học trên cả nước đã tiến hành lễ tổng kết năm học với không khí rộn rã và hào hứng. Chưa cần nhắc đến những thành tích mà thầy và trò đã đạt được, chỉ riêng việc trường học hoạt động trở lại bình thường sau các làn sóng dịch COVID-19 đã là một niềm vui của toàn xã hội.

Cứ ngỡ là, sau một năm có quá nhiều thời gian học trực tuyến, các bậc phụ huynh đã "thích ứng" với việc con cái ở nhà. Nhưng, hóa ra nỗi "ác mộng" mang tên mùa hè vẫn chưa thôi ám ảnh nhiều người. Hóa ra, để mùa hè trẻ em được tung tăng, người lớn không phải âu lo đâu có dễ dàng gì.

Một cô giáo đã kể với tôi như thế này: Sau khi kết thúc buổi họp phụ huynh cuối năm, câu đầu tiên mà các phụ huynh nói với cô là: "Cô ơi, hè này trường mình có tổ chức dạy hè không cô?". Cô giáo ấy cũng nói với tôi rằng khi nghĩ đến những dòng startus đầy bức xúc về vấn nạn học thêm, về sự "quá tải", hay kêu gọi "hãy trả lại tuổi thơ cho trẻ", cô chỉ cười và trong lòng cảm thấy buồn. Tôi hỏi: "Có phải vì cô thấy có sự mâu thuẫn trong chính suy nghĩ của phụ huynh chăng?". Cô trả lời: "Không phải thế anh ạ. Em buồn vì như thế là chúng ta chưa có mùa hè…".

để trẻ em và tất cả chúng ta có mùa hè đúng nghĩa-nguồn ảnh báo bình thuận.jpg -0
Để trẻ em và tất cả chúng ta có mùa hè đúng nghĩa.

Thật ra lâu nay, chúng ta đã có những hoạt động hè khá bổ ích: từ các lớp năng khiếu: mỹ thuật, cầu lông và bơi lội, võ thuật đến việc trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho thiếu nhi, "Giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa; tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng; trồng và chăm sóc cây xanh; thắp nến tri ân tại các khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ…" (theo Ngọc Tú - Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn). Nhưng điều mà người viết muốn nói tới là sự nhận thức, từ quan niệm của mỗi người chứ không chỉ phó mặc cho các tổ chức xã hội.

Khi cơn mưa kèm theo không khí lạnh xuất hiện ở Bắc bộ vào những ngày cuối tháng Năm, nhiều người đã bình luận trên mạng xã hội về một mùa hè thật đặc biệt. Người viết chợt nghĩ, thật ra mùa hè đã trở nên đặc biệt như thế từ rất lâu rồi. Hè không còn là kì nghỉ thảnh thơi của trẻ, là niềm vui háo hức của ông bà khi được đón cháu, được ở bên cháu. Theo điều tra mới nhất của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển công bố năm 2020 cho thấy, có khoảng 61% người cao tuổi toàn quốc đang sống với ít nhất một người con ruột. Sống chung và trông nom cháu giúp con cái là việc gần như không thể tránh khỏi. Còn theo nghiên cứu của Tổng cục thống kê năm 2021: Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, 35% trong số đó vẫn làm việc tạo thu nhập, còn lại là lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương, trong đó có chăm sóc cháu. (theo vnexpress.net).

Mùa hè, kì nghỉ hè dường như chỉ còn là khái niệm tồn tại trong niên chế năm học chứ đã "tuyệt chủng" trong thực tế cuộc sống. Điều này liệu xuất phát từ chương trình học nặng nề? Từ những tệ nạn rình rập con trẻ? Từ sự thiếu trách nhiệm của phụ huynh chăng? Theo người viết, nếu nhìn rộng ra hình như mỗi đứa trẻ đang trở thành một gánh nặng khi chưa thật sự tiếp cận đúng đắn với đời sống tuổi thơ của trẻ.

