Liệu có một thế hệ dại khờ?

Thứ Năm, 28/04/2022, 07:00

Những người thuộc thế hệ 7X, 8X chúng tôi đều xúc động khi biết tin "Dạ hội cựu sinh viên Thủ đô" được tổ chức tại sân Đại học Tổng hợp Hà Nội trên phố Lê Thánh Tông trong đêm mưa ngày 16 tháng 4. Nhiều người tiếc vì không được đứng dưới mưa để sống lại kí ức một thời tuổi trẻ. Đêm nhạc không chỉ làm sống lại những cái tên như: Bức Tường, Desire, Hoa sữa, Sao Mai, Chìa khóa vàng, The Time... của các thế hệ sinh viên các Trường Đại học: Tổng hợp, Xây dựng, Bách Khoa... trưởng thành trong thập niên 90 mà còn khơi dậy tinh thần lớn lao: tuổi trẻ sôi nổi và dại khờ.

Những cựu sinh viên như: Bằng Kiều, Mỹ Linh, Lê Minh Sơn,  Anh Tuấn (đội Nhạc viện Hà Nội), Ban nhạc Bức Tường (đội Đại học Xây dựng), MC (đội Nhạc viện Hà Nội)… có một thời chỉ đàn và hát với đúng nghĩa của nó. Có thể sau này họ nổi danh với cát-xê cao ngất hay trở thành những huyền thoại, nhưng khi đó động lực để cống hiến là chỉ cần được cháy hết mình. Cùng với phong trào ca hát đó là những đêm thơ, phong trào sáng tác, những tiểu phẩm đầy sáng tạo trong chương trình SV 96 của VTV3…

Vì sao một thế hệ trở thành huyền thoại và kể rồi sau đó, những giá trị tinh thần của giới trẻ lại dần lắng xuống. Có lẽ, bởi họ “dại khờ”, bởi chưa mang trên vai những gánh nặng "tích hợp", "cải cách", của các "chứng chỉ"…

lo ngại khi  lịch sử thành môntự chọn-nguồn ảnh báo quốc tế. jpg.jpg -0
Lo ngại khi Lịch sử thành môn tự chọn.

Mới đây, dư luận lại được một phen "tá hỏa" trên mạng xã hội khi có tin: Lịch sử thành môn tự chọn từ năm học mới. Có người bạn đã hốt hoảng nói với tôi: "Do học trò ngày nay sợ sử? Do tiết học sử quá nhàm chán hay chúng ta đang đổi mới chương trình theo kiểu "hết khôn lại dồn đến dại"?". Thực ra, sau khi đã được học lịch sử từ cổ đại đến hiện đại ở THCS, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ được chọn một trong ba nhóm, trong đó có nhóm "Khoa học xã hội" (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Lạ ở chỗ, bấy lâu nay chúng ta vẫn hô hào giảm tải chương trình, tránh trùng lặp và hướng đến những môn học thực tế, nhưng trước một động thái như thế, nhiều bậc phụ huynh đã vội phản ứng dữ dội. Họ lo "thực đơn" kiến thức này không đủ cung cấp cho con em mình. Có thể, họ đã lo lắng quá khi nhìn vào bài học nhãn tiền của nền giáo dục Hàn Quốc sau 12 năm xếp lịch sử vào môn tự chọn hoặc lo ngại hàng loạt giáo viên dạy lịch sử sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: "Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn tôi thực sự cảm thấy khó hiểu. Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước, lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới. Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa chỉ là môn phụ, nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học không phải chỉ để thi. Nếu không cẩn thận, việc này có thể trở thành một sai lầm mà nhiều năm sau mới thấy hậu quả" (theo vov.vn).

Người viết nhớ đến một câu chuyện chẳng có gì "giật gân" nhưng lại rất đáng suy ngẫm xảy ra ít ngày trước. Em N.T.H.Đ, 13 tuổi (Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh), vì tức giận mẹ đã đạp xe xuống Vũng Tàu đi xin cơm nước và nhặt ve chai kiếm sống trong suốt 22 ngày. Điều đặc biệt ở câu chuyện này là em bé đã bực tức vì bị mẹ lớn tiếng bởi vết trầy xước trên tay mà lén bỏ đi như một hành động phản kháng, khẳng định khả năng tự lập của mình.

Em bé đã quá dại khờ khi không lường được những hiểm nguy rình rập, nhưng đó cũng là dấu hiệu xuất hiện ở đứa trẻ đang vùng vẫy trưởng thành, tự tìm đường đi riêng cho mình. Thế mới biết, đôi khi với người trẻ, phương án để họ tự thân lựa chọn hơn là áp đặt một sự quan tâm từ người lớn. Có thể người mẹ của bé N.T.H.Đ vì quá thương con đã quá lời, nhưng em bé này cũng cần khoảng lặng để ngẫm nghĩ…

nguyễn thu an và ảnh đại diện của ấn phẩm minutia, dự án lịch sử le retour nostalgique-nguồn ảnh vietnamplus.vn.jpg -0
Nguyễn Thu An và ảnh đại diện của ấn phẩm Minutia, dự án lịch sử Le Retour Nostalgique.

