Lời cảnh tỉnh từ lễ hội

Thứ Năm, 03/11/2022, 16:39

Lễ hội là một sự kiện văn hóa, là nơi hấp dẫn cộng đồng người, ngoài những lễ hội mang tính truyền thống của cá nhân nước đó như lễ hội lịch sử, lễ hội văn hóa, lễ hội tôn giáo thì thế giới ngày nay trên đà toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập nên nhiều nước du nhập thêm những lễ hội của các nước khác.

Lễ hội Halloween (hóa trang) là một lễ hội nổi tiếng ở phương Tây du nhập vào các nước châu Á rất mạnh mẽ. Sự việc kinh hoàng tối 29/10 cả trăm nghìn người đổ về lễ hội này tại khu vực Itaewon của thủ đô Seoul, Hàn Quốc rồi giẫm đạp lên nhau dẫn đến hơn 150 người chết và 150 người bị thương, trở thành nỗi ám ảnh chết chóc tang thương.

Trên thế giới và tại Việt Nam một số lễ hội cũng đã xảy ra tình trạng chết người bởi yếu tố không an toàn, gây nguy hiểm. Làm sao lễ hội trở thành nơi hoạt động văn hóa hữu ích chứ không phải với tên gọi xót xa là "lễ hội thảm hoạ"?

hiện trường vụ giậm đạp. ở lễ hội hoá trang hàn quốc vào tối 29_10 vừa qua .png -0
Hiện trường vụ giẫm đạp ở lễ hội hóa trang Hàn Quốc vào tối 29/10 vừa qua.

Lễ hội Halloween người ta có thể cải trang thành một nàng tiên phép thuật, một nàng công chúa xinh đẹp, một mụ phù thuỷ độc ác, hoặc thành ma cà rồng, hay người hùng Batman… Có thể coi lễ hội này là một trong những lễ hội được giới trẻ của các nước trên thế giới đón chờ nhất trong năm. Ngay cả Việt Nam, lễ hội hóa trang này đã xuất hiện từ khá lâu cùng với lễ Valentine 14/2 (ngày lễ tình nhân) được du nhập từ các nước phương Tây và nhiều năm nay trở thành một ngày hội lớn của những đôi lứa đang yêu hay trong gia đình. 

Giới trẻ là những người sở hữu trái tim bay nhảy, luôn thích những điều mới mẻ, tò mò, hiếu kì và cũng là lứa tuổi mơ mộng, nên cũng thật là dễ hiểu khi người trẻ đều yêu thích Halloween. Hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID- 19 các hoạt động vui chơi, giải trí gần như bị đóng băng, nhiều quốc gia có lệnh phong tỏa để đảm bảo quy định phòng dịch.

Ngay sau khi dịch COVID - 19 có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều quốc gia đã mở cửa khu vui chơi trở lại và lễ hội trở lại hoạt động, và rồi một thảm kịch đã xảy ra hôm tối ngày 29/10 tại Itaewon thủ đô Seoul, Hàn Quốc cướp đi sinh mạng của hơn 150 người đa phần có độ tuổi từ 20-30, và hơn 150 người bị thương. Trong những người xấu số buổi tối định mệnh đó có một nữ sinh Việt Nam đang du học tại Seoul, Hàn Quốc.

Lễ hội tang thương này ngay lập tức được chia sẻ rầm rộ trên mạng khiến cộng đồng mạng một phen chóang váng vì người ta không thể tưởng tượng đến lễ hội vui chơi, hóa trang giải trí lại biến thành hóa kiếp, có đi không có về. Nhiều bạn trẻ Việt Nam phải thốt lên cái chết này vô cùng vớ vẩn và cảm thấy mình may mắn vì vẫn còn sinh mạng khi trở thành con mèo lười nằm ở nhà, và tránh xa chỗ đông người.

Thảm kịch chết chóc trong lễ hội vừa qua ở Seoul, Hàn Quốc không phải là hi hữu mà trước đó trên thế giới cũng có một số thảm kịch tương tự đã xảy ra. Lễ hội Onbashira, là một lễ hội nghìn năm tuổi của Nhật Bản, sáu năm một lần lễ hội được tổ chức ở vùng Suwa vào tháng 4 và tháng 5. Nghi thức của lễ hội này là người ta sẽ lăn một khúc gỗ với đường kính rất lớn từ đỉnh sườn núi xuống đền Suwa Taisha. Với một thân gỗ khổng lồ này lao với vận tốc chóng mặt từ trên đồi cao xuống nên tính sát thương rất cao. Năm 2010 trò chơi nguy hiểm này đã khiến hai người tham dự bị thiệt mạng và một số người bị thương.

Lễ hội đuổi bắt phô mai đồi Cooper ở Anh, được tổ chức vào thứ hai cuối cùng của tháng 5, chiếc bánh pho mai sẽ được thả từ đỉnh đồi xuống, những người tham gia chạy đua phải bắt được chiếc bánh pho mai trên tay nhau, người đầu tiên chạy qua vạch đích sẽ giành chiến thắng và được thưởng chiếc bánh pho mai này. Lễ hội cổ truyền của người Anh có từ rất lâu nhưng sau nhiều lần tổ chức đã gây nguy hiểm cho rất nhiều người khi cố cướp lấy cái bánh ở trên tay đối thủ. Đã có rất nhiều người bị thương do sườn đồi dốc và tốc độ lao xuống rất nhanh. Năm 1997 có tới 33 người gặp nạn, nên lễ hội này đã bị huỷ bỏ hoàn toàn.

một lễ hội cướp phết ở việt nam với hàng trăm người lao vào nhau.jpg -0
Một lễ hội cướp phết ở Việt Nam với hàng trăm người lao vào nhau.

