Màu sắc trong văn hóa, tín ngưỡng

Thứ Sáu, 13/05/2022, 14:20

Màu sắc phản ánh tư duy, nhận thức về mặt tâm lý và phong tục của một dân tộc. Màu sắc không thể tách rời khỏi môi trường nuôi sống con người, nó tạo nét đặc sắc cho từng dân tộc, thể hiện đời sống tinh thần của dân tộc đó.

Cùng với sự du nhập, giao thoa của các nền văn hóa, con người đã dần hình thành những quan niệm có tính triết lý về màu sắc; rồi trải qua hàng thế kỷ, những quan niệm mang tính triết lý đó đã được vun đắp, phát triển ngày càng hoàn thiện hơn.

Màu sắc sử dụng tại đình làng

Ngôi đình làng với tư cách là một thực thể văn hóa mới chỉ ra đời từ khoảng cuối thế kỷ 15; bắt đầu phát triển vào thế kỷ 16 và lên đến đỉnh cao vào thế kỷ 17 - 18. Tuy nhiên, trong lịch sử đã ghi nhận có nhiều loại đình khác nhau được dựng lên. Thời Trần đã có đình trạm cho khách nghỉ chân; rồi đình Quảng Văn là đình để dán các thông báo của triều đình; đình Thưởng hoa… Sử sách ghi nhận, dưới thời Trần, triều đình đã cho đặt các đình trạm làm nơi nghỉ chân, trong đó có nhắc đến việc sử dụng màu trắng sơn quét bên ngoài.

Giờ đây, làng xã nào của người Việt cũng có một ngôi đình. Trong số các loại hình công trình tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt, có thể nói, ngôi đình hình thành muộn nhất, nhưng nó lại là công trình đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh dân dã nơi làng quê. Ngôi đình trở thành một công trình kiến trúc đồ sộ của làng xã, được chọn dựng ở vị thế đẹp, trung tâm của làng. Là công trình chung được dựng lên bởi công sức của cả làng nên ngôi đình được người thợ chăm chút tỉ mỉ từng đường nét, họa tiết hoa văn và không thể thiếu những sắc màu trang trí cả bên trong và bên ngoài để tô đẹp công trình.

3.màu sắc trên cánh gà đình hàng kênh (hải phòng) (1).jpg -0
Màu sắc trên cánh gà đình Hàng Kênh (Hải Phòng).

Màu sắc bên ngoài di tích

Màu sắc bên ngoài một di tích nói chung, ở ngôi đình nói riêng được chi phối bởi cảnh quan không gian, cây xanh, mặt nước và màu sắc của những công trình phụ trợ…

Ngôi đình làng Việt thường được chọn dựng trong một không gian khá thoáng đãng với màu xanh của cây lá bao quanh, màu của mặt nước và màu sắc của những công trình như Bình phong, Nghi môn, các tòa Tả - hữu vu và cả màu của sân đình.

Bình phong, Nghi môn thường được xây bằng gạch, trát vữa và được quét vôi màu trắng hoặc ghi xám. Trên những công trình này, đôi khi được viết những câu đối màu đen hoặc đắp những câu đối có khảm mảnh sành sứ màu trắng hoặc xanh lam. Những mảnh sành, sứ này đôi khi cũng được ghép lên các hoa văn trang trí như hình hổ phù, tứ linh, tứ quý, long mã…

Hai tòa Tả - Hữu mạc cũng cơ bản dùng màu sắc tự nhiên của vật liệu với màu đỏ của gạch, ngói, màu nâu của gỗ.

Khi tìm hiểu về diễn biến kiến trúc của ngôi đình làng Việt, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, ban đầu đình chỉ có một tòa Đại đình với mặt bằng chữ nhất. Những hạng mục phụ trợ nêu trên thường được bổ sung muộn về sau, chủ yếu vào thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.

Ngôi đình nào cũng thường có một chiếc sân khá rộng, được sử dụng với nhiều mục đích (hội họp, vui chơi, diễn các tích, trò trong lễ hội…). Sân đình thường có màu của gạch nung (màu đỏ hoặc nâu sậm) và màu của đá lát (trắng hoặc xanh xám). Tòa Đại đình - công trình chính nằm phía cuối sân là công trình có kiến trúc lớn nhất trong tổng thể di tích. Màu sắc của tòa Đại đình có sự phân biệt giữa các thành phần kiến trúc khác nhau.

