Lãng phí và lạc trọng tâm

Thứ Năm, 30/12/2021, 14:27

Ngày 25/12, “Ngày hội Văn hoá đọc 2021” (NHVHĐ 2021) đã chính thức khai màn ở TP Hồ Chí Minh theo hình thức trực tuyến, sử dụng thực tế ảo hiện đại và sinh động để nhằm phù hợp với hoàn cảnh xã hội trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành. Với sự tham gia của rất nhiều thư viện ảo thông minh, bảo tàng 3D, nhà xuất bản ảo…, NHVHĐ 2021 có vẻ hứa hẹn nhiều hấp dẫn khi bắt kịp hơi thở thời đại 4.0.

Nhưng dường như cái hấp dẫn hứa hẹn ấy mới chỉ đến từ hình thức thể hiện mà thôi, khi trọng tâm của sự kiện là “văn hoá đọc” lại chưa được nêu bật. Bản thân cái tên của sự kiện đã cho thấy chút gì đó thô vụng. Sự kiện kéo dài từ ngày 27/12 cho đến ngày 5/1 nhưng lại mang hai chữ “Ngày hội” trong cái tên của nó. Nhiều người đã băn khoăn về việc tại sao không là “Tuần văn hoá đọc 2021” bởi nó ngắn gọn hơn, thể hiện tính chính xác hơn.

Lấy chủ đề “Hành trình tri thức - Bừng sáng tương lai”, NHVHĐ 2021 đã sa vào một tập quán rất dở là không tập trung được vào trọng tâm chính. Đa số phần nội dung của NHVHĐ 2021 rơi vào việc trình chiếu các không gian văn hoá của thành phố. Nó giống như một tour du lịch ảo hơn là một chương trình khơi gợi văn hoá đọc. Ví dụ như khu “Truyền thống - dân gian Việt Nam” chẳng hạn. Dính dáng tới văn hoá đọc chỉ là vài tư liệu về truyền thống hiếu học, ham đọc sách của người Việt và nó hoàn toàn chìm nghỉm trước những nội dung giới thiệu nghệ thuật dân gian như quan họ, đờn ca tài tử, ca Huế… Và ở tất cả các không gian khác của NHVHĐ 2021 cũng lặp lại tình trạng này. Không ai có thể tìm kiếm được cốt lõi của sự kiện là văn hoá đọc ở trong suốt những  NHVHĐ 2021. Tư duy lối mòn vẫn tồn tại nặng nề khi quá chú trọng vào bề nổi là những sự góp mặt của nghệ sỹ thay vì sự xuất hiện cần có của những người đọc dẫn dắt nhờ vào uy tín học giả của mình.

Nhược điểm lớn hơn chính là sự lãng phí không cần thiết của việc đẻ thêm ra một sự kiện trong khi bản thân TP Hồ Chí Minh đã có các sự kiện truyền thống liên quan tới văn hoá đọc. Ví dụ như “Hội sách TP Hồ Chí Minh”, một sự kiện mà rất nhiều nhà xuất bản, công ty văn hoá… đã và vẫn luôn tham gia nhiệt tình, luôn chờ đợi mỗi hai năm một lần. Câu hỏi đặt ra là khi TP Hồ Chí Minh đã có 1 sự kiện thúc đẩy văn hoá đọc đã được tổ chức nhiều lần và quen thuộc với độc giả địa phương thì hà cớ gì phải phát sinh thêm một sự kiện khác cùng chủ đề? Cho dù nguồn đầu tư có đến từ tài trợ xã hội đi nữa thì nó vẫn thể hiện sự lãng phí. Tại sao lại không dồn nguồn tài chính và nhân lực ấy cho việc nâng cấp “Hội sách TP Hồ Chí Minh” trở thành sự kiện thường niên, thậm chí nâng tầm nó trở thành một tuần sự kiện tầm vóc quốc gia và khu vực? Đó là còn chưa kể tới việc ở cấp quốc gia vẫn còn một sự kiện khác mang tên “Ngày sách Việt Nam” vẫn thường được diễn ra vào khoảng tháng Tư hàng năm.

Tổ chức bất kỳ sự kiện gì cũng cần quan tâm tới mục đích tổ chức, đối tượng tiềm năng trước khi cân nhắc hình thức tổ chức. Nói thẳng, tổ chức sự kiện là một hoạt động đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất cao chứ không đơn thuần chỉ làm để cho có nhằm hướng tới việc chào đón một ngày lễ lớn nào đó. Và một khi việc một sự kiện như NHVHĐ sau 2 lần được tổ chức vẫn chưa cho thấy được hiệu quả của việc nâng tầm văn hoá đọc trong cộng đồng thì nhà tổ chức rất cần xem lại phương án của mình, khả năng thực hiện nội dung của mình.

Văn  Đoàn
.
.