Cách đây gần 10 năm, GS Ngô Bảo Châu từng chia sẻ về ba điều tâm đắc của ông với các bà mẹ khi dạy con, đó là: "trung thực - dũng cảm và trái tim rộng mở". Có thể, ba điều này chưa thể bao quát tất cả, nhưng nếu một người trẻ lớn lên có được những phẩm chất đó thì bản thân họ sẽ tự làm phong phú tâm hồn mình bằng các kiến thức về lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật…

Thay vì lo ngại người trẻ có chọn lịch sử hay không thì tại sao chúng ta không nghĩ đến việc làm thế nào để lịch sử (cũng như các môn khoa học nhân văn) thành một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Như cách mà ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử (Đại học Kanazawa - Nhật Bản) đã nêu: "Có cảm giác càng tranh luận nó càng đi xa khỏi thứ công chúng mong đợi. Cuộc tranh luận hầu như chỉ xoay quanh vấn đề bắt buộc hay tự chọn môn sử ở THPT, rồi tích hợp môn sử vào môn công dân với Tổ quốc có hợp lý hay không… mà ít có các ý kiến tranh luận các vấn đề về dạy học tích hợp, dạy sử trong tích hợp khác khi đứng độc lập như thế nào và cần những tiêu chí gì? Hiện trên thế giới có 2 kiểu giáo dục lịch sử: giáo dục kiểu nghiên cứu xã hội và giáo dục trong môn lịch sử. Với kiểu thứ hai, sử tồn tại như một môn học độc lập, còn kiểu thứ nhất thì không cần" (theo Báo Thanh niên). Có lẽ đã đến lúc lịch sử, địa lý (nói riêng) và giáo dục (nói chung) cần đối đầu với một thách thức để phát triển.

Đặt người trẻ trước sự lựa chọn cũng là cách để họ trưởng thành, người viết tin rằng họ sẽ đến với lịch sử, văn hoá, nghệ thuật… bằng tình yêu, sự đồng bộ trong tiếp nhận và toàn diện trong nhận thức. Một cô bé Nguyễn Thu An, 17 tuổi, quản trị viên (admin) dự án lịch sử "Le Retour Nostalgique" (Sự trở lại đầy hoài cổ); một Đào Xuân Ngọc (nhà khảo cổ trẻ) sinh năm 1987 tại vùng đất Tổ vua Hùng - Việt Trì, Phú Thọ với các bản phục dựng 3D di tích; một Đoàn Nhật Quang với Công ty Lạc Khởi… và quan trọng hơn là cách mà chính người trẻ nghĩ về cách lưu giữ những giá trị ấy.

Đoàn Nhật Quang chia sẻ: "Tôi tin, người Việt Nam vẫn dành sự quan tâm nhất định đến lịch sử. Vấn đề ở đây là cách truyền tải chưa được hấp dẫn, sinh động. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là làm sao truyền tải sử Việt đến đông đảo mọi người, để mọi người biết được những kiến thức cơ bản nhất, tránh tình trạng có những em học sinh không biết Quang Trung và Nguyễn Huệ là một hay hai người như báo chí từng phản ánh" (theo Quỳnh Yên - Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Liệu rằng sẽ có một thế hệ dại khờ nếu trong chương trình mà họ học, lịch sử không phải là môn bắt buộc để rồi họ mơ hồ về cội nguồn và nhẹ dạ trong tiếp nhận các giá trị mới? Nhưng nếu môn học này chỉ dừng lại ở việc cung cấp những sự kiện, số liệu, nhân vật liệu có khắc sâu vào tâm trí những cô bé, cậu bé phần nhiều đang được bao bọc trong các gia đình hay không? Người viết tin rằng, chỉ khi nhen nhóm được ước mơ của những người trẻ để họ thực sự trải nghiệm lịch sử, văn hoá, nghệ thuật… họ mới có sự tiếp thu và phát triển toàn diện những phẩm chất của mình.

Chúng ta đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi của những người đang ngồi trên ghế nhà trường: "Học lịch sử để làm gì?". Biết lịch sử để hiểu về mảnh đất ta đang đứng, bầu trời xanh hòa bình trên đầu ta, tự hào về quốc ca, quốc kì, về Nhà nước của nhân dân, vì nhân dân… tất cả cần lay động từ con tim của mỗi công dân trẻ tuổi trên đất nước này…

Mai Phương
.
.