Phần nền móng:

Ở phần nền, móng của những ngôi đình làng Việt, màu chủ đạo được dùng là màu nâu đỏ của gạch đất nung và màu xanh hoặc trắng của đá vôi. Một số đình có thể sử dụng cả màu gan gà của đá ong hoặc đá sa thạch.

+ Phần thân, tường bao

Nhìn chung có thể thấy phần bao che bên ngoài của mỗi ngôi đình được sử dụng với hai loại vật liệu chính là gỗ và gạch xây. Màu sắc sử dụng chủ đạo vẫn là màu tự nhiên của gỗ hoặc gạch. Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, tường gạch bao quanh đình được trát thêm lớp áo vữa và quét vôi màu ghi xám hoặc trắng. Một số ngôi đình có phần vách gỗ (đặc biệt ở bộ cửa phía trước được sơn quang màu nâu hoặc màu đỏ sậm).

+ Phần mái:

Trên hệ mái đình, màu sắc chủ đạo được dùng là: đỏ gạch; nâu xám của hiện vật đất nung; màu trắng và xanh lam của đồ sành, sứ và màu ghi của vôi quét phủ. Sự biến đổi màu sắc trên hệ mái cũng mang tính lịch sử; Nếu giai đoạn thế kỷ 17 - 18 màu sắc chủ đạo là màu đỏ của ngói và màu xám của các sản phẩm đất nung, thì sang cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 đã có thêm màu trắng xám của vôi vữa; và màu của các mảng sành, sứ ghép trong nghệ thuật trang trí ghép mảnh.

Màu sắc bên trong di tích

+ Các thành phần, cấu kiện kiến trúc

Do bộ khung chịu lực trong các ngôi đình chủ yếu là gỗ lim và được người thợ sử dụng với màu sắc tự nhiên từ thân gỗ để dựng đình. Gỗ lim thường có màu nâu sậm. Một số ngôi đình niên đại sớm lại dùng gỗ mít để tạo bộ khung (như đình Tây Đằng - Hà Nội) gỗ mít thường có màu trắng ngà hoặc hơi ngả vàng.

Ngoài màu gỗ tự nhiên, một số đình còn sử dụng màu sắc sơn vẽ lên cấu kiện. Đặc biệt tại 4 cột cái gian giữa thường được sơn màu đỏ sậm, vẽ hình rồng, vân mây bằng màu xanh côban. Tuy nhiên, những hình sơn vẽ lên cột cái này thường có niên đại muộn, chỉ từ thế kỷ 19 trở về sau. Trước kia, sơn sử dụng là loại sơn ta, nay đa phần dùng sơn, màu công nghiệp.

Một số ngôi đình cũng sử dụng màu sơn vàng kim để phủ lên các đầu dư hoặc các trang trí trên ván gió, cánh gà…

Những cấu kiện kiến trúc đặc biệt được sơn thếp nhiều ở tòa Hậu cung; màu chính là vàng và đỏ, được sơn cả trên thân cột và trên bộ vì.

Trong nội thất ngôi đình hiện nay cũng có khá nhiều cấu kiện trang trí được gắn vào kiến trúc, như tượng tiên nữ, cửa võng… Nó vừa là những di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, vừa góp phần giảm bớt sự thô cứng của kiến trúc.

Màu sắc được sử dụng ở những cấu kiện này cũng khá đa dạng, nhưng tựu trung lại có thể quy về những dạng thức sau:

- Để màu gỗ tự nhiên: Chủ yếu thấy trên những cửa võng có niên đại sớm (như đình Phúc Long - Bắc Giang)

- Sơn phủ lên gỗ: nhiều cửa võng, tượng tiên nữ được sơn màu vàng, đỏ, xanh côban (đình Hàng Kênh, đình Chu Quyến, đình Hữu Bổ).

Như vậy, giai đoạn đầu, những cấu kiện này cũng chỉ để màu gỗ tự nhiên. Muộn về sau chúng được người thợ sơn, vẽ lên.

