Lỗi đạo

Thứ Năm, 07/10/2021, 14:16

Gần đây, trên mạng xã hội rộ lên một số vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa thầy và trò qua các buổi học trực tuyến. Rất nhiều những bình luận, chia sẻ, những phê phán nặng tính “đấu tố” được dành cho những giáo viên. Có những vụ, vì dư luận quá ồn ào mà cơ quan chủ quản phải công khai lên tiếng. Cũng đã có vài lời xin lỗi được đưa ra nhưng cuối cùng, thứ đọng lại chỉ là một nỗi buồn quá sâu sắc.

Hãy chỉ cần xét sự việc trên cơ sở của thái độ nghiêm khắc của người thầy và tính dân chủ trong giáo dục trong các phản ảnh của người trò để nhìn nhận mà thôi. Ở khía cạnh này, có lẽ, đa số trong chúng ta vẫn sẽ có xu hướng dung hoà bằng quan điểm “làm thầy thì cần nghiêm khắc nhưng có giới hạn. Làm trò cần biết dân chủ đóng góp, phê bình nhưng cũng cần hiểu phải luôn giữ đạo thầy trò”.

Điển hình như vụ việc một giáo viên của một trường Đại học kỹ thuật khiển trách sinh viên của mình về chuyện đặt chú thích số liệu trên bản vẽ không đúng quy định. Người thầy tỏ ra cực nghiêm khắc, thậm chí là khó tính, với lời nhắc nhở dựa trên cơ sở đây là một quy định về bản vẽ kỹ thuật đã được dạy ngay từ những ngày đầu và được dạy rất nhiều lần. Người học trò thì xin lỗi với lý do “em quên”. Nghe giọng người học trò và nghe thái độ của người thầy qua bản ghi âm được tung lên mạng, ắt hẳn chúng ta dễ có xu hướng bênh vực cậu học trò.

Nhưng suy cho cùng, bênh vực ấy có đúng với lý tính? Những ai làm nghề kỹ thuật đều hiểu tầm quan trọng của một bản vẽ. Nhiều khi, một bản vẽ thiết kế sai có thể bắt trả giá bằng tính mạng con người do có những ảnh hưởng đến an toàn thi công. Nó cũng không khác gì các kiến thức sơ đẳng mà các sinh viên y khoa được học cả. Vậy thì cái “hiền lành nhận lỗi” của người học trò có phải là đã đủ để những sai lầm chết người ấy không lặp lại sau này, nhất là khi đã ra làm nghề? Và cái nghiêm khắc đến khó chịu của người thầy liệu có phải là quá quắt, hay nó chính là cách thể hiện trách nhiệm của một người làm nghề với xã hội?

Chỉ có ở trong mối quan hệ thầy trò ấy thì chúng ta mới hiểu tận tường lẽ đúng - sai của câu chuyện. Nhưng tại sao chúng ta lại dễ dãi cấp cho mình cái quyền phê phán, “đấu tố” người thầy? Điều nguy hiểm hơn nữa, việc dư luận bênh vực học trò và công kích các thầy giáo đã tạo ra một phong trào “tố cáo” giáo viên trên mạng xã hội nhờ vào các ứng dụng công nghệ tân thời.

Thực tế, trong ngành Giáo dục không phải không có những giáo viên quá quắt, nhưng họ chỉ là thiểu số. Đa số các thầy cô giáo đều rất đáng được kính trọng. Và việc tạo cho học sinh, sinh viên một không khí góp ý dân chủ cho đội ngũ giáo viên cũng là một việc rất tiến bộ. Nhưng, cái ranh giới giữa đóng góp dân chủ với nạn lỗi đạo thầy trò là mỏng manh vô cùng. Và dường như, đang có sự lấn lằn ranh sang lãnh địa của “lỗi đạo thầy trò” một cách thường xuyên hơn trong thời gian gần đây.

Lợi dụng bình đẳng và dân chủ để tấn công giáo viên của mình là cái việc lỗi đạo lớn nhất và có khả năng tạo cho con người ta sự tự mãn để sau đó có những hành vi bất đạo trong đời thường. Và những ai cổ suý cho các hành vi ấy trên mạng xã hội cũng là đang vô tình cổ suý việc tạo ra một diện mạo xã hội méo mó và vô đạo đức với ngày càng nhiều hơn những hành vi trái khoáy đến mức khó hiểu.

Văn  Đoàn
.
.