“Mẹ Tổ quốc” rộng vòng tay nhân ái

Thứ Sáu, 04/04/2025, 07:23

Nhiều độc giả Việt Nam đang đón đọc cuốn sách “Việt Nam của Con, Việt Nam của Cha” bản dịch tiếng Việt cuốn hồi ký song hành “My Vietnam, Your Vietnam” (nguyên bản gốc tiếng Anh) của Christina Vo và cha cô là Nghia M. Vo.

Bản tiếng Việt của cuốn sách này, theo thông tin từ Vanvn.vn (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết có 318 trang, phát hành trên toàn cầu vào ngày 25/3/2025 bởi Nhà xuất bản Three Rooms Press (Mỹ), là cuốn hồi ký song hành ghi lại hành trình đối lập nhưng đầy liên kết giữa hai thế hệ trong một gia đình người Việt. Người cha rời bỏ quê hương trong hoàn cảnh tuyệt vọng sau chiến tranh Việt Nam, lênh đênh trên con thuyền nhỏ để tìm kiếm sự sống mới tại Mỹ. Cô con gái sinh ra, lớn lên tại Mỹ và quyết định trở về Việt Nam khi trưởng thành để tìm kiếm cội nguồn và kết nối với bản sắc dân tộc.

55a8d42b6cd4dc8a85c5.jpg -0
Cả nước hướng về Ngày Thống nhất 30/4.

Trên kênh phát hành của AMAZON, cuốn sách cũng được giới thiệu với lời REVIEW dẫn từ Việt Báo “là một tác phẩm dành cho những ai đã rời quê hương nhưng vẫn đau đáu về một Việt Nam trong tâm trí. Nó cũng dành cho những người con sinh ra nơi đất khách nhưng vẫn khao khát muốn tìm hiểu về nguồn cội của mình. Và, nó dành cho tất cả những ai muốn chứng kiến một cuộc đối thoại chân thành giữa hai thế hệ - giữa những người chưa bao giờ rời Việt Nam trong ký ức và những người đang cố gắng tìm về”.

Xuất hiện vào thời điểm cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) nên cuốn sách - như cách gọi của nhà văn Eric Nguyễn (tác giả của tiểu thuyết “Things We Lost to the Water”) là “bản song tấu đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện trong văn đàn”, càng tạo được sự chú ý của độc giả Việt Nam.

Christina Vo là nhà văn đang làm việc trong lĩnh vực phát triển tại Đại học Stanford, từng làm việc cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và Thụy Sĩ. Cha cô là bác sĩ đã nghỉ hưu, là nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử và văn hóa Việt Nam, từng viết nhiều sách về văn hóa Việt và tích cực nghiên cứu, ghi chép lại văn hóa Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Mỹ thông qua các hội thảo và xuất bản sách.

Cứ logic mà luận, sinh ra và lớn lên ở Mỹ như Christina Vo, những hiểu biết về quê hương, nguồn cội hẳn chưa nhiều và trong suy nghĩ sẽ có ảnh hưởng từ những câu chuyện quanh việc người cha từng rời bỏ quê hương trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Thế nhưng, Christina Vo đã quyết định trở về Việt Nam khi trưởng thành để tìm kiếm cội nguồn và kết nối với bản sắc dân tộc.

Hậu chiến tranh, mà có lẽ là sau tất cả mọi cuộc chiến tranh, kể cả chiến tranh vệ quốc, luôn có nhiều chuyện để nói, và là mảng đề tài vô cùng phong phú của văn chương. Việt Nam ta cũng vậy, chiến tranh và sau chiến tranh đều có nhiều chuyện để nói, để ngẫm với đa dạng cảm xúc.

Nói hay ngẫm là quyền của mỗi người, nhưng không ai có thể phủ nhận được sau 50 năm, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã đạt được nhiều thành quả ngoạn mục. Những thành quả ấy không chỉ đơn thuần là ở sự phát triển vượt bậc của kinh tế - xã hội, còn là ở tầm vóc.

Mà, với tầm vóc ấy, ở năm 2025 này, đã đủ điều kiện để tự tin bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Cụ thể hơn, đó chính là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thực ra, chuyện nhà văn trẻ Christina Vo quyết định trở về Việt Nam là không có gì lạ, nhất là sau khi Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam cuối năm 2023 và hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Kể từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ là Việt kiều, kể cả những người rời khỏi Việt Nam trong bối cảnh như ông Nghia M. Vo hoặc với nhiều lý do khác nhau, kể cả bất đồng chính kiến, cũng đã lần lượt trở lại quê hương.

Có người về để tìm nơi an nghỉ cuối cùng ở nơi đã sinh thành, có người là để cống hiến tài năng phục vụ công chúng quê nhà... Sự thành tâm của họ đều được “Mẹ Tổ quốc” dang rộng vòng tay đón nhận. Đó cũng là truyền thống, bản sắc của Việt Nam - một dân tộc nhân ái và yêu chuộng hòa bình.

Mà, không chỉ văn nghệ sĩ Việt kiều về với quê hương, Việt Nam còn là điểm đến an toàn, thân thiện của du khách, nơi thu hút nhiều tập đoàn và doanh nhân quốc tế đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Những điều đó không phải những thứ tài nguyên bỗng dưng có được, mà là sự dày công vun bồi của các thế hệ con người Việt Nam.

Lương Duy Cường
.
.