+ Đồ thờ.

Đồ thờ trong một di tích nói chung có thể chia thành hai loại: loại đồ thờ phụ trợ cho đối tượng thờ (hương án, bát bửu, chấp kích) và đồ thờ là đối tượng thờ trực tiếp (tượng, ngai, bài vị thờ). Đồ thờ là đối tượng phụ trợ cũng có thể là những di vật gắn, treo trên kiến trúc, như hoành phi, câu đối… Chất liệu tạo nên đồ thờ là đá, gỗ, đồng, đất nung và đất luyện.

- Đồ thờ bằng đá (tượng đá, hương án đá, bát hương đá, ngai thờ đá…) đa phần để màu đá tự nhiên, thường là màu xanh hoặc trắng xám.

- Đồ thờ bằng đất nung (chủ yếu là bát hương, bình, lọ đựng hương, hoa…), đa phần được tráng men màu vàng, trắng, xanh… và được tô vẽ hoa văn.

- Đồ thờ bằng gỗ: có hai màu chủ đạo được sử dụng là vàng và đỏ sậm. Có những đồ thờ chỉ dùng nguyên một màu (như kiệu thờ, ngai thờ chỉ chuyên màu vàng). Có những đồ thờ kết hợp cả hai màu đó như bát bửu có phần cán sơn đỏ, phần bề mặt được sơn thếp màu vàng; hoặc một số bài vị có phần tâm nơi ghi chữ sơn màu đỏ son…; hoặc có những hương án trên bề mặt sơn màu đen (then), phần thân sơn màu vàng… Hoành phi, câu đối cũng được sơn nền màu vàng, chữ sơn màu đỏ. Có khi là nền màu đỏ chữ màu đen hoặc nền đen, chữ đỏ hoặc trắng… Một số câu đối, hoành phi có thể được khảm trai ở mặt chữ.

- Đồ thờ bằng đồng: ngoại trừ tượng thờ trong hậu cung thường được sơn, vẽ… còn cơ bản những đồ thờ khác (chuông, chiêng, bát hương) đều giữ nguyên màu đồng, tuy nhiên, qua thời gian, hiện vật có thể xỉn, đổi màu đen hơn.

- Đồ thờ bằng đất luyện (chủ yếu là tượng thờ) cũng thường được tô, sơn tương tự như với những tượng thờ trên gỗ, đồng. Mỗi pho tượng thường được sơn với 2 màu: mặt màu đỏ - thân màu vàng hoặc mặt trắng - thân vàng hoặc đỏ. Tuy nhiên, cũng có những tượng được sơn vàng toàn bộ và đó thường là những sản phẩm tô vẽ lại thời gian gần đây. Cũng có khi tượng hoặc bài vị được khoác thêm áo, khăn màu vàng hoặc đỏ phủ trùm bên ngoài.

Có thể thấy, bên trong mỗi ngôi đình, ngoài việc sử dụng màu gỗ tự nhiên thì người thợ xưa cũng sử dụng các màu sắc sơn thếp lên cấu kiện. Màu chủ đạo là vàng và đỏ; màu đen và trắng cũng có thể được dùng trên một số đồ thờ. Những cấu kiện sử dụng công nghệ sơn thếp cổ truyền thì màu sắc ngả sang tối và sẫm hơn với những cấu kiện dùng sơn công nghiệp. Sơn công nghiệp thường làm cho cấu kiện và đồ thờ có độ bóng, sáng hơn.

Tóm lại, so với phần ngoại thất thì màu sắc nội thất ngôi đình đã phong phú hơn so với bên ngoài. Ngoài màu gỗ tự nhiên của bộ khung kiến trúc, còn có màu sắc của các thành phần trang trí trên kiến trúc và đồ thờ, được người thợ sơn, phủ lên bằng các loại sơn truyền thống. Trong số những màu sắc được sơn phủ, màu đỏ chiếm số lượng nhiều hơn cả; ngoài ra các màu vàng, đen cũng thường được sử dụng. Có khi một đồ thờ nhưng được kết hợp hai hoặc ba màu vàng - đỏ - đen…

Lương Thu Hương
.
.