Nếu bạn để ý, trên các tấm hình ảnh quảng cáo về một gia đình lí tưởng với bốn thành viên, những chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi cũng đang thịnh hành, nhiều căn hộ chung cư được thiết kế với 3 phòng ngủ cho bố mẹ và hai con… Nhưng, trong thực tế nhiều gia đình cần nhiều thành viên hơn thế từ sự hỗ trợ của "osin không lương" là ông bà, từ các tour nghỉ dưỡng về ông bà. Ông bà nội, ngoại không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà trở thành "cascadeur" đóng thế cho các ông bố, bà mẹ từ ăn ngủ, học hành, giao tiếp xã hội. Trên danh nghĩa, gia đình Việt ngày nay ít còn cảnh nhiều thế hệ sống chung trong ngôi nhà của ông bà nhưng thay vào đó, cha mẹ đến làm "trợ lý" cho con cái.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa từng chia sẻ: "Có ông bà vừa mới nghỉ hưu, thậm chí phải nghỉ hưu sớm để chăm cháu thay con. Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, thư thái thì họ buộc phải sống lặp đi lặp lại một giai đoạn cuộc đời mà người ta gọi là nuôi con mọn lần hai". Vậy là, đằng sau tuổi nghỉ hưu, sau độ tuổi cống hiến là một thách thức không nhỏ cho những người già. Hay nói cách khác, sau 55 hay 60 tuổi còn một phần đời đang đón đợi mà người già chưa từng trải qua.

Gác lại câu chuyện của người già, thử bàn đến những "ông chủ", "bà chủ" thật sự của họ sau tuổi nghỉ hưu. Tác giả Thiên Vy (trên Báo Trí Thức Trẻ) từng viết: "Tôi từng đọc được một câu hỏi trên mạng xã hội như sau: Trong hôn nhân, thu hoạch lớn nhất của bạn là gì? Có một câu trả lời như sau: thu hoạch được một tên chồng không có trách nhiệm, khiến tôi trở thành một "bà già lắm mồm".

Không rõ, có bao người đàn ông sau hôn nhân trở thành nỗi thất vọng không phải vì nghèo, vì không thăng tiến mà vì một thứ rất chủ quan là trách nhiệm với gia đình như thế. Không biết rằng, trong số những người đàn ông vẫn ngồi nhậu dù đêm đã về khuya (để góp phần tiêu thụ lượng đồ uống có cồn hàng năm khoảng 21 lít rượu hoặc 170 lít bia) có ai nghĩ đến việc mình phải gánh vác gia đình thay vì khóan trắng cho bố mẹ đang ở nhà. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà có em nhỏ viết trong bài văn tả bố của mình: "Bố em toàn say sỉn, khi bố về em đã ngủ với ông nội…". Những ông bố vẫn ham vui như thuở còn độc thân, liệu có nghĩ rằng sự có mặt của mình ở nhà sẽ góp phần bớt đi những gánh nặng cho người thân và xã hội hay không? Nếu trong điều kiện thời gian cho phép, người cha người mẹ nào cũng dành để đưa con đi chơi, để dõi theo kèm cặp, biết đâu sẽ bớt đi nhiều vụ tai nạn thương tâm.

những nỗi lo mang tên mùa hè-nguồn ảnh suckhoedoisong.vn.jpg.jpg -0
Những nỗi lo mang tên mùa hè.

Còn nhớ, khi xảy ra lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hay đại dịch COVID-19 bùng phát… chúng ta cảm thấy ấm lòng trước những nghĩa cử đẹp của nhiều người dân. Họ không chỉ chung tay cùng chính quyền giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn mà còn tạo ra giá trị tinh thần Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần cả sự chủ động để tránh những nguy cơ tổn thất xảy ra trong cộng đồng. Gần đây, những chương trình, những cách làm chủ động như: Chương trình dạy bơi miễn phí cho 200 em thiếu nhi của Ban Chỉ đạo hoạt động hè thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn); bể bơi di động (và tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh) của Trường THCS xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương; hay việc các thầy giáo: Ngô Văn Thoại (Trường Tiểu học Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), Phạm Văn Vũ (Trường THCS Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Văn Kỷ (nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), … xây dựng bể bơi và dạy bơi cho các em chính là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Chính họ đã góp phần đem mùa hè trở lại.

Một người ông, người bà ở tuổi nghỉ hưu, một đứa trẻ hay bất kì ai trong chúng ta vẫn luôn coi mùa hè là một khoảng thời gian đặc biệt nhất. Được gần gũi những đứa trẻ, được có những chuyến đi ra biển, lên núi và quan trọng hơn được sẻ chia phần nào gánh nặng. Dù các tổ chức, đoàn thể có nhiều hoạt động bổ ích, dù đã có các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ nhưng vẫn không thể lấp hết được những lỗ hổng mà chỉ các thành viên trong gia đình, trong xã hội, trong chính ý thức, suy nghĩ của các em. Để các em vừa không bị bó buộc trong bốn bức tường, vừa an toàn khi vui chơi. Hãy nỗ lực để có một mùa hè cho tất cả.

Kiến Văn
.
.