Một hình tượng cần được “mềm hóa” trên màn ảnh

Thứ Sáu, 25/02/2022, 20:29

Như vậy là serie phim truyền hình “Phố trong làng” đã đi đến tập cuối cùng. Sức hút của “Phố trong làng” phải nói là rất lớn, với nhiều tình tiết thú vị, những tuyến nhân vật rất duyên và nhiều clip ngắn cắt ra từ phim đã trở thành xu hướng chia sẻ trên mạng xã hội.

Thực sự, rất cần một lời khen cho VFC (Trung tâm sản xuất film truyền hình Việt Nam), một đơn vị của VTV, đã sản xuất ra một bộ phim hấp dẫn, gần gũi với đời sống như thế. Đặc biệt, việc thể hiện rất tốt một đề tài khó là mô tả các khó khăn của các chiến sĩ Công an chính quy khi về làm việc ở các đơn vị, địa phương thực sự là một “kỳ công” của VFC. Chuyển tải nội dung khó này bằng các câu chuyện sát sườn trong xã hội, từ lợi ích nhóm cho tới quy hoạch đất đai; từ việc giúp người có tiền án về hoà nhập với cộng đồng cho đến các hoạt động xã hội ngầm vv và vv…, “Phố trong làng” thực sự thuyết phục người xem khi khán giả có thể nhìn thấy chính những chuyện xảy ra ở địa phương mình trong đó.

Tuy nhiên, sau “Phố trong làng”, chúng ta cũng cần có một cái nhìn thật khách quan về cách xây dựng nhân vật. Nếu như những nhân vật phụ như Mến, Hiếu, Thuận… rất chân thực, rất đời thì hình tượng những chiến sĩ Công an lại hơi cứng. Từ nhân vật chính là Thượng uý Nguyễn Hải Nam cho tới các nhân vật phụ như Trung uý Đông, Trung uý Hoàng đều chưa thực sự thuyết phục. Không phải do cách diễn xuất của diễn viên mà vấn đề chính nằm ở kịch bản, đặc biệt là lời thoại, đã khiến các nhân vật lẽ ra cần gần gũi hơn lại bỗng dưng xa cách hơn.

Giống như một câu thoại ở những tập đầu phim mà y tá Ngọc nói với Thượng uý Nam, đại ý là “anh nói cứ như tuyên giáo”, đúng là thoại của các nhân vật Công an trong phim rất thiếu tính đời sống. Dường như các lời thoại đều cố gồng lên để truyền tải những thông điệp và khiến chúng vô cùng sáo rỗng. Giá như lời thoại mềm mại hơn, thiết thực hơn, chắc chắn những vai Công an trong phim sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

Từ “Phố trong làng”, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm cho việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an trong điện ảnh, truyền hình sau này. Hình ảnh người chiến sĩ Công an cần sự chỉn chu nhưng không phải là các cỗ máy; cần nguyên tắc nhưng không phải khô khan; cần nghiêm chỉnh, chấp hành kỷ luật đơn vị nhưng không giáo điều, cứng nhắc; cần là một tấm gương điển hình nhưng lại không phải toàn vẹn đến mức độ không có bất kỳ một tì vết nào. Nói chung, các đạo diễn, nhà biên kịch cần để hình tượng người chiến sĩ Công an mềm mại hơn, con người hơn, giống như bất kỳ cá nhân nào ngoài đời và chỉ có một điểm khác là họ khoác lên mình bộ quân phục và có những hành xử đúng theo quy định của nghề nghiệp. Họ cần phải bộc lộ được những cảm xúc rất đời thường chứ không thể khiên cưỡng theo một khuôn mẫu sáo rỗng.

Thực tế, với tình hình hiện nay, rất cần những serie phim truyền hình như “Phố trong làng” để khán giả hiểu rõ hơn công việc của những chiến sĩ Công an. Và nếu rút được kinh nghiệm từ “Phố trong làng” để xây dựng hình tượng người Công an gần gũi hơn nữa, đời thường hơn nữa, chắc chắn VTV và VFC sẽ còn cho ra mắt thêm nhiều serie phim truyền hình về lực lượng Công an có sức cuốn hút còn mạnh mẽ hơn “Phố trong làng” rất nhiều.

Văn Đoàn
.
.