Lễ hội đuổi bắt phô mai đồi Cooper ở Anh thật giống với lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra ngày 13 tháng giêng hằng năm ở Việt Nam. Cảnh tưởng hàng trăm thanh niên trai tráng mình trần lao vào đuổi bắt, la ó, gào thét, giẫm đạp lên nhau để cướp quả phết may mắn. Nhiều người đã không thể trụ nổi ngã khuỵ trước khi giật được quả phết, lễ hội cầu an trở thành nơi hỗn chiến đầy bạo lực.

Lễ hội là nơi sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng có sự gắn kết, giao lưu, lẽ ra có thể trở nên rất đẹp, rất đáng trân trọng nhưng lễ hội cũng trở nên nơi vô cùng phức tạp khi quy tụ một lượng người rất lớn đổ về một nơi. Cảnh chen chúc ở lễ hội đã không còn xa lạ với người Việt, mọi người ai cùng đều muốn vui vẻ sau những ngày dài hết mình cho công việc, người ta cũng muốn đến lễ hội để nạp năng lượng. Sau nhiều năm những trò chơi dân gian trong sáng, những nghi thức tâm linh trang nghiêm lại bị biến tướng thành nơi cướp bóc, tranh giành.

Lễ hội giành cầu, giành phết, giành ấn, giành hoa tre… có mặt ở nhiều địa phương tại nước ta. Nhiều người xúm vào tranh giành một đồ vật nào đó mà người ta cho rằng ai "cướp" được vật đấy trong tay trở thành người hùng may mắn. Sau nhiều năm dài, người ta gọi những nghi thức lễ hội thành "cướp ấn", "cướp lộc", "cướp tre"… và đương nhiên "cướp" là hành vi xấu xa mang tính bạo lực cần phải lên án.

Sự quy tụ số lượng quá đông người ở lễ hội một cách không thể kiểm soát cũng đã gây nên những điều đáng tiếc. Sự kiện lễ hội âm nhạc điện tử ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) có tên TRIP TO THE MOON tháng 9 năm 2018 được kì vọng là điểm nhấn giải trí ấn tượng nhất trong mùa thu nhưng điều đáng buồn là tại lễ hội âm nhạc hoành tráng này đã khiến 7 thanh niên thiệt mạng và nhiều người phải nhập viện.

Bác sĩ Trần Quốc Bình, nguyên Trưởng khoa E bệnh viện Tâm thần Hà Nội lý giải: Tại sao giới trẻ say đắm lễ hội, sẵn sàng chen chúc, ngộp thở để được thoả mãn khi đến lễ hội. "Trong đời sống hiện đại hôm nay, có những người bị hội chứng FOMO fear of missing out (không muốn bỏ lỡ sự kiện) hội chứng này có rất nhiều ở người trẻ mang tính chất lan truyền. Không đi dự sự kiện, lễ hội sẽ cảm thấy rất bứt rứt, muốn đi cho kì được. Văn hóa cuồng tín idol (thần tượng) của giới trẻ, khi nghe nói tụ điểm đó có idol là giới trẻ ngay kể cả kinh tế eo hẹp, họ cũng sẽ cố gắng xoay xở để được đi, để thoả mãn nhu cầu "cái tôi" đến để nhìn thấy thần tượng của mình. Loại bệnh thần tượng này chủ yếu rơi vào thanh thiếu niên. Trong không gian hẹp, bị giẫm đạp lên nhau càng hoảng loạn, thiếu không khí nên người ta dễ dẫn đến tình trạng tử vong, chưa kể giới trẻ cũng dễ đua đòi dùng những chất kích thích mang lại cảm giác hưng phấn ở lễ hội".

Có một câu chuyện mà mỗi lần nhắc đến hai từ "lễ hội" tôi lại không thể không ngậm ngùi, xót xa cho những trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Năm 2014, tôi về nhà thờ Bùi Chu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định với mục đích thăm những em nhỏ cô nhi ở đây. Trước khi thăm các em, cha cố tiếp tôi, ông kể trẻ cô nhi ở đây đa phần được đưa về khi bị người thân bỏ rơi ở lùm cây, trước cửa nhà, cửa nhà thờ. Và đặc biệt vào mỗi mùa lễ hội đầu năm ở đây lại tiếp nhận rất nhiều trẻ tật nguyền. Những trẻ sinh ra không được may mắn như mắc bệnh Down (trí tuệ chậm phát triển), bị bại não, bị liệt bị gia đình ruồng rẫy chối bỏ.

Ở những lễ hội, người ta tham dự nô nức kéo đến, nhiều gia đình cũng đưa những đứa trẻ tật nguyền đó theo, rồi họ lặng lẽ ra về, thả chúng ở nơi đông đúc như thế. Đến chiều muộn khi tàn lễ hội, người ta mới nhìn thấy những đứa trẻ tật nguyền ngơ ngác ở giữa bãi đất trống và người ta không thể tìm được người thân của chúng nên đưa đến đây. Chúng tôi vào thăm những đứa trẻ nhỏ kém may mắn, và lần đi này, chúng tôi đã biết thêm được rằng "Lễ hội" đã không chỉ có mặt tốt mà còn bị lợi dụng trở thành nơi con người có những hành vi tội ác.

Trần Mỹ Hiền
.
.