Món quà cho thế giới trẻ thơ

Thứ Bảy, 01/06/2024, 07:00

Thơ là quà tặng tinh thần quý giá mà người lớn có thể mang tới cho trẻ thơ. Thơ cũng rút ngắn con đường giúp trẻ học, hiểu rồi yêu và lớn lên cùng tiếng Việt. Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra, một trong những nhu cầu căn bản nhất của trẻ em là “được an toàn và được âu yếm”.

Trẻ em không chỉ được nuôi dưỡng bởi những yếu tố vật chất như cơm ăn, áo mặc mà còn cần tình yêu thương để phát triển cả thể chất và tinh thần. Một trong những món quà tinh thần mà người lớn có thể tặng cho trẻ em ngay từ những năm tháng ấu thơ đó là những vần thơ, những bài thơ cho thiếu nhi. Bên cạnh thơ trong nước, nhiều bài thơ hay của các tác giả nước ngoài được dịch sang tiếng Việt cũng mang đến cho trẻ em Việt Nam những sắc màu thi ca đa dạng, hấp dẫn.

Thơ “nói” với em về một thế giới đẹp đẽ, bất ngờ

Món quà cho thế giới trẻ thơ -1
Trẻ em sống trong một thế giới giàu yêu thương.

Một trong những món quà “thiên phú” của trẻ em là nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng. Những điều người lớn có thể thấy bình thường, quen nhàm, trong đôi mắt trẻ thơ lại lung linh, đẹp đẽ: Trái đất này rất cũ/ Nhưng mỗi năm mỗi năm/ Nó lại thành mới mẻ/ Khi chồi non nảy mầm (“Phép lạ mùa xuân” - Cicely Mary Barker). Trí tưởng tượng, đôi mắt luôn tò mò, háo hức muốn khám phá đời sống khiến trẻ em luôn phát hiện thấy những điều kì diệu trong hiện thực. Nhìn một cái cây khô, lơ thơ vài chiếc lá đỏ, bé có thể nhận ra một mầm cây:

Dưới vỏ một cành bàng
Còn một vài lá đỏ
Một mầm non nho nhỏ
Còn nằm nép lặng im
Mầm non mắt lim dim
Cố nhìn qua kẽ lá.

             ("Mầm non" - Võ Quảng)

Hình ảnh bé mầm “cố nhìn qua kẽ lá” giống như một em bé tò mò muốn khám phá thế giới nhưng vẫn còn e dè, sợ sệt. Chỉ tới khi nghe được tiếng chim kêu, tiếng suối chảy, tiếng hòa ca của chim muông trong rừng, bé mầm mới đủ dũng cảm để “Vội bật chiếc vỏ rơi/ Nó đứng dậy giữa trời/ Khoác áo màu xanh biếc” (Võ Quảng). Trong thơ Huy Cận, buổi trưa cũng được nhìn dưới đôi mắt đặc biệt của trẻ thơ: “Buổi trưa lim dim/ Nghìn con mắt lá/ Bóng cũng nằm im/ Trong vườn êm ả” (“Buổi trưa hè”), hay một con sông được nhân hóa như một em bé ngái ngủ, vẫn muốn ngủ nướng khi trời đã sáng: “Con sông thức tỉnh/ Uốn mình vươn vai/ Giấc ngủ còn dính/ Trên mi sương dài” (“Mỗi sáng mai về”).

Trong đôi mắt trẻ thơ, thế giới luôn hiện ra bất ngờ, trong những quan sát độc đáo, khác với cái nhìn sự vật là sự vật như người lớn thường quan sát. Nhiều nhà thơ hiểu sâu sắc tâm lí trẻ thơ nên đã tái dựng lại những câu thơ phản ánh đôi mắt và tâm hồn trong trẻo ấy, những bài thơ, vì thế đi vào việc đọc và dễ được trẻ em đón nhận, say mê.

Ngoài ra, trẻ em cũng thích quan sát và đặt những câu hỏi: Tại sao? Những câu hỏi cũng là một cách giúp trẻ tìm hiểu và khám phá thế giới. Đặc điểm tâm lý này được nhà thơ Phạm Hổ ghi lại thú vị qua bài thơ "Thỏ con và mặt trăng": "Thỏ chạy, trăng chạy/ Thỏ dừng, trăng dừng/ Thỏ con ngẩng mặt/ Nhìn trăng lạ lùng/ - “Trăng ơi, có phải/ Trăng cũng có chân?”. Hay, một băn khoăn khác cũng rất trẻ thơ được Bế Kiến Quốc ghi lại: “Những tờ lịch nho nhỏ/ Ngày tháng nối theo nhau/ Em bóc tờ lịch cũ/ Ngày hôm qua đi đâu?” (“Bóc lịch”). Ngắm trăng, nhìn trăng, rước đèn trông trăng vào rằm tháng tám, trẻ em có nhiều câu hỏi về trăng như: “Trăng ơi... từ đâu đến/ Hay từ một sân chơi/ Trăng tròn như quả bóng/ Bạn nào đá lên trời?” (Trần Đăng Khoa). Hay: "Nghìn năm rồi nhỉ/ Bên gốc cây đa/ Cuội ơi em hỏi/ Trăng non hay già?" (Đỗ Trung Quân).

Thơ nói với em về một thế giới giàu yêu thương, nhiều ước mơ

"Xe chữa cháy" của nhà thơ Phạm Hổ là một bài thơ được nhiều thế hệ trẻ em đặc biệt yêu thích. Bài thơ viết về một chiếc xe cứu hỏa nhưng sinh động, đáng yêu hệt một em bé vui vẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người:

Mình đỏ như lửa
Bụng chứa nước đầy
Tôi chạy như bay
Hét vang đường phố
Nhà nào bốc lửa
Tôi dập tắt ngay
Ai gọi chữa cháy
- “Có ngay... Có ngay!”.

Yêu cha mẹ, yêu bạn bè, thầy cô, yêu cả những con vật nhỏ bé quanh mình, luôn muốn sẻ chia và làm những điều thật tốt để giúp đỡ mọi người xung quanh là đặc điểm tâm lí nổi bật của trẻ thơ. Bài thơ "Bóng mây" của Thanh Hào có thể xa lạ với nhiều trẻ em thành phố hiện nay khi miêu tả chuyện mẹ đi cấy nhưng lại gần gũi, dễ sẻ chia bởi tình yêu thương mẹ thì bạn nhỏ ở thành phố hay thôn quê đều đẹp đẽ như nhau: “Hôm qua trời nắng như nung/ Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày/ Ước gì em hóa thành mây/ Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm”. Những bài thơ như "Thương ông" (Tú Mỡ), "Mẹ ốm" (Trần Đăng Khoa), "Mẹ vắng nhà ngày bão" (Đặng Hiển), "Làm anh" (Phan Thị Thanh Nhàn)... là những bài thơ đã đi cùng năm tháng, nói với trẻ thơ về tình yêu thương trong mát, gắn kết và làm vơi dịu những khó khăn của mỗi thành viên trong gia đình.

Món quà cho thế giới trẻ thơ -0
Trong đôi mắt trẻ thơ, mọi thứ đều lung linh, đẹp đẽ.

Tình yêu thương không chỉ dành cho con người mà còn lan tỏa khắp không gian sống của trẻ em. Nhìn trăng, bé có thể băn khoăn thương chú Cuội mà hỏi: "Bà ơi chú Cuội/ Có nhớ nhà không?/ Sao như cháu thấy/ Chú đang xuống trần” (Đỗ Trung Quân). Ngồi nặn đồ chơi, bé nặn phần để dành cho mẹ, cho ba, cho bà và không quên phần dành cho chú mèo: "Đây là thằng chuột/ Tặng riêng chú mèo/ Mèo ta thích chí/ Vểnh râu meo meo!” (Nguyễn Ngọc Ký). Đôi khi, tình yêu thương của trẻ em thể hiện qua việc bé tìm hiểu và chia sẻ với công việc của cha mẹ: Một em bé quan sát vườn cây của ba và má thì nhận thấy có sự khác biệt giữa cây ba trồng và cây má trồng: “Má trồng toàn những cây dễ thương/ Nào là hoa, là rau, là lúa.../ Còn ba trồng toàn cây dễ sợ/ Cây xù xì, cây lại có gai”. Cây của ba là bưởi, là dừa, là sầu riêng, là điều vừa cao, vừa nhiều gai nhọn nhưng yêu ba, bé hiểu thêm về vườn cây ba trồng, cây nào cũng cho em quả ngọt, trái ngon nên bé thấy: "Vườn của ba cây thì dễ sợ/ Mà trái nào cũng thiệt dễ thương" (Nguyễn Duy).

Cần bỏ đi “những chiếc áo nặng”

Trong thế kỉ XX, thơ thiếu nhi Việt Nam ghi nhận nhiều tên tuổi của những nhà thơ như Phạm Hổ, Huy Cận, Vũ Quần Phương, Định Hải, Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa. Bước sang đầu thế kỉ XXI, thơ viết cho trẻ em được xuất bản nhiều, trình bày bắt mắt với nhiều cây bút mới như Thụy Anh, Nguyễn Quỳnh Mai, Mai Quyên, Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Thế Hoàng Linh... Nhiều nhà thơ nhận được những giải thưởng thơ thiếu nhi, nhiều bài thơ được chọn đưa vào sách giáo khoa. Dù vậy, thơ thiếu nhi đương đại dường như vẫn thiếu vắng những bài thơ thực sự đi vào việc đọc và tâm hồn trẻ thơ so với thơ của những nhà thơ tiền bối.

Nguyên nhân chính của thực trạng này có lẽ do nhiều bài thơ còn “đóng vai” trẻ em hơn là nhìn bằng đôi mắt trẻ em, nói bằng tiếng nói của trẻ em. Như một bài thơ viết về em bé ra vườn chơi với ông. Đang ở tuổi hiếu động nhưng em không chạy nhảy, khám phá hay dắt ông đi dạo mà quan sát ông như cách của một người trưởng thành và nhận xét đầy triết lí: “Ông không còn trí nhớ/ Ông chỉ còn tình yêu”, rồi sau đó “Bé khẽ mang chiếc lá/ Đặt vào vệt nắng vàng/ Ông nhặt lên chiếc nắng/ Quẫy nhẹ mùa thu sang” (Nguyễn Thế Hoàng Linh). Những từ “vệt nắng, chiếc nắng, quẫy” có thể khiến người lớn thích thú nhưng lại làm dáng quá đà với tâm lí trẻ thơ.

Hay, một em bé khác trong thơ Mai Quyên khi thấy ai cũng có việc để làm đã hỏi bé thì làm gì. Câu trả lời là: “Mặt trời kể bé hay/ Bé thì làm hạnh phúc” liệu có phù hợp với tâm hồn trẻ thơ? Khi những nhà thơ “đóng vai” người bé, trẻ em thường phát hiện rất nhanh. Những bài thơ, những vần điệu dù trau chuốt, hấp dẫn đến mấy nhưng nếu không nhìn từ đôi mắt và những rung cảm trong vắt của trẻ thơ sẽ khó có thể đi vào tâm hồn trẻ.

Nói tóm lại, với trẻ em, thơ có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng. Cần bỏ đi ''những chiếc áo nặng'', những bài học lớn, ngôn ngữ cồng kềnh, nhà thơ mới có thể đi vào thế giới trẻ thơ. Khi những vần thơ trong như sương mai, lành như nước suối, giàu âm thanh và nhạc điệu, trẻ sẽ đón nhận, sẽ nhớ, sẽ thuộc, cũng như sẽ nâng bước trẻ em dài lâu trên hành trình lớn khôn.

Hương Mộc
.
.